Năm 2010, ngành chăn nuôi đặt mục tiêu phát triển nhanh theo hướng hiệu quả, an toàn dịch bệnh và an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo tốc độ tăng trưởng đạt 8 - 9%; sản lượng thịt hơi các loại đạt 4,1 triệu tấn, tăng 8,1%; thức ăn chăn nuôi công nghiệp đạt 10,6 triệu tấn, tăng 11% so với năm trước. Bên cạnh đó, ngành sẽ đẩy nhanh việc hình thành các vùng chăn nuôi tập trung dưới hình thức trang trại, nuôi công nghiệp, gắn với các cơ sở chế biến và xử lý chất thải.
Các giải pháp chính của ngành là tập trung đảm bảo về giống, kỹ thuật, chủ động nguồn thức ăn; chuẩn bị đủ nguồn lực để thực hiện các phương án phòng chống dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng và tai xanh để duy trì và tăng trưởng ổn định tổng đàn gia súc, gia cầm, đáp ứng cơ bản nhu cầu thực phẩm thiết yếu. Ngoài ra, ngành chỉ đạo phát triển cây thức ăn và sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước, trong đó khuyến khích việc áp dụng công nghệ sinh học chế biến các nguồn phụ phẩm nông, công nghiệp làm thức ăn chăn nuôi đại gia súc.
Theo Cục phó Cục Chăn nuôi Trần Thế Xường, trong bối cảnh thức ăn chăn nuôi, vật tư chăn nuôi đều tăng, cùng với đó là sức ép về môi trường, sức cạnh tranh nên việc chăn nuôi trong các hộ gia đình có xu hướng giảm trong khi chăn nuôi gia trại, trang trại tăng nhanh và tạo được khả năng cạnh tranh trên thị trường. Nhiều loại hình trang trại nuôi lợn đặc sản, nhất là lợn rừng nhập từ Thái Lan và lợn lửng, lợn mán từ các vùng cao về nuôi công nghiệp và cho sinh sản nhân tạo phát triển rất nhanh. Hiện các sản phẩm lợn đặc sản này có tiềm năng thị trường lớn, giá bán cao và đem lại lợi nhuận cho người chăn nuôi. Đối với chăn nuôi bò sữa đang xuất hiện nhiều mô hình có hiệu quả là các hợp tác xã, tổ hợp tác gắn kết giữa người chăn nuôi với các doanh nghiệp thu mua, chế biến sữa. Các doanh nghiệp, công ty chế biến sữa có thị phần lớn đã có chính sách hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu, hỗ trợ vay vốn, phát triển mạng lưới thu gom, chia sẻ rủi ro với người chăn nuôi nên đã tạo được mối liên kết chặt chẽ, lâu dài.