Ngày 30-9, Hội thảo “Nông nghiệp đô thị - thực trạng, tương lai và giải pháp” với sự tham gia của nhiều nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và các nông dân điển hình đã được tổ chức tại TPHCM.
Nông nghiệp đô thị
Nền sản xuất nông nghiệp truyền thống ở TPHCM bị ảnh hưởng nặng nề bởi tiến trình đô thị hóa và công nghiệp hóa. Theo Sở NN-PTNT TP, diện tích trồng lúa năm 2000 là 55.073 ha, đến năm 2008 chỉ còn 30.708 ha, tức là giảm trên 24.000 ha, trong đó chủ yếu do chuyển đổi công năng sử dụng đất.
Nhưng có một thực tế khác, từ năm 2000 đến năm 2008, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp TP vẫn liên tục tăng khá cao, bình quân 6,04%/năm. Giá trị sản xuất trên 1 ha đất nông nghiệp vẫn tiếp tục tăng và vào loại cao nhất nước, từ 34,56 triệu đồng/ha/ năm 2000 lên 120 triệu đồng/ha năm 2008. Đó là do cơ cấu sản xuất có sự chuyển dịch từ sản phẩm hiệu quả thấp như lúa sang sản phẩm có giá trị cao. Như cây kiểng, mặc dù chỉ chiếm 1,9% diện tích đất sản xuất (1.440 ha năm 2008, tăng 10,14%/năm), nhưng giá trị tạo ra chiếm đến 16% trong ngành trồng trọt (354 / 2.209 tỷ đồng). Giá trị sản xuất cây rau, trên 200 triệu đồng/ha/năm. Diện tích trồng lúa trong 8 năm chuyển sang trồng hoa, lan cắt cành, cây kiểng, cá cảnh, rau… khoảng 7.000 ha. Nhờ đó, bước đầu hình thành các mô hình nông nghiệp mới với chủng loại sản phẩm giá trị cao như hoa lan, cây kiểng, cá cảnh, rau an toàn, heo nạc, bò sữa, cá sấu…
Thực tế trên cho thấy, sản xuất nông nghiệp TPHCM phát triển trong thời gian tới chỉ có thể là nông nghiệp đô thị, như đặc trưng của những thành phố lớn khác trên thế giới.
Chậm nhân rộng mô hình
Tiến sĩ Dương Hoa Xô, Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP cho rằng, việc xác định hướng đi của ngành nông nghiệp đô thị TP khá rõ nét. So với mặt bằng chung cả nước, nông nghiệp đô thị TP đã có bước tiến khá dài, nhưng cần phải tổ chức lại sản xuất.
Theo tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật (Viện KHKT Nông nghiệp miền Nam), dù TP đi đầu trong sản xuất nông nghiệp đô thị, nhưng cả về mô hình và sự đa dạng vẫn chưa nhiều. Với rau an toàn, TP chỉ mới dừng lại sản xuất theo hướng an toàn chưa áp dụng công nghệ cao, trong khi TP có nhiều ưu thế so với các địa phương khác như Lâm Đồng, Bà Rịa-Vũng Tàu… nhờ thị trường ngay tại chỗ với gần 10 triệu người...
Ông Trương Hoàng, Phó Ban chỉ đạo nông nghiệp và nông thôn TPHCM, cho rằng, nếu nói về chủ trương, chính sách TP có đủ để khuyến khích cho nông nghiệp đô thị TP phát triển. TP không thiếu những mô hình hiệu quả, nhưng khó có thể nhân rộng vì… vốn.
Để đầu tư trồng lan cắt cành cần khoảng 1 tỷ đồng/ha, số tiền này quá lớn đối với số đông bà con nông dân. Nhưng nếu vay vốn ngân hàng (NH), theo ông Nguyễn Văn Phụng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP, ngân hàng xác định giá trị đất nông nghiệp để xét cho vay quá thấp nên số tiền vay không được bao nhiêu. Trong khi đó, theo anh Lê Minh Chí, nông dân xã Vĩnh Lộc B, Bình Chánh, NH chỉ cho vay 12 tháng, trong khi lan cắt cành ít nhất 24 tháng mới có thể hoàn vốn. Nhưng cái thiếu cơ bản là TP vẫn chưa thể đầu tư hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng nông thôn (đường, điện…), nhằm tạo điều kiện cho bà con sản xuất và vận chuyển.
Phải có nhận thức đúng và quyết tâm cao
Đó là nhận định của ông Võ Văn Cương, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh TPHCM, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM. Chủ trương, chính sách TP đều đã được cụ thể hóa trong các văn bản nhưng quá trình thực hiện lại gặp nhiều vướng mắc, tiến độ quá chậm làm mất đi thời cơ.
Làng nghề sinh vật cảnh huyện Củ Chi, nằm trong khu vực quy hoạch 500 ha dọc theo sông Sài Gòn của huyện Củ Chi, TP đã có chủ trương khoảng 5 năm trước. Khi biết được dự án này, một số nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký tham gia nhưng đến nay, việc triển khai ì ạch, do vướng quy hoạch 1/2000 và 1/500. Ngay cả chủ trương cũng bị thay đổi, trước đây quy định 1 lô 1.000m2, sau đó phải điều chỉnh lên 3.000 - 5.000m2/lô, làm cho nhà đầu tư lo lắng. Trong khi đó, TP quy hoạch 500 ha làm Trung tâm sinh vật cảnh Sài Gòn ở xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, đến nay vẫn còn trên giấy.
Ông Võ Văn Cương cho rằng, để nông nghiệp đô thị phát triển, trước hết lãnh đạo các cấp của TP phải nhận thức đúng về tầm quan trọng của nông nghiệp đô thị đối với môi trường của một TP lớn như TPHCM, làm nhẹ bớt những khối bê tông khô cứng. Hiện nay, lãnh đạo TP còn bận tâm với những lĩnh vực khác quan trọng hơn vì sự phát triển của TP nên vẫn chưa thật sự quyết tâm dù TP đã xác định rõ hướng đi của nông nghiệp đô thị.