Nông nghiệp đô thị (NNĐT) từ lâu đã trở thành xu thế tất yếu trong quá trình phát triển ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, nông nghiệp Hà Nội vẫn lúng túng trong việc tìm hướng đi để phát triển.
Các nhà hoạch định chính sách tin rằng các mô hình NNĐT sẽ tạo ra cơ hội đổi đời cho người nông dân ven đô, họ không sản xuất đại trà theo phong trào, cách thức truyền thống nữa mà sản xuất ra các "hàng độc" ngon, lạ, phục vụ các nhà hàng, khách sạn như ba ba, cá trắm giòn, gà Mông…
Một vốn bốn lời
Theo TS Phạm Sỹ Liêm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng (Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam), lợi ích của NNĐT là giải quyết được nhiều việc làm thích hợp cho phụ nữ, cho nông dân bị thu hồi đất và cả cho nông dân ngoại tỉnh nhập cư vào đô thị. Về môi trường, NNĐT giúp giảm lượng vận chuyển và diện tích kho lạnh để bảo quản thực phẩm tươi sống, giảm lượng rác sinh hoạt vì thực phẩm đã qua sơ chế, đồng thời làm đẹp cảnh quan, tăng thêm không gian xanh và cải thiện môi trường sinh thái đô thị. Vì vậy, nếu làm tốt các khâu trong phát triển nông nghiệp ở vùng ngoại thành, tập trung xây dựng các vùng chuyên canh, nuôi con đặc sản thì sẽ tạo ra cơ hội làm giàu lớn cho người nông dân.
Chị Lê Thị Biết, xã Thư Phú, Thường Tín cho biết, nhận thấy nhu cầu tiêu thụ cá trắm giòn trên thị trường Hà Nội lớn, nên từ năm 2009, được sự giúp đỡ của Phòng NN&PTNT huyện, trang trại của chị đã chuyển sang nuôi cá trắm giòn. Khó khăn lớn nhất của nuôi cá trắm giòn chính là nguồn nước, bởi loại cá này đòi hỏi môi trường nước sạch mà hiện nay nguồn nước đang bị ô nhiễm do chất thải từ sinh hoạt và chăn nuôi. Do đó, để cá không bị mắc bệnh phải thường xuyên thay nước, bảo đảm nguồn nước luôn sạch thì cá mới sinh trưởng và phát triển tốt. Ngoài ra là nguồn vốn. Để đầu tư mua 1.000 con cá giống bình thường chỉ mất khoảng 50 - 60 triệu đồng, trong khi cá trắm giòn phải mất đến 120 - 150 triệu đồng. Tuy năng suất thấp hơn so với cá thường nhưng giá trị của loại cá này lại cao gấp từ 2 - 3 lần, đồng thời đầu ra của sản phẩm này rất lớn, nên chị thấy yên tâm khi đầu tư nuôi loại sản phẩm này…
Tương tự, nghề nuôi ba ba cũng đang được coi là cho "siêu lợi nhuận" bởi, theo một số người có thâm niên nuôi ba ba thì giá ba ba giống chỉ từ 5.000 - 7.000 đồng/con, thức ăn chính cho ba ba là cá mè, diện tích nuôi không cần lớn. Trung bình nuôi khoảng 1.000 con ba ba, mỗi năm thu lãi ít nhất từ 200 - 250 triệu đồng. Ông Trần Công Bằng - người đã có 15 năm trong nghề nuôi ba ba ở xã Khai Thái (Phú Xuyên) cho biết: Nuôi ba ba là để làm giàu chứ không phải để xóa đói giảm nghèo. Nhu cầu tiêu thụ ba ba trên thị trường rất lớn, chúng ta vẫn phải nhập khẩu nhưng nghề nuôi ba ba lại không hề đơn giản, đòi hỏi người nông dân có trình độ cao, "dày" vốn mới trụ được vì nuôi ba ba phải mất 3 - 4 năm mới được thu hoạch. Tuy nhiên, giá trị của loại sản phẩm này rất cao nên nếu biết cách đầu tư sẽ dễ làm giàu.
Giúp nông dân ứng dụng KHKT vào sản xuất
Theo các chuyên gia, trên thực tế, với lợi thế "thiên thời, địa lợi, nhân hòa", Hà Nội đủ điều kiện để phát triển NNĐT. Tuy nhiên, tự thân nông dân không thể nâng cao thu nhập trong mô hình NNĐT nếu thiếu sự quan tâm của chính quyền thành phố. Từ trước đến nay, ngành nông nghiệp Hà Nội chỉ sản xuất lúa, gạo, cá... Các loại nông sản này có giá trị thấp, hiệu quả sản xuất không cao nên đời sống nông dân còn khó khăn. Chuyển sang nền NNĐT, nghĩa là tạo ra những sản phẩm không chỉ phục vụ nhu cầu ăn mà còn phục vụ nhu cầu thưởng thức các món ngon, lạ, đặc sản như cá trắm giòn, cá tầm, ba ba, ếch… Tuy nhiên, để thực hiện được việc này phải có nhiều vốn, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cao mới có hiệu quả. Đồng thời, nông nghiệp ở Hà Nội vẫn là sản xuất nhỏ, phân tán, sức cạnh tranh thấp... Để phát triển NNĐT cần hạn chế đô thị hóa vùng ngoại ô. Đặc biệt là tập trung sản xuất những sản phẩm đặc thù của từng vùng với chất lượng cao. Muốn vậy, cần phải đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Để đưa những tiến bộ này tới bà con nông dân, Nhà nước cần phải có chính sách đầu tư lớn, nếu không có nguồn hỗ trợ thì người dân không thể thực hiện. Bên cạnh đó, cần nâng cấp, cải thiện hạ tầng giao thông để góp phần rút ngắn khoảng cách giữa các huyện ngoại thành và nội thành. Ngoài ra, cần tăng cường thông tin quảng bá và xúc tiến thương mại để giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng ngày một rộng rãi hơn, từ đó làm thay đổi tư duy trong sản xuất của người nông dân từ sản xuất truyền thống sang sản xuất NNĐT.