Rau mầm được gieo trên các giá thể, vật thể hoặc ngâm ủ để tạo độ ẩm đủ cho hạt nẩy mầm. Vì vậy, để sản xuất rau mầm không cần đến đất trồng như các loại rau thông thường hàng ngày. Do thời gian sinh trưởng ngắn, từ khi gieo đến thu hoạch khoảng 4- 8 ngày nên mầm cây chỉ sống nhờ vào nguồn dinh dưỡng có sẵn trong hạt, không cần phải tưới phân...Hơn nữa do thời gian nẩy mầm ngắn, trong mầm rau lại chứa nhiều kháng thể thực vật nên hầu hết các loại rau mầm không bị sâu bệnh phá hoại nên không cần phải dùng đến các loại thuốc trừ sâu – bệnh...Vì vậy, có thể nói rau mầm là loại thực phẩm an toàn, gần như là loại thực phẩm sạch trong tiêu dùng hàng ngày.
Tại các nước công nghiệp phát triển như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản... từ lâu người ta đã phát hiện ra giá trị dinh dưỡng của các loại rau mầm và hình thành thói quen sử dụng rau mầm như một phương thuốc hữu hiệu. Theo nghiên cứu của nhiều nhà khoa học, ngoài khả năng cung cấp vitamin lớn gấp nhiều lần so với các loại rau thông thường, trong rau mầm còn chứa nhiều hoạt chất hữu ích giúp giải trừ độc tố cho cơ thể, tăng cường hệ miễn dịch, các chất enzim có trong rau mầm có tác dụng rất tốt cho quá trình tiêu hoá, các chất lexithin giúp loại trừ bớt các loại chất béo có trong máu, làm hạn chế quá trình máu bị nhiễm mỡ, các hoạt chất kháng thể thực vật có trong rau mầm giúp cơ thể chống lại tác hại của cáctia phóng xạ... Ngoài ra, theo kết quả nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO): Trong rau mầm còn chứa một số hoạt chất có tác dụng làm chậm quá trình lão hoá và ngăn ngừa các nguy cơ gây ung thư trên con người. Ví dụ trong rau mầm đậu tương chứa hoạt chất Isoflavonoid cao gấp 7 lần so với hạt đậu, đây là chất có tác dụng rất tốt trong quá trình phòng chống lão hoá và làm mịn da. Đó cũng là một trong những lý do làm số người sử dụng mầm rau đậu tương trở nên phổ biến ở nhiều nước phát triển. Tương tự các loại rau mầm khác đều có những tác dụng nhất định như: Rau mầm mướp đắng có tác dụng rất tốt trong phòng chống bệnh tiểu đường, rau mầm của củ cải chứa hàm lượng VitaminC cao gấp 29 lần trong sữa bò, hàm lượng VitaminA và hàm lượng caxi trong rau mầm củ cải cao gấp hàng chục lần so với củ khoai tây...
Trong nhiều vùng của nước ta, người dân đã có tập quán ăn rau mầm cải và giá đỗ như một loại rau sống. Tuy nhiên xu hướng sử dụng đa dạng các loại rau mầm chỉ mới hình thành trong một vài năm gần đây. Hiện nay trên thị trường đã phổ biến một số loại rau mầm như : Giá đỗ đậu xanh, đậu tương, rau mầm củ cải, mầm đậu Hà Lan, rau mầm súp lơ...Người dân ở các đô thị đang có xu hướng chuộng rau mầm hơn bởi ngoài giá trị dinh dưỡng rau mầm còn là một loại thực phẩm an toàn. Do đó, người tiêu dùng có thể hoàn toàn yên tâm khi quyết định lựa chọn các sản phẩm rau mầm cho thực đơn của gia đình mình. Vì vậy, ngoài các cơ sở trồng rau mầm tập trung để cung cấp cho thị trường thì trồng rau mầm tại nhà là một giải pháp cung cấp nhu cầu rautại chỗ rất tiện lợi và an toàn đối với người dân sống ở các đô thị. Do rau mầm không tốn nhiều diện tích nên chúng ta có thể tận dụng các hộp xốp đặt ở bất cứ khoảng trống nào từ sân thượng, hành lang, mái hiên nhà....đều có thể dùng để trồng rau mầm. Nhiều người coi trồng rau mầm trong gia đình như là một thú vui thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng. Đó cũng là thú vui để tạo ra sản phẩm an toàn và hữu ích cho gia đình và xã hội.