00:00 Số lượt truy cập: 2991351

Philippines khát đầu tư vào lúa gạo 

Được đăng : 03/11/2016

Gạo là lương thực chính ở Philippines với mức tiêu thụ hằng ngày ở đất nước này là 33.000 tấn, chiếm khoảng 20% ngân quỹ của các hộ gia đình hằng ngày. Hàng nghìn gia đình Philippines đang phải cắt giảm chi tiêu vào lương thực để đối phó với việc tăng giá.


Một cuộc khảo sát toàn quốc được tiến hành vào tháng bảy do Pulse Asia cho thấy 2/3 hộ gia đình chi ít hơn cho lương thực.

Vào quý ba là lúc nhu cầu về gạo ở đất nước này trở nên cấp bách, cùng với việc giá cả tăng vùn vụt đã đưa đến những bất ổn về chính trị và xã hội. Các quan chức chính phủ đang tìm mọi cách để xoa dịu tình trạng đói gạo, chủ yếu qua việc nhập khẩu giá cao và các biện pháp hành chính.

Hai tháng qua, chính phủ đã nhập hai triệu tấn gạo và bán với giá trợ cấp 25 peso (0,55 xu Mỹ) một cân, trừng trị thẳng tay những kẻ đầu cơ gạo, cho hoãn nợ trên đất nông nghiệp và thúc giục các nhà hàng ăn nhanh đưa ra khẩu phần nửa là gạo.

Những biện pháp này hiển nhiên là không thể xoa dịu được công chúng. Vì thế tỉ lệ hài lòng qua mạng đối với Tổng thống Arroyo đã xuống tới 21%, tỉ lệ thấp nhất đối với bất cứ đời tổng thống nào kể từ năm 1989.

Philippines hiện là nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới và trong mười năm qua đã mua một đến hai triệu tấn gạo mỗi năm, tương đương 10 % tổng lượng gạo tiêu thụ của đất nước này.

Chính phủ không thể tiếp tục dựa vào nhập khẩu để thỏa mãn nhu cầu cơ bản của nhân dân. Bởi rủi ro là rất lớn, chỉ có khoảng 7 % tổng lượng gạo thu hoạch trên toàn thế giới được buôn bán.

Những nước xuất khẩu gạo lớn như Thái-lan, Việt Nam và Trung Quốc cũng là những nước gạo là nguồn lương thực chủ yếu, nên không chần chừ hạn chế xuất khẩu để bảo đảm nhu cầu nội địa.

Ðầu năm nay các nước như Cam-pu-chia, Ai Cập, Ấn Ðộ, Pakistan và Việt Nam đều dừng xuất khẩu khi nguồn cung thắt chặt đe dọa an ninh lương thực.

Bộ trưởng nông nghiệp Philippines Arthur Yap nói đất nước sẽ tự túc lương thực vào năm 2010. Tuy nhiên, quốc đảo chỉ có diện tích đất nông nghiệp hạn hẹp với khoảng bốn triệu héc ta trồng lúa.

Trong cuộc thảo luận vào tháng trước, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng thế giới (WB) W.Martin nói rằng những tiến bộ trong công nghệ sản xuất có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giảm bớt thiếu hụt gạo ở Philippines thậm chí có thể thúc đẩy phát triển kinh tế.

Các chuyên gia khác nói rằng ngoại trừ chính phủ đầu tư mạnh vào lĩnh vực này và có các chính sách thực thi ưu tiên cải tạo hệ thống thủy nông và áp dụng khoa học trên cánh đồng, nếu không thì việc đủ lương thực vẫn chỉ là mơ ước.

Người Philippines ước tính sẽ nhập 2,7 triệu tấn gạo năm nay và chính phủ có thể phải trả tới 58,7 tỷ peso cho số gạo này.

Theo Ủy ban Thủy lợi quốc gia Philippines, chỉ có 46 % diện tích đất canh tác có nước tưới. Ðầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn và các dịch vụ hỗ trợ khác giảm từ 0,2% tổng giá trị gia tăng nông nghiệp của đất nước (GVA) từ 1995-1999 tới 0,07 % vào năm 2000-2005.

Sự đầu tư quá khiêm tốn vào khu vực hỗ trợ sản xuất lúa gạo đã ảnh hưởng đến sản lượng và làm suy yếu vị trí cạnh tranh trên thị trường thế giới với các nước Ðông - Nam Á khác.

F.Adriano, nhà kinh tế ở Manila đã tiến hành một số nghiên cứu về khu vực nông nghiệp Philippines ước tính rằng chính phủ cần đầu tư ít nhất 40 tỷ peso hằng năm để xây dựng hệ thống thủy nông mới. Những chi phí vào lĩnh vực này gần đây ít hơn nửa con số này.
Tuy nhiên ngành nông nghiệp cần tránh đầu tư vào những dự án lớn như đê "nó chỉ nên sửa chữa và phục hồi những hệ thống có sẵn hoặc chi phí vào những khu vực nhỏ như hệ thống thủy nông công".

Những biện pháp khác là đầu tư vào nghiên cứu và phát triển nông nghiệp, giúp nông dân cải thiện thu nhập, trong khi giữ giá lương thực ổn định.

Một nghiên cứu chỉ ra rằng trong vòng 10 năm qua đầu tư vào nghiên cứu nông nghiệp chỉ chiếm 0,1% GVA, thấp hơn nhiều so với mức yêu cầu là 1% đối với các nước đang phát triển và 2-3% ở nhiều nước khác.

Cần có nhiều quỹ hơn được sử dụng để phát triển hạt giống chất lượng cao, quản lý mùa màng thống nhất, phổ biến kiến thức, công nghệ mới.