Phòng, chống dịch cúm gia cầm: Tập trung vào biện pháp dài hạn
Được đăng : 03/11/2016
Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu: phải chỉ đạo công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm thật quyết liệt, cụ thể và tập trung vào các biện pháp dài hạn, bền vững như quy hoạch vùng chăn nuôi gia cầm, giết mổ gia cầm tập trung.
Sáng 12-3, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm năm 2006 và triển khai kế hoạch năm 2007. Ðông đảo đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương trong cả nước về dự. Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng chủ trì hội nghị.
Sau gần một năm, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành, cả nước đã khống chế được dịch cúm gia cầm. Nhưng từ ngày 6-12-2006 đến nay, dịch cúm gia cầm lại tái phát ở nhiều địa phương, chủ yếu trên đàn thủy cầm chưa được tiêm phòng vaccine và đang diễn biến phức tạp. Nguyên nhân chủ yếu là chính quyền và nhân dân chủ quan, cho rằng đã khống chế được dịch, cho nên lơi lỏng các biện pháp phòng, chống, kể cả việc tiêm phòng, giám sát dịch bệnh. Ðồng thời, các ngành chức năng chưa phân công nhiệm vụ cụ thể cho các tổ chức, cá nhân; kinh phí phòng, chống dịch chưa nhất quán, còn thấp và chậm; thiếu sự chỉ đạo đồng bộ và xử lý sai phạm không kiên quyết; việc quy hoạch chăn nuôi gia cầm và nơi giết mổ tập trung còn nửa vời; cơ sở vật chất và lực lượng thú y vừa yếu vừa thiếu.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Ðức Phát còn nêu bốn vấn đề: Nhận thức về dịch cúm gia cầm chưa đầy đủ; tổ chức thực hiện, nhất là cấp cơ sở chưa nghiêm túc; thiếu các biện pháp kỹ thuật phòng, chống dịch; chính sách có nhiều điểm bất cập.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng biểu dương các cấp, các ngành đã có nhiều cố gắng phòng, chống dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm long móng gia súc và dịch cúm A (H5N1) ở người kể từ tháng 12-2003. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, việc các cấp, các ngành chưa làm cho toàn dân (từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng) thấy hết mức độ nguy hiểm của dịch bệnh. Hiện nay, virus cúm gia cầm đã lưu hành rộng trong môi trường, nhất là trong đàn thủy cầm, có nguy cơ bùng phát thành đại dịch trên toàn cầu. Trong khi đó, nhiều nơi chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị, tổ chức theo vị trí, chức năng của mình trong công tác phòng, chống dịch.
Phó Thủ tướng yêu cầu: Từng bước thay đổi phương thức chăn nuôi theo hướng tổ chức sản xuất lớn; phải chỉ đạo công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm thật quyết liệt, cụ thể và tập trung vào các biện pháp dài hạn, bền vững như quy hoạch vùng chăn nuôi gia cầm, giết mổ gia cầm tập trung. Trước mắt, tập trung thực hiện tốt kế hoạch tiêm vaccine phòng bệnh, xây dựng và nâng cao năng lực hệ thống thú y, nhất là đội ngũ cán bộ thú y cấp xã; coi phòng dịch là chính và đối tượng cần tập trung làm tốt trong thời gian tới là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.