00:00 Số lượt truy cập: 3036518

Phòng chống dịch cúm gia cầm ở ĐBSCL: Phải có sự phối hợp đồng bộ, khẩn trương và quyết tâm cao 

Được đăng : 03/11/2016

Như tin đã đưa, ngày 11-2, tại TP Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị triển khai công tác phòng chống dịch bệnh động vật năm 2009. Ý kiến, kiến nghị của các đại biểu xoay quanh vấn đề: “Đồng bằng sông Cửu Long: Làm gì để ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm?” .


Theo Cục Thú y - Bộ NN&PTNT, ở nước ta đến ngày 11-2 đã có 7 tỉnh là: Cà Mau, Sóc Trăng, Hậu Giang, Nghệ An, Quảng Ninh, Quảng Trị và Bắc Ninh có dịch cúm gia cầm (CGC) chưa qua 21 ngày. Đặc biệt, ở ĐBSCL, theo nhận định của Bộ NN&PTNT, còn khoảng 30 ngày là bước vào thời điểm thu hoạch rộ vụ lúa đông xuân 2008-2009. Đây là mùa vịt chạy đồng và là khoảng thời gian khó khăn nhất cho công tác phòng chống dịch CGC. Chính vì thế, khả năng bùng phát dịch trên diện rộng là rất cao. Muốn hạn chế, ngăn chặn, phòng chống dịch một cách hiệu quả, đòi hỏi sự nỗ lực từ các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị.

* ÔNG MAI HOÀNG VIỆT- CHI CỤC TRƯỞNG, CHI CỤC THÚ Y TỈNH AN GIANG: NÊN TIÊM MIỄN PHÍ VẮC XIN CGC CHO TẤT CẢ GIA CẦM

Nỗi lo của chúng tôi hiện nay chính là tình hình dịch CGC đang diễn biến phức tạp. Quyết định 60/QĐ-BNN-TY ngày 9 tháng 1 năm 2009 của Bộ NN&PTNT về việc phê duyệt Kế hoạch tiêm phòng vắc xin CGC năm 2009 quy định: Đối tượng bắt buộc tiêm phòng: gà, vịt đẻ trứng giống, trứng thương phẩm; đàn gà thịt, vịt thịt nuôi thả rong trong phạm vi khu dân cư. Đối tượng không bắt buộc tiêm phòng: gà nuôi thịt được nuôi nhốt; ngan các loại, vịt nuôi thịt chạy đồng (vịt chỉ ở ngoài đồng), vịt nuôi thịt được nuôi nhốt. Trong khi đó, các ổ dịch phát sinh trong năm 2009 ở các tỉnh ĐBSCL chủ yếu là trên đàn vịt 40 - 70 ngày tuổi, không loại trừ khả năng đàn vịt nuôi thịt chạy đồng. Mặt khác, nếu thực hiện như Quyết định 60/QĐ-BNN-TY vừa nêu, không riêng gì ngành thú y An Giang mà nhiều địa phương khác sẽ rất khó khăn trong việc ngăn chặn, phòng chống khả năng lây lan của dịch bệnh.

Chăn nuôi gia cầm theo mô hình công nghiệp, an toàn sinh học, có kiểm soát dịch bệnh một cách chặt chẽ là một hướng mở cho chăn nuôi gia cầm. Trong ảnh: Một trại nuôi gia cầm theo mô hình an toàn sinh học tại Bạc Liêu. Ảnh: THANH TÂM

Như vậy, để đảm bảo công tác phòng chống dịch CGC trong thời gian tới, nhất là trong năm 2009 đạt hiệu quả cao, tôi kiến nghị Bộ NN&PTNT cho tiêm miễn phí vắc xin CGC cho tất cả các đối tượng gia cầm chăn nuôi trong dân.

* ÔNG NGUYỄN VĂN KHANG, GIÁM ĐỐC SỞ NN&PTNT TIỀN GIANG: NÂNG MỨC THÙ LAO CHO CÁN BỘ THÚ Y CƠ SỞ

Hiện nay, chưa thể khẳng định dịch CGC sẽ bùng phát ở ĐBSCL hay không. Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra là việc tổ chức tiêm phòng vắc xin phòng chống dịch bệnh trong dân như thế nào. Theo tính toán, để tiêm hết cho tất cả các đối tượng gia cầm đang nuôi trong dân, mỗi một địa phương vùng ĐBSCL phải bỏ ra ít nhất là 2 tỉ đồng. Đây là yêu cầu khó có thể thực hiện được trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay. Ngoài ra, sự phối hợp không đồng bộ giữa cơ quan chuyên môn, địa phương sẽ khiến dịch bệnh CGC diễn biến phức tạp. Điển hình như công tác quản lý vịt chạy đồng. Khi được yêu cầu của cán bộ thú y, chủ những đàn vịt chạy đồng trình những giấy tờ có liên quan đến việc tiêm ngừa phòng bệnh. Nhưng các giấy tờ này thường bị nhòe, hoặc đã bị cạo sửa nên khó có thể xác định tính chính xác. Trong khi đó, việc cấp lại các giấy chứng nhận gia cầm đã tiêm phòng lại không được quy định rõ ràng, không thống nhất giữa các địa phương. Vấn đề này cần phải được các ngành hữu quan sớm xem xét và giải quyết thống nhất trong thời gian tới.

Theo quy định trước đây, cán bộ thú y cơ sở nhận thù lao 100 đồng/mũi tiêm. Quy định này hiện nay đã không còn phù hợp; không khuyến khích, động viên và đảm bảo thu nhập cho các cán bộ thú y cơ sở khi thực hiện công tác tiêm phòng, nhất là ở những địa bàn xa, có số lượng gia cầm ít khiến công tác tiêm phòng hiệu quả đạt không cao. Các ngành hữu quan nên xem xét nâng mức thù lao này lên 150 - 200 đồng/mũi tiêm...

* ÔNG HUỲNH CHÍ NGUYỆN, PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ NN&PTNT TỈNH HẬU GIANG: KHÔNG NÊN KHOÁN TRẮNG VIỆC PHÒNG CHỐNG DỊCH CGC CHO NGÀNH THÚ Y

Để ngăn chặn dịch CGC bùng phát trên diện rộng trong thời gian tới, chính quyền, các cấp, đoàn thể phải ra tay tuyên truyền, vận động, tạo sự chuyển biến ý thức phòng chống bệnh trong dân. Không nên tiếp tục khoán trắng cho ngành thú y như trong thời gian vừa qua. Song song đó, Nhà nước cũng cần có chính sách khuyến khích chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại, mô hình an toàn sinh học... thành một chương trình lớn của cả nước để nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nuôi gia cầm.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 45 trang trại nuôi gà công nghiệp, hơn 300.000 con. Qua kiểm tra, các trang trại này thực hiện rất tốt công tác phòng chống các loại dịch bệnh. Tuy nhiên, Hậu Giang đã công bố dịch CGC trên địa bàn toàn tỉnh. Theo quy định, gia cầm, sản phẩm gia cầm “nội bất xuất, ngoại bất nhập” vào địa phương. Do đó, Bộ NN&PTNT cần nhanh có những chính sách, hay giấy “thông hành” đối với gia cầm sạch được bán ra ngoài tỉnh, tránh thiệt hại cho người nuôi.

* ÔNG NGUYỄN THANH SƠN- PHÓ CHI CỤC TRƯỞNG, CHI CỤC CHĂN NUÔI: PHẢI KIỂM SOÁT ĐƯỢC CHẤT LƯỢNG CON GIỐNG, THỨC ĂN

Trong tình hình được nhận định là khó khăn như hiện nay (các sản phẩm chăn nuôi ngoại nhập đang có xu hướng giảm giá mạnh, dịch bệnh thách thức...), điều trước tiên là phải kiểm soát được chất lượng con giống. Chúng ta đã có Pháp lệnh giống vật nuôi nhưng hầu như chưa có địa phương nào trong cả nước thực hiện một cách nghiêm túc. Vì thế, hiện nay, phần lớn các cơ sở sản xuất cung ứng giống không có xác nhận của cơ quan chuyên môn.

Hiện nay, cũng có một nghịch lý, giá đầu vào có xu hướng giảm nhưng giá đầu ra của nhiều loại thức ăn chăn nuôi vẫn còn dấu hiệu tăng. Đặc biệt, nhất là các loại thức ăn phục vụ cho chăn nuôi thương phẩm. Vì thế việc quản lý thức ăn chăn nuôi cũng cần phải được chú trọng trong thời gian tới. Phải có quy định về các chỉ tiêu dinh dưỡng trong thành phần thức ăn chăn nuôi, kiểm tra định kỳ, đột xuất và công bố công khai những trường hợp vi phạm. Trong kế hoạch phát triển trung hạn, các địa phương trong cả nước phải xây dựng được quy hoạch phát triển của ngành chăn nuôi có kiểm soát, phát triển các mô hình chăn nuôi công nghiệp, an toàn sinh học... Ngoài ra, vấn đề tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền địa phương, người chăn nuôi phải đi liền với các biện pháp chế tài là hết sức quan trọng.

* ÔNG DIỆP KỈNH TẦN, THỨ TRƯỞNG BỘ NN&PTNT: XỬ LÝ NGHIÊM CÁC TRƯỜNG HỢP VI PHẠM VỀ PHÒNG CHỐNG DỊCH

Qua kiểm tra thực tế ở Cà Mau, Bạc Liêu và Sóc Trăng, tôi cho rằng dịch CGC đang diễn biến hết sức phức tạp: dịch CGC xảy ra chủ yếu trên đàn vịt, phát sinh ở những ổ dịch cũ và 100% không được tiêm phòng hoặc tiêm phòng vắc xin phòng bệnh không đúng quy định. Trong khi đó, khi dịch phát sinh ngành chức năng phát hiện và xử lý rất chậm; tỷ lệ tiêm phòng theo báo cáo thì rất cao, đạt từ 80- 90% nhưng khi kiểm tra chỉ còn 30-40%...

Phòng chống dịch, theo tôi, cả hệ thống chính trị không vào cuộc thì không thể thành công được. Những địa phương đã có dịch xảy ra phải tiến hành công bố dịch và trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền các cấp phải tập trung dập dịch; kiểm soát chặt chẽ khu vực có dịch, nghiêm cấm vận chuyển gia cầm ra ngoài ổ dịch, vệ sinh tiêu độc, khử trùng, tiêm phòng vắc xin khu vực xung quanh ổ dịch, không để dịch lây lan trên diện rộng.

Lãnh đạo các địa phương phải chỉ đạo các ngành, các cấp quản lý tốt các đàn vịt chạy đồng; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về phòng chống dịch theo quy định của pháp luật về thú y; kiên quyết không để xảy ra tình trạng vi phạm lấy gia cầm mang đi tiêu hủy để sử dụng, gây nguy ngại trực tiếp cho tính mạng người dân, sức khỏe cộng đồng và bức xúc trong dư luận.