00:00 Số lượt truy cập: 3041348

Phòng chống đói rét cho trâu bò: Nỗi lo mùa rét mới 

Được đăng : 03/11/2016
Hậu quả thiệt hại của đợt rét đậm, rét hại đầu năm khiến nông dân trong tỉnh vẫn còn bàng hoàng. Đã bước vào mùa đông với những diễn biến khá bất thường của thời tiết, nguy cơ rét đậm, rét hại kéo dài có thể lại xảy ra.

Trong khi đó, tập quán chăn nuôi tự nhiên vẫn còn phổ biến, việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật phòng, chống đói, rét cho trâu, bò còn nhiều hạn chế, Đó là những nỗi lo lớn đối với các hộ chăn nuôi gia súc trong mùa đông năm nay.

Ứng phó với mùa rét mới

Đợt rét đậm rét hại đầu năm 2008 đã lấy đi của nông dân trong tỉnh hơn 1 vạn con trâu, bò, chiếm gần 5% tổng đàn, tập trung ở các huyện Đà Bắc, Tân Lạc, Lạc Sơn, Mai Châu, Kim Bôi. Hàng trăm hộ nông dân bỗng chốc trắng tay, nhiều gia đình bị thiệt hại vài ba con gia súc, có hộ bị chết tới hàng chục con. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trâu bò bị chết, theo ngành chức năng đánh giá là do thời gian rét kéo dài suốt 38 ngày, nhiệt độ xuống thấp dưới 15oC làm sức đề kháng của trâu bò kiệt quệ. Ngoài ra, một nguyên nhân quan trọng khác là do tập quán canh tác chăn thả tự nhiên trên núi đồi còn phổ biến, người dân cũng không có ý thức phòng chống đói rét như làm chuồng trại, chuẩn bị thức ăn cho trâu bò. Tại nhiều xã vùng cao tỷ lệ gia súc bị chết đói nhiều hơn chết rét.

Hậu quả của đợt rét nói lên thực tế nền chăn nuôi ở tỉnh có quy mô nhỏ lẻ, tập quán chăn thả gia súc còn phổ biến, việc áp dụng khoa học kỹ thuật của nông dân còn nhiều hạn chế. Đây là vấn đề bức thiết đặt đối với ngành chăn nuôi trong mùa đông năm nay. Theo Ông Lương Thanh Hải, Chi cục phó Chi cục Thú y: Để bảo vệ đàn gia súc, gia cầm, người chăn nuôi phải chủ động trên cả 3 phương diện đó là: Phòng- chống dịch bệnh, dự trữ thức ăn và chống rét cho vật nuôi. Người dân cần tăng cường tiêm phòng để tăng sức đề kháng với bệnh dịch cho vật nuôi trong những ngày đông giá rét, nhất là phải chú trọng dự trữ, chế biến thức ăn mùa đông cho gia súc.

Vừa qua, Sở KH&CN phối hợp với Sở NN&PTNT triển khai chương trình ứng dụng và chuyển giao công nghệ thu gom, dự trữ và chế biến thức ăn cho trâu, bò đến tất cả các huyện, thành phố. Thức ăn tận dụng trong chăn nuôi vụ đông có thể là những phụ phẩm trong nông nghiệp như: Cây chuối, cây ngô và chủ yếu là rơm rạ. Hiện nay, có các phương pháp chế biến thức ăn chính như: Chế biến rơm lúa bằng phương pháp xử lý urê; sản xuất chế phẩm Bokashi làm thức ăn tăng cường dinh dưỡng, phòng chống bệnh đường ruột và chế biến bánh dinh dưỡng EM.

Các phương pháp này dễ áp dụng, không tốn kém người chăn nuôi có thể chủ động nguồn thức ăn cho trâu bò cả mùa đông kéo dài. Đồng thời, ngành thú y khuyến cáo bà con: Khi nhiệt độ xuống thấp dưới 120C, phải nuôi nhốt, không chăn thả trâu bò, mặc áo hoặc quây che chắn chuồng trại, ủ chấu tránh hướng gió lùa để sưởi ấm trâu bò. Hiện nay, ở nhiều xã trong tỉnh người dân bắt đầu có ý thức che chắn chuồng trại, chuẩn bị thức ăn dự trữ cho trâu bò.

Không dễ thay đổi tập quán

Đã chính thức bước vào mùa đông. Hậu quả thiệt hại nặng nề của đợt rét đã bước đầu cảnh tỉnh nông dân. Theo hướng dẫn của ngành chức năng, nông dân ở một số địa phương nhận thức được vai trò của dự trữ, chế biến thức ăn, làm chuồng trại cho gia súc vào mùa đông. Năm nay, công tác tuyên truyền phòng chống đói rét cho trâu bò cũng chưa được rộng khắp tới đông đảo nhân dân.

Ông Đinh Văn Thái, Phó trạm KNKL cho biết: Trạm đã phối hợp tuyên truyền, chuyển giao kỹ thuật ủ rơm, ủ lá mía đến một số hộ dân. Huyện đang tập trung hướng dẫn nông dân đặc biệt ở các xã vùng cao Yên Lập, Yên Thượng, Xuân Phong dự trữ phụ phẩm nông nghiệp như ngọn, lá mía bổ sung thức ăn cho trâu bò trong mùa rét.

Bà Đinh Thị Quyết, Trưởng Trạm KNKL huyện Đà Bắc lo ngại: Đà Bắc là huyện có số lượng trâu bò chết đói, chết rét hồi đầu năm đứng đầu toàn tỉnh. Là huyện vùng cao của tỉnh việc tuyên truyền đến người dân để chủ động phòng chống dịch bệnh, dự trữ thức ăn cho chăn nuôi vụ đông gặp không ít khó khăn. Vận động bà con đưa trâu, bò đi tiêm phòng dịch bệnh cũng khó vì trâu bò thả rông trên đồi không thể lùa được về.

Rút kinh nghiệm từ đợt trâu bò chết hồi đầu năm, mặc dù đến thời điểm này chúng tôi đã tổ chức tập huấn về kỹ thuật chế biến, bảo quản thức ăn trâu bò vụ đông cho các hộ dân thị trấn, Tu Lý. Nhưng, trên thực tế vẫn còn tình trạng hết vụ người dân không để tích trữ mà đốt hết rơm rạ. Việc tạo thói quen dự trữ, chế biến thức ăn, nuôi nhốt vật nuôi tại các xã, thị trấn vùng dưới đã khó, các xã vùng cao còn khó hơn nhiều.

Đặc biệt là các xã vùng cao không có ruộng thì làm gì có rơm khô mà tích trữ như: Cao Sơn, Mường Tuổng, Suối Nánh, Yên Hoà. Đang ở trong mùa đông, nếu có rét đậm rét hại thì không biết số lượng vật nuôi chết đói, chết rét là bao nhiêu nữa… Bà Quyết cho biết thêm: Huyện cũng đã nhận thức tính nghiêm trong của thời tiết có thể rét đậm, rét hại kéo dài, đang tăng cường tuyên truyền phổ biến kỹ thuật phòng chống đói rét cho trâu bò. Nhưng để bảo vệ chăn nuôi, từ cấp ủy, chính quyền cơ sở và ngay bản thân mỗi hộ nông dân cần thay đổi tập quán chăn nuôi, thực hiện chăn thả có quản lý, tổ chức làm chuồng trại che chắn, dự trự thức ăn cho trâu bò.