00:00 Số lượt truy cập: 3077016

Phòng lùn sọc đen từ lúc mạ non 

Được đăng : 03/11/2016
Nhằm khống chế bệnh lùn sọc đen (LSĐ) và các bệnh hại khác trên lúa, Viện Bảo vệ Thực vật (BVTV) vừa thử nghiệm thành công một quy trình tổng hợp các biện pháp quản lý sâu bệnh. Phương pháp mới vừa thân thiện với môi trường, vừa giúp tăng năng suất lúa, lợi nhuận trội hơn 7 triệu đồng/ha…

Vụ ĐX 2010, bệnh LSĐ đã xuất hiện tại 28 tỉnh, thành từ miền Bắc đến Khánh Hòa và có khả năng sẽ lây lan đến tận ĐBSCL. Để ngăn chặn diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Viện BVTV phối hợp với Cty Syngenta xây dựng giải pháp phòng LSĐ ngay từ khi gieo mạ. Theo ông Ngô Vĩnh Viễn, Viện trưởng Viện BVTV, đối tượng rầy lưng trắng di trú là mối nguy cơ thường trực truyền virus LSĐ cho cây lúa, đặc biệt trong giai đoạn mạ non, dưới 25 ngày tuổi.

Vì vậy, khi thực hiện mô hình tại xã Hải Lộc, huyện Hải Hậu, các nhà khoa học chủ trương chặn rầy ngay từ khi mới lên mạ. Bằng cách ngâm hạt giống trong thuốc Cruiser Plus 312.5 FS, hoạt chất thiamethoxam có trong thuốc vừa hấp thụ thẳng vào hạt giống đồng thời phân tán ra đất và sẽ được hấp thụ trở lại qua bộ rễ cây con sau đó phân bổ toàn cây. Đây là hoạt chất trừ sâu phổ rộng, có tác dụng cả với sâu, mọt, bọ trĩ, bọ hung, rệp, rầy…

Với những cây mạ có chứa Thiamethoxam, rầy lưng trắng chích phải sẽ bị tê liệt ngay lập tức. Hoạt chất này có thể tồn dư và bảo vệ hữu hiệu cây mạ trong vòng 10-15 ngày. Trường hợp lúa gieo sạ, thời gian hiệu lực của thuốc sẽ kéo dài hơn vì cây mạ tận dụng được lượng tồn dư trong đất. Khoảng 20 ngày sau sạ, mạ cần được bảo vệ thêm một lần nữa bằng Chess 50 WG.

Việc áp dụng trừ rầy lưng trắng sớm ngay từ đầu vụ đã giúp giảm gây hại trực tiếp, kết quả cho thấy mật độ rầy ở công thức đối chứng cao gấp 100 lần so với mô hình và trên 30 lần so với ruộng của dân ngoài mô hình ở 7 ngày sau phun. Giai đoạn lúa đẻ nhánh bệnh LSĐ chưa thấy xuất hiện trong mô hình nhưng ở ruộng đối chứng tỷ lệ bệnh trung bình là 7%, các ruộng ngoài mô hình cũng bắt đầu có dấu hiệu bệnh. Thông thường cây lúa biểu hiện triệu chứng rõ hơn ở giai đoạn sau trỗ và tỷ lệ xuất hiện bệnh trên đồng ruộng lúc này cũng cao hơn. Lúc này, tỉ lệ nhiễm bệnh của ruộng trong mô hình là 1,8% trong khi ruộng đối chứng nhiễm 32,5%, ruộng ngoài mô hình của dân 8,8%.

Bên cạnh việc ngăn chặn rầy xâm nhập từ đầu vụ, việc xử ly hạt giống bằng Cruiser Plus 312.5 FS cũng kích thích cây mạ ngay từ khi gieo hoặc sạ sinh trưởng phát triển tốt hơn đối chứng. Chiều cao cây lúa ở các công thức có sử dụng thuốc gấp 3 lần, chiều dài bộ rễ gấp 2 lần so với đối chứng. Ví dụ, tại chân ruộng thực nghiệm sử dụng thuốc với liều lượng 100 ml, sau 7 ngày sạ, cây cao 9,19 cm, rễ dài 5,77 cm nhưng ở ruộng đối chứng cây chỉ cao 3,38 cm, chiều dài rễ là 3,38 cm. Do cây được bảo vệ, phát triển tốt ngày từ đầu vụ nên số dảnh /cây phát triển tốt và mầu sắc lá cũng xanh hơn.

Tất nhiên, ngoài việc ngăn bệnh LSĐ và rầy vẫn cần phải phòng trừ các loại sâu bệnh thông thường khác như sâu cuốn lá, khô vằn và lem lép hạt, Viện BVTV kết hợp dùng thuốc Vitako 40 WG, Amistar-Top 325 SC… Một đặc điểm nổi bật của các ruộng trong mô hình là không cần phun thuốc trừ rầy nâu cuối vụ giúp giảm thiểu chi phí thuốc, công phun cho nông dân trong khi tại các chân ruộng khác vẫn phải phun trừ rầy nâu, thậm chí có những ruộng phải phun đến 2 lần.

Đánh giá, phân tích về hiệu quả kinh tế của mô hình giải pháp quản ly sâu bệnh mới, ông Đào Xuân Cường – GĐ Tổ chức phát triển nông nghiệp bền vững Syngenta khẳng định tổng chi phí cho 1 ha lúa ngoài mô hình khoảng 24 triệu đồng, 1 ha trong mô hình xấp xỉ 20 triệu đồng, giảm so với ruộng ngoài mô hình trên 4 triệu đồng. Cộng thêm năng suất lúa trong mô hình trung bình đạt 5,2 tấn/ha, tương đương 36,4 triệu đồng còn năng suất ngoài mô hình chỉ đạt 4,8 tấn, bằng 33,6 triệu đồng. Như vậy, mức lợi nhuận của ruộng mô hình cao hơn ngoài mô hình trên 7 triệu đồng.

Ông Trần Văn Hội – Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh Nam Định:

 Bệnh LSĐ đang là mối quan ngại rất lớn đối với nông dân tỉnh Nam Định. Tỉ lệ nhiễm trung bình của địa phương là 31% nhưng lúa trong mô hình phương pháp quản ly mới chỉ nhiễm ở tỉ lệ 1,8%. Đây là một số liệu đáng mừng. Điều đáng ghi nhận thêm là mô hình còn sạch cả rầy nâu. Hiện nay, mỗi năm tỉnh phải xử lý từ 25-30 ngàn ha lúa bị nhiễm rầy nâu mà trị rầy nâu rất khó vì nó xuất hiện theo ổ, nơi có nơi không. Nếu mô hình được mở rộng thử nghiệm và quản lý được cả rầy nâu nữa thì đây sẽ là phương pháp hết sức ý nghĩa.