00:00 Số lượt truy cập: 2626918

Phòng trị bệnh thán thư cây hồng 

Được đăng : 03/11/2016
Hỏi: Mấy năm nay vào cữ từ tháng 3 đến tháng 5 vườn hồng ăn quả nhà tôi không biết mắc bệnh gì mà bị rụng lá, rụng quả rất nhiều. Xin quí báo cho biết đó là bệnh gì, cách nhận biết và chữa trị ra sao cho có hiệu quả?

Hoàng Thị Lan - xã Tân Quang, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang)

Trả lời: Theo mô tả của bạn chúng tôi cho rằng vườn hồng đang bị bệnh thán thư gây hại khá nặng do nấm Colletotrichum sp. gây ra. Thán thư là một trong những bệnh hại nguy hiểm nhất trên nhiều loại cây ăn quả trong đó có cây hồng ăn quả. Bệnh gây hại ở hầu hết các bộ phận của cây như lá, hoa, quả non và quả già. Theo điều tra của ngành BVTV tỉnh Lạng Sơn, nhiều năm bệnh đã trở thành dịch lớn làm cho nhiều vườn hồng ở các xã Bảo Lâm, Lộc Yên, Thanh Lòa, Thạch Đạn…của huyện Bảo Lộc và nhiều vùng lân cận có ra hoa mà không đậu quả; có đậu quả cũng bị rụng non nhiều và thậm chí bị thối rụng hàng loạt lứa quả sắp cho thu hoạch, gây thất thu lớn cho các nhà vườn. Thời điểm phát bệnh chủ yếu bắt đầu từ tháng 2, phát triển mạnh đến tháng 5, khi cây ra lộc non, chuyển lá bánh tẻ và thời kỳ nuôi quả lớn.

Nhận biết triệu chứng bệnh: Bệnh gây hại trên tất cả các bộ phận của cây. Tuy nhiên, tuỳ theo từng bộ phận gây hại mà bệnh có các biểu hiện triệu chứng khác nhau:

- Trên lá: Trên các lá non, đặc biệt là từ giai đoạn lá màu đồng thiếc đến khi lá có màu xanh nhạt là lúc lá mẫn cảm nhất với bệnh. Các sợi nấm, các bào tử nấm lây lan nhờ gió và nước để bám vào và xâm nhập thông qua các lỗ khí khổng hoặc các vết thương do bị rách, bị xây xước…Đầu tiên xuất hiện các đốm đen nhỏ rải rác, sau đó các vết đốm này mở rộng và liên kết với nhau tạo thành những mảng lớn không định hình màu nâu tối. Các vết bệnh thường tròn hoặc có góc cạnh theo gân lá, màu sậm khi lá còn màu đỏ nâu, đến khi lá chuyển sang màu xanh thì vết bệnh có màu nâu, viền màu nâu đậm. Khi vết bệnh già có màu trắng xám, gây rách, thủng lá và rụng. Nếu bị nặng, nhiều vết bệnh liên kết với nhau làm cho lá bị vặn vẹo, xoắn cong.

- Trên hoa: Cũng như lá, khi các gié hoa còn non, các bào tử bám dính, xâm nhập và gây hại tạo thành những chấm đen nhỏ rải rác trên trục và cánh hoa. Các chấm nhỏ này mở rộng và liên kết với nhau thành các mảng lớn làm cho các hoa không nở, không thụ phấn được dẫn đến khô héo và rụng.

- Trên quả: Bệnh tấn công từ lá đài và lan dần vào cuống, làm cuống trái bị thối đen và rụng. Ở giai đoạn quả non bệnh thường xuất hiện ở hõm của cuống quả. Các vết đốm nâu lan rộng khắp vùng đó tạo nên màu nâu đen làm cho quả không lớn được hoặc gây dị hình méo mó. Nếu bệnh phát triển nặng hơn có thể gây rụng quả hàng loạt.

Nhiệt độ và ẩm độ là 2 trong những yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến diễn biến của bệnh. Trong tháng 4 ẩm độ cao (trên 80%), trời ấm (nhiệt độ 25-26 độ C) nấm bệnh phát triển mạnh, biểu hiện tỷ lệ và chỉ số bệnh tăng cao cho đến tháng 5, tháng 6.

Biện pháp phòng trừ:

- Cắt tỉa, tạo tán cho cây thông thoáng để hạn chế việc phát sinh và lây lan của nấm bệnh.

- Bón phân cân đối, hạn chế bón nhiều phân đạm nhất là thời kỳ cây đang mang bệnh.

- Thu gom lá, cành và quả bị bệnh đưa ra khỏi vườn để khô rồi đốt hoặc chôn sâu cùng với vôi bột để tiêu hủy nguồn bệnh, tránh để lây lan.

- Sử dụng một trong những loại thuốc đặc hiệu để phòng trừ bệnh thán thư như: Ringo 20SC nồng độ 0,25% (25ml/bình 10 lít), Ridomil Gold 68WP nồng độ 0,15-0,2% (15-20g/bình 10 lít), Aliette 80WP nồng độ 0,25% (25g/bình 10 lít),Viben C75 WP nồng độ 0,2% (20 gam/ bình10 lít); Score 250 ND nồng độ 0,05% (5 ml/bình 10 lít); Amistar 250SC nồng độ 0,05% (5cc/bình 10 lít), phun kỹ, phun đều trên tán lá, gié hoa và quả non vào các thời điểm cây ra lộc, trước khi nở hoa 5 ngày, hoa nở 30-40% và trước khi thu hoạch 15 ngày.