00:00 Số lượt truy cập: 2637644

Phòng và chữa bệnh lợn nghệ 

Được đăng : 03/11/2016

Hỏi:

Có 3 con lợn trong đàn lợn của gia đình tôi xuất hiện triệu chứng như sau: Lợn bỏ ăn, kém vận động, sốt nhẹ 400C, ỉa chảy. Sau khoảng 4 ngày, lợn kêu như biểu hiện bị thần kinh rồi chết. Tôi có mổ khám 1 con thì thấy thịt có mùi tanh, khét, mỡ cỏ màu hơi vàng, bụng chứa nhiều nước, gan sưng to màu nâu sẫm, bề mặt gan sần sùi cứng, thận xuất huyết màu đỏ sẫm. Tôi nghi ngờ bị bệnh lợn nghệ. Xin Ban Biên tập cho biết nhận định của tôi có đúng không? Tôi phải làm gì trong trường hợp này?

Đỗ Thị Hương (Hải Lăng, Quảng Trị).


Đáp:

Với những thông tin chị mô tả, chúng tôi cho rằng lợn nhà chị bị bệnh lợn nghệ. Bệnh lợn nghệ (Leptospirosis) gây ra do xoắn khuẩn Leptospira SPP. Leptospira SPP là loại xoắn khuẩn (Spizochaete) nhỏ gây bệnh ở lợn, trâu, bò, chuột và lây sang cả người. Vi khuẩn gây bệnh hủy hoại gan, phá hủy hồng cầu nên sinh vàng các mô và dễ quan sát thấy là các niêm mạc hở và da.

 Bệnh lây do chuột bệnh thải xoắn khuẩn theo nước tiểu gây ô nhiễm môi trường. Bệnh lây qua đường ăn uống, tiếp xúc trực tiếp và qua những vết xước trên da, niêm mạc hoặc qua đường sinh dục. Vi khuẩn sinh sôi và xâm nhập vào máu, gây bại huyết, hủy hoại gan gây vàng da. Với động vật chửa, xoắn khuẩn xâm nhập vào dạ con, bào thai và gây sẩy thai. Xoắn khuẩn còn xâm chiếm vào trung ương thần kinh gây viêm não, màng não.

 Triệu chứng:Bệnh lợn nghệ có 3 thể. Thể á lâm sàng, biểu hiện triệu chứng lâm sàng ít thấy nhưng khi xét nghiệm huyết thanh học thì phổ biến, có khi bị cả đàn nhất là lợn vỗ béo và lợn hậu bị. Thể cấp tính, lúc đầu lợn bỏ ăn, nằm một chỗ, sốt 40 – 40,5oC, ỉa chảy nhưng không có triệu chứng của vàng da hay đái ra máu. Sau đó xuất hiện triệu chứng điển hình nặng của vàng da, đái ra máu, xuất huyết và triệu chứng thần kinh quỵ nửa thân sau, viêm màng não, phù đầu rất nặng, tỷ lệ chết cao. Thể rối loạn sinh sản cho thấy lợn bị sẩy thai, hay chết lưu thai, tỷ lệ con sơ sinh chết cao cùng với sốt, mất sữa và vàng da ở lợn nái. Sẩy thai sau khi nhiễm vi khuẩn 4 - 7 ngày.

 Phòng bệnh:Vệ sinh phòng dịch, tiêu diệt chuột nhất là khi có dịch xảy ra thì chuột là nguồn lây bệnh nguy hiểm nhất. Tiêm Vaccine Leptospira do Việt Nam sản xuất lúc lợn được 4 và 10 tháng tuổi. Mỗi đợt tiêm 2 lần cách nhau một tuần.

 

Điều trị:Dùng các kháng sinh nhóm Penicillin, Streptomycin và các chế phẩm chứa Tylosin, Tiamulin sẽ có hiệu quả cao. Đặc trị bệnh lợn nghệ là sản phẩm AmTy0 tiêm liều 0,7 - 1ml/10 kg thể trọng; Neodexin 1ml/5 kg thể trọng. Dùng Penicillin 1 triệu UI kết hợp với Streptomycin 1g tiêm cho lợn 50 kg thể trọng. Dùng các loại kháng sinh Ampicilin 0,5g/40 kg thể trọng; Ampi - Kana 1g/40 kg thể trọng; Gentamicin 4% tiêm liều 1ml/6 kg thể trọng. Dùng các loại thuốc trợ lực Vitamin C, B1, B12. Bệnh này nên phát hiện sớm và điều trị các loại kháng sinh như trên và điều trị từ 5 - 7 ngày sẽ có hiệu quả cao.

Bệnh lây sang người nên tránh tiếp xúc với nước đái lợn bệnh, cẩn thận khi khám lợn sảy thai và thai sảy bằng cách đeo găng tay và đi ủng cao su khi mổ khám, phải có biện pháp tiêu đọc sau khi mổ, không ăn thịt lợn bị bệnh xoắn khuẩn./.