00:00 Số lượt truy cập: 2668952

Phòng và trị bệnh cho thỏ 

Được đăng : 03/11/2016

Loài thỏ tuy thích ăn sạch, ở sạch, nhưng lại vướng rất nhiều thứ bệnh tật, trong đó có một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây lan nhanh. Do cơ thể thỏ yếu đuối lại mẫn cảm nên đối với thỏ cách phòng bệnh được coi là tốt nhất, cần thiết nhất.


Cần chú ý đến một số bệnh thường gặp ở thỏ như sau:

1.Bệnh u nhầy truyền nhiễm

Đây là bệnh truyền nhiễm với đặc điểm hình thành các u hoặc mùn nhầy ở đầu và các lỗ tự nhiên ở thỏ nuôi và thỏ rừng. Bệnh bùng phát nhanh, lây lan mạnh và tỷ lệ chết cao.

Trong tự nhiên, thời gian nung bệnh từ 7-10 ngày. Biểu hiện đầu tiên của bệnh là gây ra triệu chứng viêm sưng da mũi, mí mắt và tai, sau đó kết mạc mắt viêm nhầy có mủ; mũi viêm có dịch nhầy. Tương tự như vậy, ở trực tràng và các lỗ tự nhiên cũng xuất hiện các bọc ung nhầy, một số trường hợp ở các vị trí da khác của cơ thể.

Con vật sẽ chết trong vòng 7-10 ngày với các triệu chứng khó thở, viêm phổi. Trong một số trường hợp khác ít hơn, con bệnh chết nhanh khi chưa có triệu chứng hoặc bệnh kéo dài làm con vật suy kiệt gầy còm “chỉ còn da và xương” và chết. Cá biệt có những con bệnh chỉ biểu hiện chảy nước mũi và ho, không có các triệu chứng đặc trưng.

Những triệu chứng ở trên cũng được coi là bệnh tích của bệnh.

·Phòng bệnh

Để phòng chống bệnh cho đàn thỏ nuôi, cần tiến hành các biện pháp sau:

-Hạn chế và tiêu diệt các loài côn trùng tiết túc hút máu.

-Hết sức thận trọng và kiểm dịch nghiêm ngặt việc nhập thỏ từ nước ngoài vào hoặc từ vùng khác.

-Phòng bệnh bằng vacxin: có một số loài vacxin đã được nghiên cứu và chế tạo phòng bệnh u nhầy truyền nhiễm cho thỏ.

Vacxin nhược độc Shope: sử dụng an toàn, tuy nhiên thời gian bảo hộ 3-6 tháng, đặc biệt không sử dụng được khi cần tiêm thẳng vào ổ dịch.

Myxovac (Hungari): là vacxin nhược độc, có hiệu lực cao khi tiêm bắp phòng bệnh cho thỏ từ 3 tháng tuổi trở lên, thời gian miễn dịch được 1 năm.

Vacxin tái tổ hợp (Bertagnoli và cộng sự, 1996): vừa phòng bệnh Myxomatosis, vừa phòng bệnh xuất huyết ở thỏ.

·Điều trị

Khi bệnh đã xảy ra, triệt để xử lý những con bị bệnh và nghi bị nhiễm. Tiến hành tiêm thẳng vacxin vào ổ dịch (bằng Myxovac).

2.Bệnh xuất huyết

Bệnh xuất huyết ở thỏ (Rabit haemorrhagic disease - RHD) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính ở loài thỏ, do một loại virus gây ra. Bệnh lây rất nhanh trong đàn với tỷ lệ ốm và tỷ lệ chết cao. Con vật thường mắc bệnh thể cấp tính với các triệu chứng đặc trưng ở hệ thần kinh và hô hấp, con vật bỏ ăn, mệt mỏi.

Bệnh lây qua đường tiêu hóa. Cơ chế sinh bệnh có liên quan đến hiện tượng đông máu ở mạch quản do hoại tử ở gan.

Bệnh diễn biến ở thể quá cấp tính, cấp tính, á cấp tính và mạn tính.

Thể quá cấp tính: thỏ sốt, ủ rũ và chết đột ngột sau 6-24 giờ mà chưa có triệu chứng đặc trưng của bệnh.

Thể cấp tính: thời gian nung bệnh từ 1-3 ngày. Cọn vật bị sốt cao (> 40oC), chảy nước mũi có lẫn máu và biểu hiện các triệu chứng thần kinh khác nhau. Thỏ trên 2 tháng tuổi tỷ lệ ốm lên đến 100%, tỷ lệ chết 90%.

Thể á cấp tính và mạn tính: chiếm tỷ lệ khoảng 5-10% số ca bị bệnh. Thỏ bị chết sau 1-2 tuần có thể do rối loạn chức năng gan.

·Vệ sinh phòng bệnh

Vì bệnh có thể lây qua đường tiêu hóa do thức ăn nước uống hoặc qua thỏ hoang dã nên việc phòng chống bệnh gặp nhiều khó khăn.

·Phòng bệnh bằng vacxin

Hiện nay, sử dụng vacxin vô hoạt được chế từ tổ chức của thỏ được gây bệnh nhân tạo, có thêm chất bổ trợ, giúp tạo miễn dịch cho thỏ sau khi tiêm 5-10 ngày. Miễn dịch kéo dài 1 năm. Vacxin có thể dùng để tiêm vào ổ dịch, giúp tạo miễn dịch nhanh chóng cho thỏ.

Trên thế giới đã có nhiều công trình nghiên cứu chế tạo vacxin tái tổ hợp để phòng bệnh, tuy nhiên chưa được thương mại hóa.

Vacxin Dercunimix (Merial) đã được đăng ký sản xuất và bán, là vacxin kết hợp giữa vacxin RHD vô hoạt truyền thống và vacxin nhược độc myxovirus. Ở những đàn chưa từng bị bệnh, tiêm cho đàn thỏ sinh sản lần 1 vào lúc thỏ được 2-3 tháng tuổi, tiêm nhắc lại sau 2 tuần; sau đó hàng năm tiêm nhắc lại.

Thỏ nuôi thịt: không nhất thiết phải tiêm vacxin nếu không có dịch. Khi dịch xảy ra, ngoài biện pháp vệ sinh phòng bệnh cần thực hiện nghiêm ngặt tiêm vacxin cho thỏ trên 40 ngày tuổi, sau một vài chu kỳ ổn định có thể dừng tiêm vacxin.

Tại Việt Nam, Xí nghiệp thuốc thú y Trung ương (Hoài Đức - Hà Nội) cũng sản xuất vacxin phòng bệnh.

·Điều trị: Vì là bệnh do virus nên không có thuốc điều trị đặc hiệu.