00:00 Số lượt truy cập: 2669909

Phòng và trị bệnh dịch tả trâu bò hiệu quả 

Được đăng : 03/11/2016

Bệnh dịch tả trâu bò là bệnh truyền nhiễm cấp tính của loài nhai lại do virus có tính hướng thượng bì gây ra. Biến đổi bệnh lý chủ yếu ở bộ máy tiêu hóa. Đặc trưng của bệnh là con vật bị sốt cao, loét niêm mạc miệng, tiêu chảy, hạch lympho bị hoạt tử. Bệnh lây lan nhanh, mạnh; tỷ lệ ốm và tỷ lệ chết cao.


Bệnh dịch tả trâu bò là một trong những bệnh được ghi nhận sớm nhất ở động vật. Bệnh được mô tả lần đầu tiên vào thế kỷ thứ 4; từ thế kỷ 18-19 bệnh hoành hành khắp châu Âu. Căn bệnh được phân lập năm 1902. Trước đây, bệnh xảy ra phổ biến ở châu Âu, châu Phi, châu Á và Tây Á. Hiện nay, bệnh chỉ còn ở một số nước châu Phi (gần xích đạo và vùng Đông Bắc), Trung Á (Ấn Độ, Pakistan, Afganistan, Nepal, Bangladesh). Năm 1992, Tổ chức nông lương của Liên hợp quốc (FAO) đã xây dựng chương trình thanh toán bệnh dịch tả trâu bò toàn cầu (Global Rinderpest Eradication Programme - GREP), tiến tới thanh toán toàn bộ virus dịch tả trâu bò vào năm 2010.

Ở Việt Nam, bệnh dịch tả trâu bò gây thiệt hại nặng nề, nhất là dưới thời Pháp thuộc. Với việc áp dụng chương trình vacxin, bệnh dần dần được khống chế và đến nay đã công nhận thanh toán được bệnh.

* Biểu hiện bên ngoài

Con vật sốt cao 41 - 42 độ C trong 2 - 3 ngày đầu, bỏ ăn, đau bụng, biểu hiện là đứng chụm chân về phía bụng, lưng cong lên, mắt lờ đờ, niêm mạc mắt đỏ, chảy nhiều nước mắt, mũi khô. Con vật ỉa phân táo.

Sau đó xuất hiện những đốm trắng hoại tử ở lưỡi, chân răng, phía trong má, vòm họng. Trong 2-3 ngày những đám này to dần ra, đóng vẩy rồi bong ra tạo thành các vết loét không chảy máu.

Con vật bắt đầu đi tiêu chảy. Đầu tiên phân lỏng màu như nước vôi, vọt cầu vồng. Sau đó phân có kèm các chất nhày lẫn màng niêm mạc ruột và máu. Xuất hiện những nốt trắng hoại tử ở mũi, âm hộ, mắt đầy ghèn có mủ. Con vật hít vào thở ra nặng nề, hơi thở có mùi hồi, thân nhiệt giảm nhanh rồi chết trong vòng 2-3 ngày.

Bệnh có đặc điểm là xảy ra ở thể trầm trọng, con vật bị tiêu chảy nặng, liên tục, phân mùi hôi tanh. Bệnh lây lan mạnh và rộng, tỷ lệ chết đến 90%.

* Bệnh tích

Xác chết thường gầy, bẩn; bắp thịt mềm nhão, thấm máu. Niêm mạc thường tụ máu, tím bầm hoặc có các điểm, vệt xuất huyết. Niêm mạc miệng, chân răng, gốc lưỡi, hai bên má thường có vết loét to nhỏ khác nhau, có phủ bựa màu trắng xám hoặc vàng xám. Niêm mạc tiêu hóa chủ yếu là hiện tượng tụ máu, xuất huyết và loét (rõ nhất ở màng Payer trên niêm mạc ruột non). Van hồi manh tràng tụ máu, xuất huyết. Trực tràng xuất huyết, có nốt loét. Lách, thận tụ máu. Hạch lâm ba sưng, phù thũng, tụ máu hoặc có điểm xuất huyết.

* Phòng bệnh

Đảm bảo vệ sinh chuồng trại. Cấm không cho phép nhập sản phẩm chưa qua chế biến hoặc thịt từ vùng có dịch. Thực hiện nghiêm ngặt kiểm dịch và vận chuyển động vật.

Hầu hết các nước sử dụng vacxin chế từ chủng RPV được làm nhược độc qua thỏ hoặc qua phôi gà, chế trên môi trường tế bào. Hiện nay, các kỹ thuật mới cho phép sản xuất vacxin chịu nhiệt.

* Điều trị

Vì là bệnh do virus nên không có thuốc điều trị đặc hiệu. Có thể dùng kháng huyết thanh: tiêm dưới da cổ, liều lượng 60-100 ml cho bê 100 kg; 100-160ml cho bò 100-200kg; 160-200ml cho bò > 200kg. Trâu: tiêm liều gấp đôi.

Đồng thời dùng thuốc điều trị triệu chứng: thuốc hạ sốt, chống ỉa chảy; kết hợp hộ lý chăm sóc tốt./.