00:00 Số lượt truy cập: 2669743

Phòng và trị bệnh dịch tả trâu, bò 

Được đăng : 03/11/2016

Hỏi: Cách phòng và trị bệnh dịch tả ở trâu, bò?

Đỗ Thị Ngần (Mộc Châu, Sơn La) và một số bạn đọc.


Đáp:

* Để điều trị bệnh hiệu quả, ngoài việc chữa các triệu chứng của bệnh thì cần phải điều trị nguyên nhân gây bệnh.

- Chữa nguyên nhân

Hiện nay chưa có hoá dược đặc hiệu; người ta điều trị bệnh bằng huyết thanh dịch tả trâu, bò. Huyết thanh có tác dụng điều trị khi bệnh mới phát, ít có tác dụng khi con vật đã ỉa chảy.

Liều dùng: Bê nặng 100kg tiêm 60-100ml/ngày

Bò nặng 100-120kg tiêm 100-160ml/ngày

Trâu tiêm liều gấp đôi.

- Chữa triệu chứng

Để làm giảm ỉa chảy, cho con vật bệnh uống nước sắc của các loại lá chát: lá ổi, lá sim, lá phèn đen, lá chè tươi kết hợp với bột than; tiêm Atropin.

Để diệt các vi khuẩn đường ruột kết hợp, ta cho con vật bị bệnh uống Sulfaguanidin hoặc dung dịch thuốc tím 5‰.

Khi con vật bị bệnh sốt cao, hạ nhiệt độ bằng tiêm Analgin vào dưới da: 10ml/ngày.

Do con vật bị bệnh ỉa chảy nhiều, mất nước, phải truyền dung dịch sinh lý đường và sinh lý mặn vào tĩnh mạch 2000 ml/ngày/100 kg thể trọng.

Cùng với việc điều trị là chăm sóc, nuôi dưỡng tốt con vật bị bệnh...

* Phòng bệnh

Khi chưa có dịch

- Tổ chức tiêm vắcxin dịch tả trâu, bò: Tại các ổ dịch cũ, những vùng xung quanh ổ dịch, các địa phương nằm trong các trục giao thông lớn, các địa phương thuộc các tỉnh biên giới Việt - Lào, Việt - Campuchia, Việt - Trung hàng năm thực hiện tiêm phòng vắcxin dịch tả trâu, bò cho toàn đàn trâu, bò từ 1-2 lần. Tiêm phòng tạo miễn dịch cho đàn trâu, bò chống lại bệnh dịch tả là biện pháp quan trọng nhất.

Sau khi tiêm vắcxin, trâu, bò có miễn dịch chống bệnh kéo dài từ 8-12 tháng.

- Tổ chức kiểm dịch nghiêm ngặt việc nhập khẩu trâu, bò qua các vùng biên giới Campuchia và Lào, cũng như tại các hải cảng để ngăn ngừa không cho dịch bệnh từ nước ngoài vào nội địa.

- Tăng cường biện pháp vệ sinh thú y, chống ô nhiễm môi trường, làm cho dịch bệnh không có điều kiện phát sinh.

- Nuôi dưỡng, chăm sóc tốt và sử dụng đàn trâu, bò một cách hợp lý, làm nâng cao thể trạng và sức chống đỡ của trâu, bò với dịch bệnh.

Khi có dịch xảy ra

- Tổ chức kiểm tra đàn trâu, bò để phát hiện trâu, bò ốm, cách ly triệt để nhằm điều trị kịp thời và tránh lây nhiễm cho trâu, bò khoẻ.

- Tổ chức tiêm huyết thanh dịch tả trâu, bò cho những trâu, bò nghi mắc bệnh và tiêm phòng vắcxin dịch tả trâu, bò cho đàn trâu, bò khoẻ ở trong và xung quanh ổ dịch.

- Địa phương kịp thời công bố dịch, cấm hoàn toàn việc giết mổ và vận chuyển gia súc nói chung và trâu, bò nói riêng trong vùng có dịch bệnh.

- Chôn trâu, bò bị chết do dịch tả trâu, bò trong các hố sâu 2m, có đổ vôi sát trùng và lấp đất cẩn thận. Địa điểm chôn trâu, bò chết phải xa các đường giao thông và nguồn nước công cộng.

- Chuồng trại và các địa điểm có trâu, bò ốm hoặc chết bị ô nhiễm phải tẩy uế, khử trùng triệt để. Có thể xử lý bằng các biện pháp: Hun đốt phân rác, phun dung dịch Cresyl 2%, Iodin 1%. Sau 30 ngày mới được sử dụng lại chuồng trại để nhốt trâu, bò khoẻ.

Sau khi con trâu, bò chết cuối cùng hoặc trâu, bò khỏi bệnh cuối cùng đã được 21-30 ngày mới được công bố hết dịch bệnh./.