00:00 Số lượt truy cập: 2669299

Phú Yên: Hiệu quả công tác ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản 

Được đăng : 03/11/2016
Phú Yên là tỉnh có điều kiện tự nhiên rất thuận lợi để đầu tư phát triển nuôi các loài thủy đặc sản như tôm hùm, tôm sú, tôm chân trắng… Trong những năm qua, đã có rất nhiều hộ dân tạo lập cơ nghiệp từ nghề nuôi trồng thủy sản.

Tuy nhiên, do phát triển nghề nuôi tôm một cách tự phát, diện tích nuôi tăng quá nhanh, nhiều ao nuôi ngoài vùng quy hoạch, phá hủy hệ sinh thái ven bờ. Một số hộ dân chưa chấp hành quy chế quản lý cộng đồng vùng nuôi tập trung, trình độ kỹ thuật còn hạn chế, cải tạo ao hồ không tập trung, tùy tiện đưa chất thải ra ngoài gây sức ép nặng nề lên môi trường, dịch bệnh liên tiếp xảy ra, người dân gặp rất nhiều khó khăn, mất phương hướng tổ chức sản xuất. 

Trước tình hình đó, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư (KNKN) Phú Yên đã triển khai nhiều mô hình, ứng dụng các sáng kiến, giải pháp… nhằm giúp người dân ngăn chặn dịch bệnh để ổn định sản xuất. Bài viết xin giới thiệu một số mô hình tiêu biểu đã góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương:

1. Sáng kiến “Phát triển bền vững nghề nuôi tôm nước lợ bằng chế phẩm sinh học sản xuất từ con trùn” 

Vận dụng kết quả nghiên cứu của Viện Môi trường nước quốc gia Pháp “Con trùn (giun) có thể làm sạch nước bị nhiễm bẩn, trùn đất một khi được cho vào ao hồ bị nhiễm bẩn sẽ phát triển vô số trong những rảnh nhỏ nằm ở lớp đất bùn dưới đáy nước, đồng thời cũng mang theo ôxy cần thiết để làm sinh sôi các loại vị khuẩn rồi cùng nhau ăn chất bẩn có trong nước. Chỉ cần phát triển trùn đất với số lượng từ 20.000 – 30.000 con có thể làm sạch một diện tích nước 10.000 m2 …”, năm 2009, Trạm KNKN thành phố Tuy Hoà phối hợp Hội Nghề cá Phú Yên triển khai thực hiện sáng kiến “Phát triển bền vững nghề nuôi tôm nước lợ bằng chế phẩm sinh học sản xuất từ con trùn”. Mô hình đã thực hiện gây màu nước, ổn định tảo bằng phân hữu cơ sinh học BIO COMPOST (sản phẩm sản xuất từ phân trùn), cho tôm ăn “thức ăn + dịch trùn” nhằm bổ sung các chất dinh dưỡng: đạm, acid amin, các vi khuẩn có lợi, vitamin, các nguyên tố vi lượng Zn, selenium … để tăng sức đề kháng, phòng trừ dịch bệnh trên tôm nuôi. Sáng kiến áp dụng vào thực tế sản xuất tại các vùng nuôi ở huyện Sông Cầu, huyện Tuy An, TP Tuy Hòa, và huyện Đông Hòa đạt hiệu quả cao, ổn định. Người dân rất phấn khởi thực hiện giải pháp này để ngăn chặn dịch bệnh. Với kết quả trên, sáng kiến được tặng thưởng giải Ba tại Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Phú Yên lần III (2008 – 2009 ).

2. Sáng kiến “E.M Trùn – Giải pháp bù đắp sinh học để phát triển nuôi tôm bền vững”

Năm 2010, dịch bệnh xảy ra rộng khắp trên các vùng nuôi, vụ nuôi, các đối tượng nuôi tôm nước mặn. Vận dụng kết quả nghiên cứu của Giáo sư Tiến sĩ Teruo Higa (Nhật Bản ) “E .M có thể được sử dụng để gia tăng các vi sinh vật có lợi giảm thiểu ô nhiễm môi trường do các vi sinh vật có hại gây ra… ”, được sự đồng ý của Trung tâm KNKN Phú Yên, Trạm KNKN thành phố Tuy Hòa phối hợp Hội Nghề cá Phú Yên triển khai áp dụng sáng kiến “E.M Trùn - Giải pháp bù đắp sinh học để phát triển nuôi tôm bền vững” áp dụng vào thực tế sản xuất thông qua các mô hình: Nuôi tôm hùm tại Vũng Rô, nuôi tôm chân trắng ở các vùng nuôi huyện Đông Hòa, TP Tuy Hòa đạt hiệu quả cao, bền vững. Sáng kiến đã giúp người dân thu hiệu quả kinh tế cao, điển hình là mô hình nuôi tôm hùm thu lãi 10 triệu đồng/lồng/vụ, mô hình nuôi tôm sú, tôm chân trắng thu lãi 400 triệu đồng/ha/vụ.

Sáng kiến đạt giải Ba tại Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Phú Yên lần IV (2010 – 2011), vinh dự được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng Lao động Sáng tạo.

3. Giải pháp “Nuôi luân canh, xen canh tôm chân trắng – cá rô phi để phát triển nuôi tôm an toàn”

Năm 2012, để khống chế, ngăn chặn dịch bệnh hoại tử gan tụy trên tôm nuôi nước lợ, Trung tâm KNKN Phú Yên khuyến khích Trạm KNKN Tuy Hòa phối hợp Hội Nghề cá Phú Yên tiếp tục triển khai sáng kiến nuôi tôm chân trắng kết hợp cá rô phi (luân canh, xen canh). Sáng kiến thực hiện trong 2 năm. Mô hình ứng dụng giải pháp này đã cho hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân ổn định sản xuất. Vụ 2 năm 2012, mô hình nuôi cá rô phi cho lãi trung bình 60 triệu đồng/ha/vụ. Ngoài ra nuôi cá rô phi còn cải tạo, làm sạch môi trường ao nuôi. Đến vụ 1 năm 2013, mô hình tiến hành nuôi tôm chân trắng. Vì môi trường trong sạch nên tôm khỏe mạnh, phát triển tốt, cho lãi trung bình 600 triệu đồng/ha/vụ. Người dân rất phấn khởi trước kết quả đạt được.

Ông Nguyễn Hải ở phường Phú Đông, TP Tuy Hòa (người thực hiện giải pháp) cho biết: Sau nhiều năm vật lộn với nghề nuôi tôm, đến nay nhận thấy giải pháp nuôi tôm kết hợp cá rô phi có tác dụng làm sạch môi trường, tảo ổn định, các chỉ tiêu môi trường pH, ôxy hòa tan... ổn định, tôm khỏe mạnh, không bị bệnh, phát triển tốt, hiệu quả. Giải pháp này phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương (vùng cửa sông Đà Diễn). Ông đã dành một ao nuôi tôm diện tích 600 m2 trong hệ thống ao nuôi của mình để chuyên nuôi quảng canh cá rô phi, tạo nguồn giống để chủ động tổ chức nuôi tôm kết hợp cá rô phi (luân canh, xen canh) trong kế hoạch sản xuất hằng năm của gia đình.

Các kết quả thực tế từ sản xuất đã cho thấy hoạt động nghiên cứu, ứng dụng sáng kiến, cải tiến kỹ thuật từng bước giúp người dân khắc phục khó khăn để phát triển, ổn định sản xuất, phát triển bền vững nghề nuôi trồng thủy sản tại địa phương.

Huỳnh Văn Vũ - Trạm KNKN Tuy Hoà, Phú Yên, Khuyến nông VN, 21/10/2013