Lợi thế lớn Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu năm 2008 của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 1, 9 tỉ USD; trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản chiếm 11,9% với các sản phẩm chủ yếu như hạt điều, tinh bột, sắn, dong, khoai, càphê, rau, củ, quả... Đối với mặt hàng thủy sản, kim ngạch đạt 152, 193 triệu USD; chiếm 3,4% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam với sản phẩm chính là tôm, cá, mực... ông Nguyễn Văn Thuận, đại diện Cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết, sở dĩ kim ngạch xuất khẩu hàng nông, thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc đạt được kết quả khả quan như vậy là nhờ 2 bên đã ký kết 2 hiệp định, 1 thỏa thuận và 1 biên bản hội đàm trong lĩnh vực này (Hiệp định về hợp tác trong lĩnh vực bảo vệ, kiểm dịch thực vật; Hiệp định về hợp tác trong lĩnh vực thú y và kiểm dịch động vật). Đặc biệt, ngày 9/1/2009, 2 bên đã ký kết biên bản hội đàm về kiểm nghiệm kiểm dịch thực vật giữa Tổng cục Giám sát chất lượng thanh tra và kiểm dịch Trung Quốc (AQSIQ) và Bộ Nông nghiệp và PTNT, theo đó 2 bên đã thành lập tổ công tác liên hợp, giải quyết khó khăn cho các lô hàng sắn đang ùn tắc tại biên giới Việt Nam thông qua việc kiểm tra hiện trạng, tình trạng bao gói, lấy mẫu phân tích, thông quan... Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2009, số doanh nghiệp sử dụng giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa tăng nhanh, chính điều này đã góp phần tạo nên sự chuyên nghiệp hóa trong lĩnh vực xuất khẩu. Cơ hội để bứt phá ông Thuận cho biết, một trong những biện pháp quan trọng để giảm bớt tình trạng nhập siêu lớn của ta từ Trung Quốc là đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này. Chính vì vậy, với các quy định của nước bạn, doanh nghiệp cần phải tận dụng và tuân thủ nghiêm ngặt, coi đây như cơ hội để bứt phá. Tuy nhiên, cũng theo ông Thuận, để có được sự đột phá trong xuất khẩu hàng nông, thủy sản, rất cần sự phối hợp của các doanh nghiệp, chủ vườn, trang trại, cũng như các địa phương, ban ngành liên quan. Cụ thể, các tỉnh, thành phố phải luôn cập nhật danh sách các cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh, đồng thời sẵn sàng phối hợp để đón và làm việc với các đoàn chuyên gia nước bạn sang khảo sát. Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chính sách để khuyến khích nông dân, chủ trang trại triển khai áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP. Riêng đối với các doanh nghiệp, ông Biên cho rằng, việc không thể thiếu là phải nghiên cứu kỹ quy định của thị trường khi xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản (bao gồm các quy trình, thủ tục trong quá trình sản xuất, chế biến và xuất khẩu, tiêu chuẩn sản phẩm). “Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp còn yếu ở khâu xúc tiến thương mại, do đó cần đẩy mạnh công tác quảng bá sản phẩm; nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua nâng cấp điều kiện sản xuất, áp dụng các chương trình quản lý chất lượng cũng như kịp thời phản ánh thông tin về khó khăn, vướng mắc khi xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc”, ông nói. |