00:00 Số lượt truy cập: 3081660

QĐ về chống đánh bắt cá bất hợp pháp: Cơ hội trong gian khó 

Được đăng : 03/11/2016
Đó là khẳng định của ông Chu Tiến Vĩnh, Cục trưởng Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT) khi được hỏi về những ảnh hưởng của quy định về chống đánh bắt cá bất hợp pháp (IUU) đối với việc xuất khẩu thủy sản của nước ta trong thời gian tới.

Khi áp dụng Quy định IUU, ngư dân phải quen với cách khai thác, đánh bắt mới.

Ngư dân không rõ?

Thời hạn quy định IUU có hiệu lực không còn dài, thế nhưng đến thời điểm này hầu hết các ngư dân khi được hỏi vẫn khẳng định mới biết thông tin và chưa có bất kỳ kế hoạch gì để thực hiện.

Anh Tô Duy Uy ở thôn Minh Sơn, xã Tiến Thụy (Quỳnh Lưu - Nghệ An), chủ tàu 93072NA, cho biết, anh mới biết thông tin này qua báo đài chứ chưa nhận được bất kỳ thông báo nào từ cơ quan chức năng.

Ông Phạm Thế Hiển, ngư dân ở Bà Rịa - Vũng Tàu hiện đang sở hữu 3 tàu với công suất 400 CV/tàu tỏ ra tự tin hơn: “Trước đây, tôi có tham gia đánh bắt cho một số tàu ở Hải Phòng, thường ngày tôi vẫn phụ thuyền trưởng ghi nhật ký. Tuy nhiên, từ khi chuyển về làm cho gia đình, việc này hoàn toàn bị lãng quên. Tôi cho rằng, cái khó nhất hiện nay với ngư dân là việc kê khai theo biểu mẫu vì trình độ nhận thức có hạn. Tuy nhiên, tôi tin rằng nếu được chính quyền địa phương và ngành chức năng tập huấn, khả năng thành công là rất lớn. Cá nhân tôi không cho rằng việc ghi nhật ký lại mất nhiều thời gian, công sức, chỉ có điều chủ tàu muốn làm hay không mà thôi”.

Ông Phan Huy Hoàng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Ngãi cũng cho rằng: “Đây là một rào cản kỹ thuật mà chúng ta phải vượt qua nhưng không nên xem đó là thách thức mà phải nghĩ là cơ hội để nhìn lại mình. Chúng tôi sẽ yêu cầu Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản hướng dẫn, tập huấn cho doanh nghiệp và ngư dân thực hiện quy định này”.

Theo ông Hoàng, với quy định IUU, không chỉ Quảng Ngãi mà hầu hết các địa phương khác đều gặp khó khăn. Bởi lẽ ngư dân khai thác còn manh mún, nhỏ lẻ; với phương thức hoạt động nay đây mai đó, vùng đánh bắt đa dạng, không ổn định. Ngư dân có trình độ học vấn thấp, bảng biểu nhật ký ghi hàng ngày để báo cáo vùng khai thác lại rất phức tạp.

Anh Dương Văn Rin ở xã Bình Châu (Bình Sơn - Quảng Ngãi), người chuyên thu mua hàng thuỷ sản cho biết: “Quy định IUU, tôi chưa nghe, chưa biết. Tôi thu mua hàng thuỷ sản của gần 30 tàu thuyền đánh bắt thuỷ sản trong tỉnh bán lại cho các doanh nghiệp mà đâu thấy ai yêu cầu nguồn gốc, xuất xứ”. Tương tự, ông Ngô Văn Cần, chủ tàu QN 95843 TS ở xã Bình Chánh (Bình Sơn) hành nghề câu mực khơi khẳng định: “Chưa biết gì về quy định hàng thủy sản khi xuất khẩu vào thị trường EU phải có thông tin về nguồn gốc cả”.

Anh Trần Văn Dung, ngư dân ở Thanh Khê Tây (Thanh Khê - Đà Nẵng) cũng cho biết: “Đến nay, chúng tôi chưa biết phải ghi như thế nào, biểu mẫu ra sao dù thời hạn thực hiện đang đến gần”. Anh Nguyễn Thanh Toàn, ngư dân quận Hải Châu bộc bạch: “Thực tế, chúng tôi chỉ chú trọng vào đánh bắt, khai thác thủy - hải sản, chứ ít quan tâm đến việc ghi nhật ký mỗi ngày mình đánh bắt như thế nào, vùng biển ở đâu”.

Theo ông Hồ Phó, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT TP. Đà Nẵng: “Sau khi có hướng dẫn của Bộ, chúng tôi sẽ triển khai các lớp tập huấn, hướng dẫn để ngư dân có khả năng và cách thức khai báo theo yêu cầu chung”.

Trong khi đó, một số ngư dân khai thác, thu mua thủy sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cho biết, việc khai báo nguồn gốc sản phẩm thủy sản sẽ khiến những cá nhân, đơn vị tham gia hoạt động này thêm những thủ tục mới. Song, việc này cũng không gây nhiều khó khăn.

Kiểm tra phân loại cá ngừ trước khi sơ chế.


Ông Lê Hồng Hậu ở xã Quảng Tiến, thị xã Sầm Sơn (Thanh Hóa), chủ khai thác, thu mua và xuất khẩu thủy sản cho rằng, khai báo nguồn gốc tàu và vùng biển khai thác không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động khai thác, thu mua thuỷ sản. Không những thế, quy định này còn góp phần nâng cao giá trị sản phẩm thủy sản.

Cơ hội tổ chức lại sản xuất

Đại diện giới doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, hầu hết các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy - hải sản đều thu mua nguyên liệu qua các thương lái, không trực tiếp mua của ngư dân. Những thương lái này cũng không thu mua từ một tàu mà từ hàng trăm tàu khác nhau nên quy định IUU sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp. Và đến thời điểm này, tuy IUU chưa có hiệu lực nhưng một vài doanh nghiệp xuất khẩu bắt đầu gặp khó khi ký hợp đồng. Vì vậy, trước mắt, các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu phải hoàn thiện hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản, đặc biệt hải sản khai thác từ biển và thực hiện hệ thống lưu trữ hồ sơ để quản lý sản phẩm. Còn đối với mẫu ghi nhật ký, Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi cần tính toán lại cho hợp lý bởi đối với các tàu dưới 90 CV hoạt động nhỏ sẽ rất khó thực hiện.

Tuy nhiên, ông Vĩnh khẳng định, nguyên liệu đánh bắt từ nay đến hết tháng 12 hoàn toàn không bị ảnh hưởng gì khi xuất sang EU. Kể cả khi quy định có hiệu lực từ 1/1/2010 thì sản lượng xuất khẩu vào thị trường này vẫn không hề giảm sút. EU bắt buộc các nước xuất khẩu thủy sản vào thị trường này phải thực hiện quy định và không có sự châm chước nào cả, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, EU cũng rất thông cảm với các nước đang phát triển và họ sẵn sàng hỗ trợ nếu trong quá trình triển khai thực hiện gặp khó khăn. “Quy định IUU cũng là một thuận lợi để nước ta tiến hành việc khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản lâu dài vì nếu không có quy định này bà con sẽ còn tiếp tục khai thác một cách bất hợp pháp, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của nguồn lợi thủy sản”, ông Vĩnh nói.

Xung quanh vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Vũ Văn Tám cho rằng, EU là thị trường quan trọng hàng đầu của xuất khẩu thủy sản nước ta với 1/3 tổng thị phần tiêu thụ. Mỗi động thái thay đổi các thủ tục liên quan đến thị trường này đều tác động đến doanh nghiệp và đời sống của ngư dân, động chạm đến việc thay đổi tư duy và cách quản lý. Ông Tám cho rằng: “Với quy định này, mặc dù nước ta gặp không ít khó khăn nhưng tôi có thể khẳng định đây còn là cơ hội tốt để tổ chức lại sản xuất cũng như cách khai thác, quản lý và chế biến. Tôi tin rằng, việc quy định là hoàn toàn cần thiết, chúng ta có khả năng thực hiện được. Tất cả những khó khăn, vướng mắc đã được các cơ quan quản lý lường trước. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai còn phụ thuộc rất nhiều vào hệ thống quản lý, sự hiểu biết của ngư dân và doanh nghiệp trong việc thực hiện các quy chế và thủ tục. Quá trình triển khai sẽ không tránh khỏi thiếu sót nhưng nếu kiên trì thì đây cũng chính là cơ hội mở ra một cánh cửa để Việt Nam tiến tới nền khai thác bền vững cũng như sản xuất có trách nhiệm. Bây giờ, các chi cục cần phải tổ chức thật tốt công tác tuyên truyền, vận động để ngư dân, doanh nghiệp hiểu và thực hiện đúng việc ghi nhật ký”.