Theo TS. Nguyễn Xuân Cường, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, ứng dụng công nghệ sinh học trong thời gian qua đạt được những thành tựu to lớn và ngày càng có nhiều ứng dụng rộng rãi. Tuy nhiên, vấn đề cần đặt ra là phải xây dựng hành lang pháp lý để quản lý an toàn sinh học. ThS. Phùng Văn Vui, Cục trưởng Cục Bảo tồn đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, từ giữa những năm 1990, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 18/CP về phát triển công nghệ sinh học ở Việt Nam đến năm 2010. Đặc biệt, ngày 19/1/2004, Việt Nam đã chính thức gia nhập Nghị định thư Cartagena về an toàn sinh học. Luật Đa dạng sinh học (có 4 điều quy định về quản lý an toàn sinh học) được Quốc hội thông qua vào tháng 11/2008, là văn bản pháp lý cao nhất liên quan đến vấn đề quản lý an toàn sinh học. Cũng theo ông Vui, hiện nay, dù chúng ta đã xây dựng được một số phòng thí nghiệm có trang thiết bị tương đối đồng bộ nhưng việc nghiên cứu, sử dụng và quản lý ở Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn. Trước hết, vấn đề quản lý an toàn sinh học mới chỉ được đề cập một cách chưa toàn diện trong Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, Luật Đa dạng sinh học và một số văn bản dưới luật. Việc thực thi còn khó khăn hơn do chưa có hướng dẫn cụ thể. Do chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ ngành trong quản lý an toàn sinh học, đặc biệt trong quy trình cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học cho sinh vật biến đổi gen nên đến nay, chưa có sinh vật biến đổi gen nào được cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học. Theo ông Lê Thanh Bình, Phó cục trưởng Cục Bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen là lĩnh vực tương đối mới nên chúng ta vẫn đang trong giai đoạn kiện toàn thể chế, chính sách, pháp lý. “Để khắc phục vấn đề này, trong giai đoạn đầu cần có đầu tư cho việc xây dựng năng lực đối với các cơ quan được giao trách nhiệm quản lý. Quản lý an toàn sinh học cần phải được thực hiện ở nhiều giai đoạn như nghiên cứu, khảo nghiệm, sản xuất, lưu thông, xuất khẩu, nhập khẩu và cần sự tham gia quản lý của các bộ ngành liên quan”, ông Vui khẳng định. Được biết, tháng 10 tới, dự thảo Nghị định của Chính phủ về Quản lý an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen, sản phẩm của sinh vật biến đổi gen sẽ được trình Chính phủ phê duyệt. Hy vọng, đây sẽ là bước tiến mới trong việc ứng dụng công nghệ sinh học ở Việt Nam. |