00:00 Số lượt truy cập: 3076703

Quản lý chất lượng nông-lâm-thủy sản: Chuyển biến tích cực 

Được đăng : 03/11/2016
Thực hiện chương trình kiểm tra, giám sát các mặt hàng nông-lâm-thủy sản, thời gian qua, Chi cục Quản lý Chất lượng Nông-Lâm-Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT Gia Lai) phối hợp với Trung tâm Chất lượng Nông-Lâm-Thủy sản vùng II (Cục Quản lý Chất lượng Nông-Lâm-Thủy sản) lấy 30 mẫu rau, đất và nước sản xuất tại các vùng chuyên canh rau sạch để phân tích kiểm tra dư lượng kim loại nặng, vi sinh vật và thuốc bảo vệ thực vật…

Qua phân tích (6 mẫu đất, 4 mẫu nước và 20 mẫu rau) đã cho những kết quả khả quan là cả 6 mẫu đất trồng rau và nước tưới đều có hàm lượng kim loại nặng thấp hơn mức cho phép. Hàm lượng vi sinh trong 8 mẫu rau đều đạt chỉ tiêu coliform và dưới ngưỡng dư lượng Nitrat. Đặc biệt, không phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong nguồn nước sử dụng tưới rau.
 
Ảnh: Nguyễn Diệp
Ảnh: Nguyễn Diệp
Bên cạnh việc giám sát ô nhiễm sinh học và tồn dư hóa chất tại những vùng chuyên canh rau sạch, các cơ sở giết mổ, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm cũng được kiểm tra chặt chẽ về dư lượng thuốc kháng sinh và các mẫu nước dùng trong giết mổ. Trong tổng số 29 mẫu thịt được lấy tại TP. Pleiku và 2 thị xã An Khê và Ayun Pa kết quả 26/29 mẫu phân tích có khuẩn E.coli vượt tiêu chuẩn quy định; 24/29 mẫu có khuẩn hiếu khí vượt  tiêu chuẩn quy định.
 
Ông Lê Huy Toàn- Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng Nông-Lâm-Thủy sản Gia Lai cho biết: So với những năm trước, tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, các dư lượng và kim loại trong sản xuất rau đã giảm rõ rệt. Đây là điều rất đáng mừng khi người dân đã ý thức được việc sử dụng sẽ có hại cho sức khỏe của mình cũng như người tiêu dùng. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm nhiễm sinh học trong các sản phẩm thịt gia súc lại khá phổ biến, nhiều mẫu thịt bị nhiễm vi sinh vật có hại vượt quá giới hạn cho phép. Nguyên nhân của tình trạng này bắt nguồn từ việc ý thức của các chủ cơ sở giết mổ chưa cao. Không những vậy, do phần lớn là nhỏ lẻ, nền nhà và các dụng cụ lại không đảm bảo vệ sinh… nên dẫn đến tình trạng lây nhiễm vi sinh vật từ các dụng cụ vào sản phẩm.
 
Để nâng cao chất lượng các mặt hàng nông-lâm-thủy sản trong thời gian tới, Chi cục đã đề nghị các địa phương hình thành các khu giết mổ tập trung. Khuyến cáo hướng dẫn các cơ sở trồng rau sạch sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng hàm lượng và thời gian để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho mình và người tiêu dùng.
 
Mới đây, UBND tỉnh Gia Lai đã có Công văn số 3926/UBND-NL về việc tăng cường quản lý sản xuất rau an toàn để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Hy vọng trong thời gian tới việc quản lý các mặt hàng nông-lâm-thủy sản sẽ được nâng cao hơn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.