Cả nông dân nuôi cá tra, ba sa lẫn các nhà máy chế biến xuất khẩu đều được quản lý chặt chẽ về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm theo thông tư số 09/2010/TT-BNNPTNT do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lương Lê Phương ký ngày 26-2.
Theo đó, cá phải được nuôi trong vùng nuôi được phép thu hoạch theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; cơ sở chế biến khi mua cá phải lấy mẫu kiểm nghiệm theo Chương trình quản lý chất lượng phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn (gọi tắt là HACCP).
Còn doanh nghiệp thì khi mạ băng phi lê cá có tỷ lệ nước theo quy định của nước nhập khẩu nhưng không vượt quá 20% và chỉ sử dụng các phụ gia được phép lưu hành tại thị trường Việt Nam. Từ trước tới nay, do chưa có quy định tỷ lệ mạ băng, nhiều nhà máy đã mạ băng tỷ lệ nước cao, khiến nhiều thị trường nhập khẩu phản ứng.
Toàn bộ các lô hàng cá tra, cá ba sa trước khi xuất khẩu phải được kiểm nghiệm bởi Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Với quy định này thì từ nay, tình trạng mua bán cá tra, ba sa trôi nổi sẽ không còn, đồng thời các công ty thuần túy thương mại, không có nhà máy chế biến, không mua cá của nông dân mà vẫn xuất khẩu như lâu nay cũng sẽ bị triệt tiêu.
Trước đó, vào ngày 4-12-2009, Thủ tướng đã phê duyệt Đề án phát triển sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng ĐBSCL với mục tiêu đến năm 2010 đạt sản lượng cá nguyên liệu 1,5 triệu tấn, xuất khẩu 600.000 tấn, kim ngạch 1,5 tỉ đô la Mỹ; năm 2015 đạt sản lượng cá nguyên liệu 1,8 triệu tấn, xuất khẩu 750.000 tấn, kim ngạch 2,2 tỉ đô la Mỹ; và năm 2020 sản lượng nguyên liệu đạt 2 triệu tấn, xuất khẩu 900.000 tấn, trị giá 3 tỉ đô la Mỹ.
Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad) đã phát văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị có liên quan thực hiện các biện pháp kiểm soát chất Trifluralin, một loại thuốc trừ cỏ.
Sở dĩ phải kiểm soát Trifluralin vì trong năm ngoái, Mỹ và EU đã cảnh báo một số lô hàng cá tra xuất khẩu của Việt Nam do phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật Trifluralin. Nafiqad đã có đề xuất với ngành nông nghiệp một số giải pháp nhằm giảm thiểu dư lượng Trifluralin trong sản phẩm nông lâm thủy sản, đồng thời khuyến cáo các doanh nghiệp chế biến cá tra chủ động thực hiện kiểm soát dư lượng Trifluralin trong cá tra nguyên liệu trước khi đưa vào chế biến xuất khẩu.
Tuy nhiên, thời gian gần đây theo phản ánh của một số doanh nghiệp chế biến thủy sản, kết quả tự kiểm tra dư lượng Trifluralin trong cá tra nguyên liệu của doanh nghiệp cho thấy tỷ lệ mẫu nhiễm Trifluralin khá cao, từ 25 - 30% tổng số mẫu kiểm tra. Một số nhà nhập khẩu nước ngoài cũng đề nghị áp dụng ngay các biện pháp kiểm soát Trifluralin trong sản xuất kinh doanh cá tra nhằm ngăn ngừa các phản ánh tiêu cực từ phía thị trường nhập khẩu và ảnh hưởng xấu tới ngành sản xuất cá tra Việt Nam.
Trifluralin là thành phần có trong 26 sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam. Nông dân nuôi cá dùng Trifluralin để trừ cỏ trong ao. Từ năm 2002, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa hoạt chất Trifluralin vào danh mục lưu hành thuộc tiêu chuẩn ngành số 10TCN 505-2002. Tuy nhiên, Tổ chức Thương mại thế giới từ năm 2007 đã có thông báo cho rằng Trifluralin có ảnh hưởng tiêu cực đến các sinh vật sống dưới nước, đặc biệt là cá. Nó cũng là chất khó phân hủy trong đất và khó bị sinh vật làm cho thối rữa.