Rất khó có thể biết hiện ở Việt Nam có bao nhiêu loài sinh vật ngoại lai vì có những loài đã được du nhập từ rất lâu, nay đã thích nghi với điều kiện tự nhiên ở Việt Nam và phát triển rất mạnh.
Chúng ta có thể kể ra đây một vài loài như cỏ Lào, bèo Nhật Bản, bông ổi hay mai dương... Những loài mới được du nhập có ốc bươu vàng, hải ly... Đây là những loài sinh vật ngoại lai xâm hại nguy hiểm ở nước ta.
Con đường xâm nhập của các loài sinh vật ngoại lai rất đa dạng, lây nhiễm hay vô tình trà trộn trong hàng hoá, phương tiện vận chuyển giữa các vùng này với vùng khác, giữa quốc gia này với quốc gia khác. Có những loài được mang đến môi trường mới một cách vô tình, không chủ ý (bám trên quần áo, giày dép, vật dụng của con người). Có những loài được mang vào một cách chủ ý, cho mục đích hẹp như nghiên cứu khoa học, sau đó vô tình phát tán ra môi trường; thậm chí có loài được chủ định du nhập với mục đích kinh tế mà không lường trước được những tác hại mà nó sẽ gây ra (như hiện tượng ốc bươu vàng). Hiện có nhiều loài được mang về với mục đích làm cảnh rồi bị phát tán ra bên ngoài như rùa tai đỏ, tôm hùm đỏ, chuột hamster,...
Trước đây, nước ta đã có bài học rất lớn về ốc bươu vàng, đến nay là rùa tai đỏ. ông có thể nói rõ hơn về những tác động tiêu cực của các loài sinh vật ngoại lai đến môi trường, sản xuất nông nghiệp và sức khỏe con người?
Các loài sinh vật ngoại lai gây ra nhiều tác động đến môi trường, đa dạng sinh học bản địa và thậm chí là sức khỏe con người. Cụ thể, chúng sẽ cạnh tranh với các loài bản địa, nơi sống, thức ăn; có thể lai ghép và sinh sản với các loài sinh vật bản địa từ đó gây ra hiện tượng suy giảm nguồn gen; sử dụng các loài sinh vật bản địa làm thức ăn; thậm chí phá huỷ hoặc làm thoái hoá môi trường sống mới.
Tuy nhiên, điều đáng nói là chúng có thể là tác nhân trực tiếp gây bệnh hoặc truyền bệnh cho các loài sinh vật bản địa hoặc con người.
Dưới góc độ nào đó, chúng có những tác động tích cực nào không, thưa ông?
Không phải bất cứ loài sinh vật ngoại lai nào cũng gây hại hoặc chỉ gây hại. Nhiều loài nếu được quản lý và kiểm soát tốt sẽ có giá trị về mặt kinh tế hoặc làm cảnh. Ví dụ, cỏ Lào vốn có nguồn gốc từ Trung Mỹ đã được du nhập vào Việt Nam từ lâu và trở thành cây phủ xanh trên nhiều vùng đất trống đồi trọc ở nước ta. Cây sinh trưởng nhanh, cho sinh khối lớn, có thể làm phân xanh. Nhiều nơi hiện nay cũng sử dụng bèo Nhật Bản được du nhập vào nước ta từ đầu thế kỷ XX để làm phân xanh hay đồ mỹ nghệ.
Trước tình trạng sinh vật ngoại lai đổ bộ vào Việt Nam, theo ông, cần phải có giải pháp gì để ngăn chặn tình trạng này?
Cá nhân tôi cho rằng, Nhà nước cần phải quy trách nhiệm cụ thể trong việc quản lý sinh vật ngoại lai cho một cơ quan quản lý. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện hệ thống pháp lý để ngăn ngừa, quản lý và kiểm soát các loài sinh vật ngoại lai. Tăng cường hợp tác quốc tế trong việc ngăn chặn sự du nhập của các loài sinh vật ngoại lai.
Song song với đó là nâng cao nhận thức về tác hại của các loài sinh vật ngoại lai đối với đa dạng sinh học bản địa, kinh tế -xã hội và sức khỏe con người cho mọi tầng lớp nhân dân, thậm chí cả đối với các cán bộ và cơ quan quản lý Nhà nước. Tập trung sự ưu tiên cho công tác ngăn chặn sự du nhập của các loài ngoại lai ở quy mô quốc gia. Tăng cường hạn chế và quản lý chặt chẽ sự du nhập vô ý hoặc nhập lậu các loài sinh vật ngoại lai. Khi có nhu cầu nhập một loài cụ thể nào đó cần nghiên cứu kỹ lưỡng về nguy cơ gây hại tiềm năng và đề ra các biện pháp quản lý cụ thể. Và cuối cùng là cần khuyến khích thực hiện các biện pháp kiểm soát và tiêu diệt các loài sinh vật ngoại lai xâm hại đã phát tán ra môi trường.
Tuy nhiên, theo tôi, việc quản lý và kiểm soát các loài sinh vật ngoại lai là trách nhiệm của nhiều bộ, ngành như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công Nghệ, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tổng cục Hải quan nhưng cơ quan đầu não phải là Bộ Tài nguyên -Môi trường mà cụ thể là Cục Bảo tồn đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường).
Hiện, Cục Bảo tồn đa dạng sinh học đang xây dựng đề án ngăn ngừa sinh vật ngoại lai. Theo ông, Đề án này cần quan tâm đến khía cạnh nào?
Ngoài những vấn đề chung như tôi đã nói, thì trong Đề án nên xây dựng danh mục cụ thể những loài sinh vật ngoại lai xâm hại cần kiểm soát và phòng trừ ở nước ta hiện nay. Đồng thời, hoàn thiện những hướng dẫn cụ thể để đánh giá một loài sinh vật ngoại lai có tiềm năng xâm hại trong điều kiện của nước ta.
Muốn gì thì công tác cảnh báo và phòng ngừa phải được ưu tiên hàng đầu.
Xin cảm ơn ông!