Anh Hùng cho biết, bình quân mỗi năm trang trại của anh xuất ba lứa lợn, mỗi lứa 300 con lợn thịt (mỗi con hơn một tạ thịt). Riêng trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tý 2008, anh đã cho xuất chuồng gần 20 tấn thịt lợn, sau khi trừ chi phí, trang trại của anh Hùng thu lãi hơn 100 triệu đồng. Đây là mức thu nhập cao nhất của vùng núi cao này.
Để có một cơ ngơi trang trại như hiện nay, anh lê Mạnh Hùng cũng đã phải chịu thất bại hai năm liền. Năm 2004, vợ chồng anh Hùng đã vay ngân hàng 50 triệu đồng xây chuồng trại, mua lợn giống về chăn nuôi. Lợn nuôi thời gian đầu phát triển tốt, nhưng đến thời kỳ tăng trọng thì bỗng dưng lợn lăn đùng ra chết. Hai năm liền thất bại, mất cả vốn lẫn lãi, anh đã bàn với vợ đến từng trang trại chăn nuôi quy mô lớn, có hiệu quả ở các huyện trong tỉnh để học hỏi kinh nghiệm. Sau đó, anh còn ra tận Viện chăn nuôi Trung ương để học tập nắm vững biện pháp chăn nuôi, nhất là biện pháp kỹ thuật về phòng trừ dịch bệnh cho lợn. Trở về nhà, anh tiếp tục vay vốn ngân hàng, bạn bè, anh em thân thích đầu tư xây dựng hai dãy chuồng trại rộng hơn 1500 m2 diện tích. Từ chỗ đưa vào chuồng trại từ 100 con, dần dần phát triển lên 150 con; đến nay, trong chuồng trại của gia đình anh thường xuyên có gần 500 con lợn thịt. Để chủ động có giống tốt, anh đã mua về nuôi 50 con lợn nái tốt để nuôi lợn nái sinh sản, trong mấy năm qua anh đã đầu tư hơn một tỷ đồng xây dựng trang trại này. Hàng năm trang trại của anh còn thuê hợp đồng thêm từ 5 đến 10 lao động, đây là trang trại chăn nuôi lợn có quy mô lớn và hiệu quả đầu tiên của huyện miền núi Tuyên Hoá.
Ngoài chăn nuôi, anh Lê Mạnh Hùng còn tận dụng có nguồn nước tự chảy của con suối, đắp đập, khoanh vùng thành hồ nuôi cá. Tận dụng diện tích vườn trại, anh phát triển chăn nuôi gà, ngan và trồng cây công nghiệp dài ngày. Hiện nay, anh có vườn hồ tiêu hơn 100 gốc đã cho sản phẩm, mỗi năm thu về hàng chục triệu đồng từ nguồn bán hạt tiêu, bán gia cầm và cá./.