00:00 Số lượt truy cập: 2670070

Quảng Bình: Một số biện pháp kỹ thuật để cây cà phê phát triển bền vững và ổn định 

Được đăng : 03/11/2016

Hiện nay diện tích cây cà phê trên địa bàn huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Bình là hơn 4400 ha, trong đó gần 400 ha cây cà phê mít, 3400-3500 ha cây cà phê chè Catimor đang trong thời kỳ kinh doanh. Diện tích cà phê già cỗi có chu kỳ kinh doanh từ 15-17 năm chiếm khoảng 1600 ha (gần 50% tổng diện tích kinh doanh), hiện đang cuối chu kỳ kinh doanh nên hiệu quả thấp.


Bên cạnh đó, những năm gần đây, người trồng cà phê gặp không ít khó khăn do giá cả không ổn định, sâu bệnh thường xuyên phát sinh và gây hại, giá phân bón, vật tư và nhân công tăng cao nên họ không mạnh dạn đầu tư, dẫn đến năng suất và chất lượng vườn cà phê ngày càng giảm mạnh.

Từ thực trạng trên, để cây cà phê Hướng Hóa trong những năm tới phát triển một cách bền vững, ổn định, cho năng suất và chất lượng cao, người trồng cà phê cần lưu ý một số giải pháp kỹ thuật sau:

1. Giống

Người trồng cần lưu ý khâu chọn giống bởi các gia đình thường sử dụng quả cà phê làm giống rất tuỳ tiện, dễ thoái hoá. Khi sử dụng giống trồng mới cần lưu ý các khâu sau:

* Sản xuất hạt giống: Hạt giống phải được sản xuất, tuyển chọn từ các cơ quan nghiên cứu như Viện khoa học KT NN, Trung tâm kỹ thuật, hay các vườn cà phê tốt đủ tiêu chuẩn làm giống. Tuyển chọn hạt giống từ cây mẹ 5 - 7 tuổi, chọn hạt vào thời điểm giữa vụ, hái đúng tiêu chuẩn, chọn quả to khỏe, chín đều, chỉ lấy hạt giống ở những cây nhiều quả trên vườn cây mẹ thuần chủng.

* Sản xuất cây con:

- Chuẩn bị bầu ươm cây con: Sử dụng đất tốt có hàm lượng mùn trên 3%, trộn khoảng 1,7 - 1,8 kg đất với 200 - 300g phân chuồng hoai mục và 8 - 10g phân lân cho vào túi Polyetylen có kích thước 17 x 25 cm, đục 8 - 10 lỗ ở đáy để thoát nước và thoáng khí.

- Chọn hạt giống tốt, không có mầm bệnh, được xử lý bằng phương pháp bóc vỏ ngoài, rồi ủ vào bao xác rắn và đưa vào thùng đậy kín để giữ nhiệt.
- Sau khi hạt có rễ mầm nhú khoảng 1 mm thì đem gieo vào bầu ở độ sâu 2 cm và lấp đất lại, gieo hạt khoảng vào đầu tháng 4.

* Chăm sóc cây con trong vườn ươm :

- Bón phân khi cây có 1 - 2 cặp lá thật, tỷ lệ bón N/K=2/1 với nồng độ 0,1 - 0,15%, tăng nồng độ bón lên khi cây đạt 2 - 3 cặp lá (0,2 - 0,3%).

- Thường xuyên tưới nước cho cây con vào sáng sớm hoặc chiều mát kết hợp với việc làm cỏ, xới xáo phá váng mặt bầu, chú ý tưới nước cho cây con sau khi tưới phân.

- Khi cây được 4 cặp lá thật thì bắt đầu dỡ bỏ một phần dàn che bóng và dỡ bỏ hoàn toàn trước khi đưa cây đi trồng 15 - 30 ngày.

- Khi cây đạt từ 5 - 6 cặp lá thật, chiều cao cây khoảng 20 - 25cm, đường kính gốc thân > 3mm thì đưa đi trồng.

2. Về chế độ canh tác

Theo số liệu thống kê, hiện quỹ đất để trồng mới cây cà phê chè của Hướng Hoá còn khoảng gần 1.000 ha, bên cạnh đó cũng cần tái canh thêm 1.600 ha cà phê già cỗi, quá chu kỳ kinh doanh. Vì vậy sắp tới người trồng cà phê, cũng như các nhà quản lý cần chú ý một số vấn đề về kỹ thuật trồng như sau:

2.1. Đất trồng cà phê

Đất trồng cà phê chè phải có tầng canh tác dày trên 70 cm, mạch nước ngầm dưới 1,2m, đất có độ dốc dưới 25 độ.

2.2. Khai hoang và thiết kế vườn trồng cà phê

Khâu này hầu như người trồng cà phê thực hiện kém và không đồng đều, thiếu tính quy hoạch. Chủ yếu các công ty, nông trường thực hiện tốt, còn hộ gia đình thì kém hơn.

Biện pháp chống xói mòn rửa trôi phải đặt ra đầu tiên khi tiến hành khai hoang và thiết kế vườn trồng cà phê chè để đảm bảo độ phì nhiêu của đất. Cụ thể là trồng cây đai rừng bằng tràm hoa vàng, cây trẩu hay cây ăn quả...; trồng xen cây họ đậu khi vừa xuống giống cà phê; đối với đất có độ dốc lớn >150% thì phải thiết kế vườn trồng theo đường đồng mức.

2.3. Mật độ, khoảng cách và thời vụ trồng

- Hiện nay với mật độ 5.000 cây/ha (2,0m x 1,0m ) hoặc 4.600 cây/ha (1,8m x 1,2m) là phù hợp và hiệu quả nhất đối với cây cà phê chè Catimor ở Hướng Hoá.

- Thời vụ trồng: Ở Hướng Hoá mùa mưa đến sớm hơn vùng đồng bằn, nên thời vụ trồng cây cà phê chè bắt đầu từ 20/7 - 20/8 hàng năm.

2.4. Phân bón

Quy trình bón phân được khuyến cáo cho người trồng cà phê chè ở huyện Hướng Hoá là:

- Phân hữu cơ:

+ Trồng mới: bón lót 3 - 5 kg phân chuồng/hố, tương đương 15 - 25 tấn/ ha.

+ Thời kỳ kinh doanh: Bón từ năm cho thu quả bói sau đó cứ 2 năm bón một lần với lượng bón 10 - 15 tấn/ha.

- Phân hóa học: Đối với 1 ha cây cà phê

+ Trồng mới: 100kg urê, 1560 kg lân, 100 kg kali, 1200 kg vôi

+ Năm thứ nhất: 260kg urê, 940 kg lân, 100 kg kali

+ Năm thứ hai: 430 kg urê, 625 kg lân, 200 kg kali

+ Năm thứ ba: 540kg urê, 750 kg lân, 400 kg kali

+ Năm thứ tư trở lên: 650kg urê, 10600 kg lân, 500 kg kali

- Thời điểm bón: Bón sau khi trời mưa thấm đất, bón từ 1 - 3 lần/năm.

- Cách bón: cày rãnh theo hàng khi cây còn giai đoạn kiến thiết cơ bản, hoặc dùng cuốc đào rãnh theo tán cây để bón vào rồi lấp đất khi cà phê kinh doanh.

- Trước khi nở hoa 10 - 15 ngày hoặc sau khi cây có quả non có thể bổ sung phân bón lá như Sông Gianh, Comixt, Humixt... với liều lượng 40 - 60 ml/bình 10 lít, phun 2 - 3 lần/năm.

3. Kỹ thuật chăm sóc khác

- Cây đai rừng chắn gió nên trồng vuông gốc hoặc lệch gốc 60 độ với hướng gió Đông - Đông Bắc và hướng Tây - Tây Nam (hướng gió chính). Có thể trồng tràm hoa vàng, cây trẩu hoặc một số cây ăn quả khác làm cây đai rừng chắn gió.

- Cây che bóng: Không nhất thiết phải trồng cây che bóng cho toàn bộ diện tích trồng cà phê chè, chỉ nên trồng ở các vườn cà phê có độ dốc lớn, nhiều ánh nắng như ở xã Hướng Phùng, Pa Tầng, xã Hướng Linh. Tùy theo tuổi cây mà mật độ trồng cây che bóng khác nhau, từ khi trồng mới đến 1 - 2 năm đầu kinh doanh có thể trồng cây che bóng ở mật độ 277 cây/ha (6m x 6m), sau 2 năm kinh doanh thì tỉa thưa dần và để lại khoảng 138 cây/ha (12m x 12m).

- Bấm ngọn tỉa cành: Hàng năm nên tiến hành cắt bỏ các chồi vượt, cành vượt, cành tăm, cành sâu bệnh và khi cây cao 1,5 - 1,6 m thì tiến hành hãm ngọn, tạo độ thông thoáng cho vườn cây.

- Cưa đốn phục hồi: Hiện có khoảng 1.600 ha cà phê chè kinh doanh trong độ tuổi trên 12 năm, cây đã già cổi và năng suất rất thấp nhưng người dân vẫn giữ lại để tận thu, hoặc chăm sóc chưa đúng mức. Nếu chưa có khả năng phá bỏ trồng mới, bà con nên tiến hành cưa đốn phục hồi nhằm sử dụng chu kỳ kinh doanh 2 cũng đem lại hiệu quả đáng kể.

- Kỹ thuật cưa đốn: Cưa ở gốc thân bằng một lát cắt nghiêng cách mặt đất từ 25 - 30cm, sau khi cưa tiến hành cày đất sâu 20cm cách gốc từ 40 - 50 cm bón phân hoặc cách gốc 75 - 100 cm, để thể trồng xen cây họ đậu ở giữa các hàng cà phê. Thời điểm cưa đốn làv sau thu hoạch xong, vào khoảng tháng 2 - 3 khi xuất hiện các cơn mưa xuân, thì ta tiến hành cưa đốn. Khi các nhánh tái sinh phát triển được khoảng 20 - 30 cm tiến hành cắt tỉa bỏ bớt các nhánh, chỉ để lại khoảng 2 nhánh có khả năng sinh trưởng mạnh nhất. Các kỹ thuật chăm sóc vườn cà phê sau cưa đốn thực hiện tương tự như các vườn cà phê trồng mới và kinh doanh.

4. Phòng trừ sâu bệnh

Điều kiện khí hậu ở Hướng Hoá thích hợp cho cây cà phê nhưng cũng là điều kiện thích hợp cho sâu bệnh phát triển,vì vậy bà con hường xuyên làm cỏ, tỉa cành tạo tán thích hợp để vườn cà phê thông thoáng nhằm hạn chế khả năng sinh trưởng, phát triển của sâu bệnh hại trên vườn cây. Áp dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp IPM để hạn chế gây ô nhiễm môi trường cũng như đảm bảo được chất lượng cà phê theo tiêu chuẩn quốc tế, trong trường hợp phải sử dụng thuốc BVTV thì phải tuân thủ nghiêm ngặt theo khuyến cáo của cơ quan chức năng.