00:00 Số lượt truy cập: 3047570

Quảng Ngãi: Hiệu quả từ mô hình 

Được đăng : 03/11/2016

Sinh ra và lớn lên tại một xã nghèo miền núi Trà Bồng, Quảng Ngãi, anh Hồ Trung Tiến người con dân tộc Cor không cam chịu cái nghèo, cái đói cứ vây quanh bản thân, gia đình và cộng đồng khu dân cư đang sinh sống, Qua bao đêm suy nghĩ, anh cùng vợ bàn kế hoạch sản xuất, tiếp cận tiến bộ KHKT, cải tiến phương thức sản xuất thông qua những đợt tập huấn của các chương trình khuyến nông tổ chức tại địa phương. Vợ chồng anh quyết tâm thay đổi phương thức làm ăn, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Quả nhiên đất không phụ người có công, gia đình anh đã thoát nghèo vươn lên làm giàu trên chính quê hương của mình. Anh đã 2 lần liên tụcđược UBND tỉnh Quảng Ngãi khen tặng danh hiệu “Nông dân sản xuất giỏi”.


Cũng như bao chàng trai khác trong làng, 18 tuổi anh Tiến tình nguyện tham gia quân đội bảo vệ sự bình yên cho đất nước. Ngày rời quân ngũ, sẵn mang trong mình nhiệt huyết của thanh niên tràn đầy sức sống. Anh quyết tâm tham gia mặt trận sản xuất, chống đói nghèo. Trà Tân là một xã nghèo miền núi, điều kiện giao thông đi lại thì khó khăn nhưng đất đai vẫn còn rộng lắm, anh Tiến đã mạnh dạn khai hoang làm ruộng, mì, mía, trồng cây lâm nghiệp dài ngày... Đến với trang trại của gia đình anh vào đầu tháng 10 tại thôn Trường Biện, dưới chân đồi là một ngôi nhà ngói nhỏ nhưng bên trong sạch sẽ ngăn nắp có tivi, dàn karaoke, quạt điện và bộ sa lông đặt trang trọng giữa gian phòng khách. Khi hỏi chuyện anh cho biết, hiện nay anh có 5 sào ruộng lúa nước, cung cấp đủ lương thực cho cả nhà 7 người ăn quanh năm, ngoài ra anh còn trồng 1 ha mía trên đồi, 4 ha trang trại quanh nhà được bố trí: phần đỉnh cao trồng cây keo, phần sườn núi trồng cây xoan (sầu đông) dần về chân thấp trồng cau, xoài, đu đủ, rau ăn trái, lá các loại…phần thấp nơi chân đồi là chuồng bò nuôi nhốt bài bản (5-6 con) lấy sức kéo và cung cấp phân cho sản xuất. Bên góc nhà còn có 2 ao cá ước khoảng 200 m2 nuôi cá trôi, cá chép, cá lóc… Nhìn dưới tán cây chúng tôi còn thấy đàn gà, anh cho hay nuôi gà, cá chủ yếu để cải thiện bữa ăn gia đình và bán vào những dịp quan trọng trong làng, lúc nào trong vườn cũng có khoảng 50 con.

Ngoài ra, anh còn khai hoang và đã được địa phương cấp quyền sử dụng 30 ha đất núi. Năm 2008, gia đình anh tự gieo ươm hơn 20.000 cây keo tai tượng để trồng khoảng 10 ha trong vụ mưa năm nay. Đồng thời, hiện đang có 6 ha lúa rẫy đang thời ngậm sữa, anh Tiến vui vẻ cho biết: “Năm nay thời tiết thuận lợi, lúa rẫy của anh bông dài hơn cả lúa nước sẽ cho vụ mùa bội thu, chắn chắn mình trúng lớn rồi”.

Với sự cần cù, chịu khó lao động và có kế hoạch rõ ràng, hàng năm bình quân thu nhập của gia đình khoảng 60-70 triệu đồng, sau khi trừ mọi phí sản xuất và chi tiêu trong gia đình có tích lũy hơn 30 triệu, nhưng từ nay trở về sau thì sẽ nhiều hơn vì trang trại đã đến kỳ khai thác. Đó là con số không nhỏ đối với bao người dân ở nông thôn mà nhất là người dân miền núi xa sôi, cách trở như gia đình anh.

Mô hình trang trại “Rừng-vườn-ao-chuồng” của gia đình anh Tiến đa dạng, vừa kết hợp trồng cây lâm nghiệp, cây nông nghiệp, chăn nuôi…cần được khuyến cáo, nhân rộng để nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình, làm thay đổi tập quán canh tác, cách suy nghĩ của người dân vùng sâu, vùng xa góp phần xóa đói giảm nghèo, đem lại cuộc sống no đủ cho người dân vùng nông thôn miền núi./.