00:00 Số lượt truy cập: 3081661

Quảng Ngãi: Mô hình nuôi cá chình lồng thách thức bão lũ 

Được đăng : 03/11/2016
Trong khi nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản ở Quảng Ngãi bị bão số 9 và số 11 phá tan hoang thì những lồng nuôi cá chình dọc sông Trà Khúc vẫn trụ vững. Với giá trị kinh tế cao, kỹ thuật nuôi không quá phức tạp, mô hình này mở ra hướng đi mới cho bà con nông dân.

Ông Trần Kim Sanh (bên trái) kiểm tra trọng lượng cá chình sau 8 tháng nuôi.

Mô hình dễ làm

Được ông Bùi Hữu Chỉnh, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Quảng Ngãi giới thiệu, chúng tôi đến tham quan mô hình nuôi cá chình trong lồng dọc sông Trà Khúc tại xã Tịnh Sơn (Sơn Tịnh).

Theo kỹ sư Phan Trọng Mến, cán bộ theo dõi mô hình, để nuôi cá chình thành công, bà con cần tuân thủ nghiêm túc một số kỹ thuật sau: khung lồng làm bằng tre, có lưới treo bên trong và nắp đậy phía trên, có cửa cho cá ăn, lồng được neo vào dàn gỗ bởi những dây thừng lớn. Kích thước mắt lưới ban đầu 2,5cm. Nên đặt lồng nuôi ở vùng nước trong sạch, chất đáy cát hoặc cát sạn, ít bùn. Mùa nắng nóng lồng được neo cố định, mùa mưa nên di chuyển vào gần bờ để tránh lũ. Con giống nên chọn kích thước đồng đều, trọng lượng khoảng 100g/con, mật độ nuôi 4 con/m2. Thức ăn của cá chình chủ yếu là các loại cá tạp băm nhỏ, lượng thức ăn hằng ngày bằng 3-10% trọng lượng cá nuôi. Cho ăn mỗi ngày 2 lần khi còn nhỏ, sau đó cho ăn 1-2 lần/ngày. Phải thường xuyên theo dõi lượng thức ăn để điều chỉnh cho phù hợp và thường xuyên bổ sung vitamin C vào thức ăn cho cá để tăng sức đề kháng. Đảm bảo đủ lượng nước trao đổi trong lồng bằng cách thường xuyên chà rửa khung lồng. Định kỳ thay lưới, làm vệ sinh sạch sẽ lưới khi thay.

Ngoài ra, để tạo môi trường tự nhiên cho cá chình phát triển, nên sử dụng các ống nhựa cắt khúc bó thành từng bó để cá trốn vào theo tập tính của loài.

Triển vọng lớn

Sau 8 tháng thả nuôi, nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, đàn cá phát triển khá tốt, tỷ lệ sống trên 80%, trọng lượng cá trung bình 650g/con. Nuôi 1 năm thì thu hoạch, trừ chi phí, lãi trên 15,5 triệu đồng/lồng.

Ông Trần Kim Sanh, nông dân tham gia mô hình nuôi cá chình trong lồng phấn khởi cho biết: “Tận dụng nước sông Trà, tôi nuôi cá trắm cỏ trong lồng từ năm 1993. Năm 2006, tôi bắt đầu nuôi thử nghiệm cá chình và thu được kết quả khả quan. Hiện, cá chình bán rất được giá (250.000-300.000đồng/kg) nên người nuôi thu lãi cao. Năm 2009, được Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh hỗ trợ 40% kinh phí mua giống, 20% chi phí thức ăn, hoá chất, thuốc phòng trị bệnh và hướng dẫn kỹ thuật, tôi thả nuôi 2 lồng, đến nay cá đạt trọng lượng 650-700g/con”.

Ông Chỉnh cho biết: “Từ kết quả của mô hình này, chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình nuôi cá chình trong lồng dọc các con sông trong tỉnh theo hướng thâm canh. Hiện, Trung tâm Hỗ trợ kỹ thuật nông - lâm nghiệp Dung Quất đang thực hiện đề tài chuyển giao kỹ thuật ương cá chình bột để giải quyết tình trạng khan hiếm nguồn cá giống, giúp nông dân có nguồn giống tại chỗ, mở rộng mô hình nuôi cá chình trong tương lai”.

Với điều kiện tự nhiên, môi trường, nhiệt độ và chất lượng nguồn nước sông Trà Khúc tương đối ổn định, nguồn cá tạp tại địa phương khá dồi dào, nông dân Quảng Ngãi có thể phát triển nghề nuôi cá chình lồng. So với mô hình nuôi cá chình trong ao xi-măng trước đây thì nuôi cá chình lồng đạt hiệu quả kinh tế cao; góp phần đa dạng hoá đối tượng nuôi nước ngọt có giá trị.