Theo thống kê của Sở NN&PTNT, tính đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh Quảng Ninh có trên 100 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Khác với đầu tư các lĩnh vực khác, điều kiện “cần và đủ” đầu tiên của các doanh nghiệp nông nghiệp này là đất đai đủ rộng lớn để canh tác. Chính bởi vậy, ngay từ khi khởi nghiệp hầu hết các doanh nghiệp đều đề ra chiến lược phát triển là “bắt tay” với nông dân. Bằng cách các doanh nghiệp thuê lại đất đai của nông dân và tạo việc làm cho họ hoặc đặt hàng nông dân sản xuất các sản phẩm nông nghiệp theo nhu cầu và kỹ thuật của doanh nghiệp.
Mô hình sản xuất rau sạch của HTX Dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong tại phường Xuân Sơn (Đông Triều).
Việc “bắt tay” giữa doanh nghiệp và nông dân thực tế đã mang lại lợi ích cho cả đôi bên, hỗ trợ nhau cùng phát triển. Ông Nguyễn Văn Đức, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Trong giải pháp thuê lại đất của nông dân, doanh nghiệp đương nhiên có được tư liệu sản xuất quan trọng nhất là đất canh tác để có thể chủ động sản xuất, xây dựng và ngày càng mở rộng được vùng nguyên liệu của mình. Còn nếu doanh nghiệp liên kết với nông dân để họ sản xuất và cung cấp các sản phẩm cho doanh nghiệp, do không phải mất chi phí đầu tư thiết bị và quản lý nên giá thành đầu vào luôn giảm hơn so với doanh nghiệp trực tiếp tổ chức sản xuất, ước tính giảm đến 30% giá trị. Bên cạnh đó, khi “bắt tay” với nông dân, doanh nghiệp còn tận dụng được kinh nghiệm canh tác trên đồng ruộng của họ, góp phần nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm… Ngược lại đối với người nông dân, khi “bắt tay” với doanh nghiệp sẽ có việc làm và thu nhập ổn định, tiếp thu được những kỹ thuật canh tác hiện đại, yên tâm sản xuất mà không phải lo đến đầu ra của sản phẩm, vốn là nỗi lo thường trực của nông dân.
Tuy nhiên, ở góc độ khác cũng do đặc thù phần lớn người nông dân vốn chủ yếu canh tác theo kinh nghiệm, tư duy sản xuất cũ nhưng lại chậm chuyển đổi, thiếu tác phong công nghiệp và một số còn có tư tưởng chạy theo lợi nhuận trước mắt nên trong quá trình hợp tác cũng gây ra không ít khó khăn cho doanh nghiệp. Đơn cử như Công ty CP Đầu tư Song Hành, trong đề án sản xuất ban đầu của doanh nghiệp này không có diện tích đất canh tác, chỉ có đất dành để xây dựng nhà xưởng sơ chế, nuôi cấy giống, trồng rau mầm trong nhà kính… Toàn bộ vùng nguyên liệu với thiết kế giai đoạn I là 60ha, giai đoạn II là 100ha, doanh nghiệp đều lựa chọn phương án liên kết với nông dân theo hướng nông dân sản xuất sản phẩm theo đặt hàng của doanh nghiệp (dự tính lên đến gần 1.000 hộ). Để đạt mục tiêu này, doanh nghiệp cũng đã làm việc cụ thể với từng hộ nông dân về quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm, giá thu mua, cơ chế hỗ trợ của doanh nghiệp, thời gian hợp tác… Tuy nhiên, “khí thế” hợp tác giữa Song Hành và nông dân cũng chỉ diễn ra trong thời gian đầu, dần dần trong quá trình sản xuất nhiều hộ nông dân bỏ qua các tiêu chí của doanh nghiệp.
Ông Vũ Hữu Tình, Giám đốc Công CP Đầu tư Song Hành, cho biết: Qua thực tế hợp tác tôi nhận thấy nông dân của mình vẫn thích bán những sản phẩm mình có chứ không phải những thứ doanh nghiệp cần. Trong quy trình sản xuất, mặc dù Công ty đã hướng dẫn và giám sát rất chặt nhưng nông dân dường như không nhiệt tình thực hiện, hoặc thực hiện không đầy đủ. Biểu hiện là một số trường hợp trồng giống trôi nổi, tranh thủ phun, bón một số loại thuốc hoá học ngoài danh mục, thu hoạch trước thời hạn, ưu tiên bán cho tư thương… Chính bởi vậy, nên sau hơn một năm hoạt động, đến thời điểm này Song Hành chỉ còn liên kết với khoảng 40 hộ nông dân với diện tích canh tác không lớn.
Ông Phạm Việt Trung, Giám đốc Công ty TNHH Nuôi trồng, sản xuất và Chế biến dược liệu Đông Bắc cũng bày tỏ: Đúng là trong quá trình hợp tác, vẫn còn một bộ phận nông dân chưa thực sự tôn trọng quy tắc giàng buộc với doanh nghiệp. Thực tế tại Công ty đã từng diễn ra tình trạng các hộ nông dân sau khi đã nhận hỗ trợ trực tiếp của Công ty về giống, vốn, kỹ thuật để canh tác song đến khi thu hoạch sản phẩm lại bán cho tư thương, “quên” mất trách nhiệm trả nợ cho doanh nghiệp. Rút kinh nghiệm từ việc này, Công ty TNHH Nuôi trồng, sản xuất và Chế biến dược liệu Đông Bắc tiến hành “bắt tay” với nông dân thông qua chính quyền địa phương hoặc các HTX, tổ hợp tác.
Đối với HTX Dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong có thể coi là đơn vị điển hình và thành công trong việc liên kết với nông dân sản xuất. Tuy nhiên, giống như nhiều doanh nghiệp khác, Hoa Phong cũng gặp những khó khăn đặc thù trong việc liên kết với nông dân. Bà Lê Thị Thà, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong, cho biết: Hiện hầu hết nông dân đang làm việc cho Hoa Phong đều ở độ tuổi cao, từ trên 40 tuổi trở lên nên việc tiếp nhận các ứng dụng khoa học vào sản xuất còn hạn chế.
Phải khẳng định việc “bắt tay” với nông dân là giải pháp phát triển phù hợp với đặc thù và xu hướng phát triển của các doanh nghiệp nông nghiệp. Tuy nhiên, để sự hợp tác này có hiệu quả và bền vững, cả doanh nghiệp và người nông dân cần phải có sự thông cảm với nhau, cùng nêu cao trách nhiệm trên tinh thần tương hỗ. Bên cạnh đó, về lâu dài chính quyền địa phương cần phải có sự tác động, can thiệp nhất định để người nông dân nâng cao tính chuyên nghiệp, tác phong công nghiệp, tạo nên nền tảng cơ bản, bền vững trong mối quan hệ với doanh nghiệp nói riêng và mục tiêu mang lại lợi nhuận trong phát triển sản xuất nông nghiệp nói chung.
Việt Hoa