Mặc dù mới đưa vào nuôi thử nghiệm nhưng mô hình nuôi nhông trên cát ven biển ở Quảng Trị đã sớm thể hiện được sự thích nghi với điều kiện khí hậu, thời tiết của tỉnh.
Do đó, sau kết quả nuôi thử nghiệm thành công ở xã Gio Hải, Gio Linh, năm 2011, Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh Quảng Trị triển khai nhân rộng nhiều mô hình nuôi nhông trên cát. Đến nay, phong trào nuôi nhông trên cát ở các xã ven biển của tỉnh phát triển khá, góp phần đa dạng hoá vật nuôi, tăng thu nhập cho người nông dân. Tuy nhiên, đây là một giống con nuôi mới nên nông dân cần chú ý áp dụng đúng các biện pháp kỹ thuật nuôi mới đưa lại hiệu quả kinh tế cao.
Để khuyến khích nông dân mở rộng mô hình nuôi mới này, mỗi hộ đăng ký nuôi, Trung tâm KN-KN hỗ trợ cho nông dân giống, đồng thời hướng dẫn tận tình các biện pháp kỹ thuật. Nhông thuộc loài bò sát, sống hoang dã trên những đồi cát ven biển, vùng gò đồi ở đồng bằng. Vì vậy, mô hình nuôi nhông mà Trung tâm KN-KN triển khai là các xã vùng cát ven biển. Tập tính của nhông là đào hang để cư trú, mỗi hang tập trung khoảng 10 con.
Thức ăn của nhông khá đa dạng, chúng uống nước ít, trong môi trường sống tự nhiên hầu như nhông không có dịch bệnh. Nhông chỉ hoạt động vào ban ngày, chúng thích nhất là vào khoảng 8 - 9 giờ sáng. Trung bình một ngày chúng chui ra khỏi hang từ 4 - 5 giờ, thời gian còn lại nằm im trong hang.
Vào mùa mưa (từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau), khi nhiệt độ dưới 25 độ C và ẩm độ trên 90% nhông nằm lỳ trong hang. Nhông rất nhút nhát, luôn cảnh giác với xung quanh trước khi ra khỏi hang. Khả năng bám leo của nhông rất tốt và nhảy được khá xa. Vì thế khi nuôi cần chú ý thiết kế tường bao và trồng cây, cần đề phòng việc nhông leo bám nhảy ra ngoài.
Nhông muốn lớn lên phải lột xác, chu kỳ lột xác kéo dài 30 - 45 ngày, mỗi năm nhông lột xác khoảng 7 - 8 lần. Vào mùa ngủ đông nhông không lột xác. Khi chuẩn bị lột xác nhông uể oải, ăn ít và phần lớn thời gian là ở trong hang, nhưng vào thời kỳ sau lột xác là lúc nhông ăn khỏe, nhanh lớn.
Nhông đẻ 2 - 3 lần/năm, mỗi lần đẻ 6 - 8 trứng, khoảng 10 - 12 ngày sau thì trứng nở thành con. Mùa sinh sản của nhông thường từ tháng 3 đến tháng 7 hàng năm. Nhông sinh trưởng khá nhanh, nhông con ban đầu chỉ lớn bằng con thằn lằn, sau 4 - 6 tháng có thể xuất bán thịt với khoảng 5 - 15 con/kg (tùy loài).
Cần chọn vùng đất làm chuồng nuôi nhông nơi cao ráo, không ngập nước. Đáy chuồng phải được lát bằng gạch, nền xi măng dày khoảng 2 - 3 cm không cho nhông đào hang chui đi, nhưng phải bảo đảm nước rút nhanh khi mưa. Tường xây bằng gạch, cao từ 1,5 - 2 m. Hoặc dùng tôn láng đóng xung quanh để nhông không ra ngoài. Chuồng phải ở nơi yên tĩnh, tránh sự xâm nhập của những loài thú gây hại cho nhông như chó, mèo, chuột. Nên bố trí hệ thống bơm nước để phun giữ ẩm chuồng nuôi trong mùa nắng, đồng thời trồng các loại cây che bóng và tạo thêm thức ăn cho nhông.
Đổ một lớp cát dày từ 60 - 70 cm lên trên nền chuồng để cho nhông ở. Chuồng nhông có thể chỉ rộng vài chục đến vài trăm mét vuông, tùy theo khả năng của người nuôi. Mật độ thả giống khoảng 10 - 15 con/m2. Trong khu nuôi trồng thêm các loại cỏ và một số cây che bóng mát. Tán cây chỉ nên che khoảng 1/2 - 1/3 diện tích khu nuôi.
Thức ăn cho nhông bao gồm cả động và thực vật. Động vật như mối, dế, châu chấu, cá vụn, giun... Thực vật chủ yếu là các loại rau, củ, quả như rau lang, rau muống, cỏ xanh... Ngoài ra, còn có thể bổ sung cho nhông ăn các loại thức ăn tinh khác như bắp, cám...
Để chủ động nguồn thức ăn nuôi nhông, các nông hộ cần trồng các loại rau xanh, cỏ có năng suất và chất lượng cao: khoai lang lai, rau muống, cỏ ruzi... Tận dụng triệt để các loại rau quả phế thải mà con người không sử dụng: lá rau già, cà chua thối, bắp cải bị sâu đục… để làm thức ăn cho nhông.
Cho nhông ăn mỗi ngày từ 1 - 2 lần với lượng thức ăn xanh từ 2 - 6 kg/ngày/1.000 con, cần theo dõi để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Đối với các loại thức ăn cứng hoặc có kích thước lớn nên băm nhỏ trước khi cho ăn. Nên bố trí nhiều điểm cho nhông ăn trong khu nuôi, vì nhông tham ăn và thường tranh giành lẫn nhau. Cũng cần bố trí một số dụng cụ đựng nước trong khu nuôi để nhông uống.
Vào mùa sinh sản nên cho ăn thêm các loại rau mầm (giá đỗ, thóc và bắp mầm) để nâng cao khả năng sinh sản của đàn nhông. Buổi chiều khi nhông đã vào hang thì tiến hành dọn vệ sinh máng ăn (không để thức ăn thừa sang hôm sau).
Thường xuyên kiểm tra chuồng, kịp thời phát hiện và xử lý những kẻ hở, lỗ thủng để nhông không chui ra ngoài. Quan sát số hang để biết tình hình phát triển của đàn nhông, số hang càng nhiều chứng tỏ nhông sinh sản, phát triển càng tốt.
Có thể thu nhông bằng nhiều cách như đào hang, dùng lưới, đặt bẫy. Theo dõi những nhông lớn ở hang nào, lấy que đánh dấu và tiến hành đào hang để bắt. Dùng lưới có mắt nhỏ rải đều xuống mặt đất, sau đó rải thức ăn xung quanh.
Khi nhông ra ăn gần hết thức ăn thì ta tạo ra một tiếng động mạnh, nhông vội vã bỏ chạy chúng sẽ mắc chân vào lưới. Sử dụng lưới mắt cáo mềm để làm bẫy, cho những loại thức ăn có màu (cà chua, cà rốt, hoa phượng...) vào bẫy và đặt cạnh hang. Khi nhông bò vào bẫy ăn thì người nuôi chạy nhanh ra để bắt.
Phải đảm bảo môi trường sống của nhông (ẩm độ, bóng mát và sự yên tĩnh), không để nước đọng và các loại thú gây hại. Cho nhông ăn, uống đầy đủ, nhất là giai đoạn nhông lột xác và mùa sinh sản phải tăng cường thức ăn giàu đạm và vitamin. Khi phát hiện nhông có những biểu hiện bất thường (chậm chạp, ăn ít, hoảng loạn...) cần xác định nguyên nhân và can thiệp kịp thời. Định kỳ sử dụng các hóa chất sát trùng, tiêu độc để vệ sinh khu chăn nuôi.
Hiện nay, nhông bán được giá trên thị trường khoảng 400.000 đồng/kg nên nuôi nhông đạt hiệu quả khá cao. Sau 5 - 6 tháng nuôi, mỗi kilôgam nhông giống giá 500.000 đồng có thể cho 5 kg nhông thịt bán được 2 triệu đồng. Mỗi hộ thả nuôi mật độ trung bình cũng được 2 - 3 kg nhông giống/vụ nuôi.
So với chăn nuôi nhiều loại con khác như gà, lợn, bò... thì nuôi nhông không lãi hơn nhưng ở điều kiện của các xã vùng cát ven biển phát triển khó khăn thì việc phát triển chăn nuôi nhông ở đây là rất thích hợp, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nông dân. Hơn nữa, trong điều kiện các loại con khác thường hay bị dịch bệnh thì việc nuôi nhông an toàn dịch bệnh giúp nông dân tránh được nhiều rủi ro trong chăn nuôi. Đây là một hướng chăn nuôi mới cần nhân rộng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm trên địa bàn và các tỉnh lân cận.