00:00 Số lượt truy cập: 2669257

Quảng Trị: Xây dựng được nhiều mô hình sản xuất cho nông dân 

Được đăng : 03/11/2016

Trong năm qua, Hội Nông dân phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh xây dựng được nhiều mô hình sản xuất thành công cho nông dân.


Tiêu biểu như: Mô hình nuôi gà an toàn sinh học ở Hải Trường (Hải Lăng), Đông Lương (Đông Hà); Mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học EM trong xử lý ao nuôi trồng thủy sản ở các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng; Mô hình chăn nuôi bò sinh sản ở Thị Trấn Cam Lộ; mô hình trồng Thanh long ruột đỏ ở Hải Lăng, Gio Linh... Nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả kinh tế cao, cho thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng/năm như: Mô hình kinh tế tổng hợp của hộ ông Trần Xuân Dũng ở xã Gio Quang, với quỹ đất 2,8 ha trong đó ông trồng 1,5 ha cây công nghiệp dài ngày, còn lại ông trồng cỏ voi để chăn nuôi bò và 1,2 ha ao nuôi cá nước ngọt và chăn nuôi lợn siêu nạc, gà. Doanh thu của ông mỗi năm trên 01 tỷ đồng. Hộ ông Nguyễn Quang ở xã Gio Hòa, với diện tích đất vườn rộng, ngoài việc trồng cây lâu năm, ông xây dựng mô hình chăn nuôi 73 cặp nhím, 03 cặp chồn hương, 4 cặp nhúi sinh sản đem lại thu nhập hàng năm từ 300 – 450 triệu đồng...

Ngoài ra, hai ngành còn phối hợp tham mưu cho Tỉnh uỷ, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ thuộc "Chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn 2011-2015" theo Quyết định số: 1831/QĐ-TTg ngày 01/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt là các nhiệm vụ về đào tạo, tập huấn khoa học và công nghệ cho hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi để tiếp thu và nhân rộng kết quả chuyển giao khoa học và hội viên nông dân. Xây dựng các mô hình ứng dụng KHKT theo hướng sản xuất hàng hoá trong nông thôn.

Tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức khoa học công nghệ, các ngành, các đơn vị kinh tế có liên quan "Đỡ đầu" xây dựng các mô hình và điển hình tiên tiến về áp dụng KHKT trong nông thôn và tổ chức các câu lạc bộ KHKT nhà nông, các cuộc thi phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong nông dân.

Triển khai chương trình ứng dụng công nghệ thông tin về nông thôn, tăng cường cung cấp thông tin khoa học, công nghệ phục vụ phát triển sản xuất hàng hóa góp phần xây dựng nông thôn mới như đầu tư một số máy tính có kết nối mạng Internet, đầu tư trang thông tin cung cấp kiến thức phục vụ sản xuất nông nghiệp...

Có được kết quả trên là do bộ phận giúp việc của hai ngành thường xuyên trao đổi thông tin, thống nhất kế hoạch công tác 6 tháng, năm, kịp thời báo cáo lãnh đạo hai ngành những vấn đề nảy sinh trong quá trình tổ chức thực hiện nên đã tạo được sự nhất trí cao trong lãnh đạo, chỉ đạo và không ngừng nâng cao chất lượng trong hoạt động thực tiễn. Sự phối hợp trong tổ chức, lãnh đạo thực hiện chương trình của hai nghành được gắn bó chặt chẽ, các bên đã thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ và trách nhiệm của mình trong việc tổ chức tuyển truyền và triển khai thực hiện việc chuyển giao khoa học kỹ thuật và công nghệ cho hội viên nông dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những thiếu sót, nhược điểm cần khắc phục như: Nội dung Hướng dẫn chỉ đạo chưa sát với tình hình thực tế ở địa phương, vai trò, vị trí của các cấp hội cơ sở trong việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế chưa nổi bật, chưa tranh thủ được sự quân tâm của Đảng, chính quyền các cấp. Công tác tuyên truyền vận động nhân dân chưa kịp thời, chưa sát nội dung, đối tượng nên hiệu quả còn thấp. Xây dựng các mô hình sản xuất tuy phát triển nhanh nhưng chưa bền vững làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân./.