00:00 Số lượt truy cập: 3062657

Quanh chủ trương tạm ngừng xuất khẩu gạo: Bộ NN-PTNT tập trung đàm phán hợp đồng năm 2008 

Được đăng : 03/11/2016

Ngay sau khi Bộ NN-PTNT thông báo chính thức việc tạm ngừng xuất khẩu gạo năm 2007, không ít đơn vị kiến nghị tăng thêm chỉ tiêu xuất khẩu gạo năm 2007. Theo lý giải của một số đơn vị, hiện nay lượng gạo tồn kho vẫn còn và gạo xuất khẩu cũng được giá. PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Diệp Kỉnh Tần xung quanh vấn đề này. 


* Bộ NN-PTNT đã có chỉ đạo ngừng ký các hợp đồng xuất khẩu gạo mới, nhưng nhiều ý kiến vẫn đề nghị tăng thêm chỉ tiêu xuất khẩu. Bộ NN-PTNT có xem xét lại kiến nghị trên?

* Thứ trưởng DIỆP KỈNH TẦN: Sau khi rà soát lại toàn bộ, đến thời điểm hiện tại các doanh nghiệp đã ký hợp đồng xuất khẩu gần 4 triệu tấn. Như vậy, lượng gạo xuất khẩu đã đạt tới mức an toàn, tương đương với cùng kỳ năm trước và tăng 13% về giá trị. Nếu tiếp tục xuất sẽ làm cạn kiệt nguồn dự phòng gối đầu cho năm sau. Do đó, Bộ NN-PTNT yêu cầu dừng ngay ký kết các hợp đồng xuất khẩu gạo mới mà tập trung đàm phán cho các hợp đồng xuất khẩu năm 2008. Bộ NN-PTNT cũng kiến nghị Chính phủ giao cho Bộ Công thương chủ trì, chỉ đạo Hiệp hội lương thực rà soát lại các hợp đồng đã ký và xem xét cụ thể từng lô hàng đã ký; thậm chí đề nghị cho giãn tiến độ giao hàng những hợp đồng đã ký, để tập trung đàm phán các hợp đồng cho năm mới.

* Nhưng hiện nay, một số công ty vẫn còn gạo tồn kho và cả nước còn khoảng 1 triệu tấn lúa, trong khi đó gạo lại đang được giá. Đề nghị tạm ngừng xuất khẩu có phải là vội vàng?

* Đúng là hiện nay, giá gạo trên thị trường đã tăng lên rất có lợi cho xuất khẩu. Do nhu cầu xuất khẩu gạo lớn nên trung bình giá gạo xuất khẩu trong nước đã tăng lên 200 đồng/kg so với tháng trước. Nhưng việc gạo tăng giá cũng là bình thường bởi giá cả các mặt hàng tăng, trong khi gạo là mặt hàng lương thực thiết yếu của thế giới, nên khó có thể giảm giá trong thời gian tới.

Lượng gạo còn tồn hiện nay trên toàn quốc khoảng 1 triệu tấn. Với lượng hiện có thì có thể bảo đảm cho an ninh lương thực trong năm 2007. Tuy nhiên, sau đợt áp thấp nhiệt đới và bão số 2 gây lụt lớn ở miền Trung và Tây Nguyên làm ngập úng và mất trắng 67.000 ha, nên tạm ngừng xuất khẩu thêm gạo hiện nay là cần thiết. Trước đây, người dân thường dự trữ thóc, bây giờ hầu hết người dân không dự trữ nữa, nên sản lượng hiện có của các công ty trên chỉ cân đối đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước.

* Trong trường hợp vụ hè thu và vụ mùa tới, cả nước không chịu ảnh hưởng lớn của thiên tai, Bộ NN-PTNT có thể xem xét cho xuất khẩu thêm trong những tháng cuối năm, thưa thứ trưởng?

* Có! Cả nước gieo cấy được 2,29 triệu ha lúa hè thu (giảm 33.000 ha so với năm 2006) và miền Nam đang tập trung thu hoạch lúa hè thu. Hiện nay, đang tập trung gieo cấy 2 triệu ha lúa mùa (giảm gần 10.000 ha so với năm 2006). Nếu sản lượng thu hoạch lúa hè thu khả quan và việc gieo cấy lúa mùa thuận lợi, không bị tác động lớn của thiên tai, chúng tôi vẫn có thể xem xét nới thêm chỉ tiêu xuất khẩu vào quý 4 năm nay.

* Theo ước tính, từ đầu năm đến nay sản lượng lương thực năm 2007 vẫn tăng khoảng 200.000-300.000 tấn so với năm 2006. Như vậy có phải chúng ta còn thừa lúa gạo?

Theo cân đối chung, tổng nhu cầu trong nước khoảng 28,5 triệu tấn thóc (để ăn 20,2 triệu tấn, chăn nuôi 7,2 - 7,5 triệu tấn, để giống 1,1 - 1,2 triệu tấn). Trong khi đó, sản lượng lúa cả nước năm 2007 ước đạt 35,5 triệu tấn. Như vậy chỉ còn dư 7 triệu tấn lúa - tương đương với 4 triệu tấn gạo dùng để xuất khẩu. Nếu cộng cả tồn kho năm 2006 sang nữa cũng chỉ xuất khẩu được trên 4 triệu tấn với điều kiện thiên tai, dịch bệnh không ảnh hưởng lớn. Từ nay đến cuối năm vẫn còn có thể có bão lũ lớn xảy ra.

* Hiện nay, giá gạo xuất khẩu đã tăng khoảng 10 USD/tấn và ở mức 325 USD/tấn, nếu chúng ta cho tăng chỉ tiêu xuất khẩu thì giá lúa của nông dân có thể tăng cao?

* Đúng là hiện nay giá gạo lên cao, xuất khẩu sẽ có giá trị lớn hơn, nhưng không có nghĩa là giá gạo sẽ xuống trong thời gian tới. Theo dự báo của chúng tôi, năm 2008 giá gạo vẫn còn có thể tăng nữa. Theo cân đối của Bộ NN-PTNT, nếu cho xuất khẩu thêm sẽ không bảo đảm an ninh lương thực, đặc biệt là thời gian từ tháng 1 đến tháng 4-2008. Nếu xảy ra thiếu lương thực, giá trong nước lên cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới người tiêu dùng trong nước.