Quy hoạch ngành mía đường đến năm 2010: Chỉ đạt một chỉ tiêu!
Được đăng : 03/11/2016
Nhằm tạo điều kiện cho ngành mía đường phát triển ổn định, Chính phủ đã có Quyết định số 26/2007/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch phát triển mía đường đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Tuy nhiên, tới nay mới có duy nhất một chỉ tiêu đạt được kế hoạch đề ra. Vậy đâu là nguyên nhân?
Giống quá cũ
Ông Đoàn Xuân Hòa, Phó cục trưởng Cục Chế biến thương mại nông, lâm, thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết, theo quy hoạch phát triển mía đường đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 thì đến năm 2010 diện tích mía đạt 300.000ha, năng suất bình quân 65 tấn/ha, chữ đường bình quân 11CCS, sản lượng mía 19,5 triệu tấn, tổng công suất nhà máy đường 105.000 tấn mía/ngày, sản lượng đường sản xuất 1,5 triệu tấn (trong đó đường công nghiệp là 1,4 triệu tấn). Tuy nhiên, đến nay, diện tích mía cả nước mới đạt 265.000ha; năng suất mía bình quân 51,7 tấn/ha; chữ đường bình quân 9,7CCS; sản lượng mía 13,7 triệu tấn... Trong số các chỉ tiêu này duy chỉ có tổng công suất nhà máy là vượt chỉ tiêu với 105.750 tấn mía/ngày. “Đó cũng là nguyên nhân giải thích vì sao năm 2010, nước ta phải nhập khẩu tới 200.000 tấn đường”, ông Hoà khẳng định.
Lý giải điều này, ông Hòa cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay của ngành vẫn là bài toán nguyên liệu. Từ năm 1999 đến nay, năng suất, chất lượng mía không có gì đột biến. Do đó, hiệu quả trồng mía kém hơn những cây trồng khác, vùng nguyên liệu của các nhà máy luôn biến động.
Cùng chung nhận định này, ông Phan Huy Thông, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt khẳng định, năng suất mía những năm gần đây đạt gần 60 tấn/ha, tuy nhiên trên thực tế, năng suất đưa vào chế biến đường niên vụ 2009 - 2010 chỉ đạt 51,7 tấn/ha. Nguyên nhân của sự sụt giảm năng suất này là do bà con vẫn sử dụng tới 60% giống cũ.
Điều đáng nói, hiện nay do sự cạnh tranh của các cây trồng khác nên những vùng mía tập trung bị giảm mạnh về diện tích, đặc biệt ở các tỉnh Bắc Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Đơn cử ngay trong vụ ép 2009-2010, sản lượng mía toàn miền Bắc chỉ đạt khoảng 2,52 triệu tấn, giảm 300.000 tấn so với vụ ép trước. Xuất phát từ thực tế này, Bộ Nông nghiệp và PTNT nhận định, khó có đủ nguyên liệu đáp ứng cho vụ ép 2010-2011.
Cần chính sách hỗ trợ đồng bộ
Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, đến năm 2015, cả nước sẽ phát triển khoảng 300.000ha mía. Sản lượng mía vụ ép 2010- 2011 đạt 11 triệu tấn, đáp ứng 69% công suất các nhà máy đường và chủ động giống cho trồng mới vụ 2011-2012. Tuy nhiên, do đặc điểm địa hình, thời tiết và khí hậu cũng như tập quán canh tác của người dân cũng như các chính sách hiện hành, nếu không có biện pháp tác động hữu hiệu thì trong khoảng vài năm tới, ngành mía đường rất khó có thể tạo được đột phá để nâng cao năng suất, sản lượng mía.
Trước thực tế này, Cục Trồng trọt yêu cầu trước mắt, để nâng cao sản lượng mía đáp ứng cho vụ ép tới các cấp chính quyền địa phương, các công ty đường cần tổ chức hướng dẫn người trồng mía tăng cường các biện pháp kỹ thuật trong sản xuất, thâm canh nâng cao năng suất để cây mía có đủ khả năng cạnh tranh với cây trồng khác khi giá đường hạ thấp. Doanh nghiệp phải chia sẻ lợi ích với người trồng mía, đồng thời có chính sách khuyến khích đầu tư phù hợp như hỗ trợ vốn, vật tư sản xuất...
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách khuyến khích tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng theo Quyết định 80 của Thủ tướng Chính phủ. Cải tiến khâu thu mua mía theo hướng không mua mía xô mà mua mía theo chữ đường.
Hiện, Chính phủ đã có Nghị quyết 48/NQ-CP về cơ chế, chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản, trong đó có các chính sách hỗ trợ cơ giới hóa trong canh tác và thu hoạch. Vì vậy, các công ty phải chủ động phối hợp với các địa phương triển khai, đồng thời có chính sách riêng, tạo điều kiện hỗ trợ nông dân sắm mua móc, đẩy mạnh việc cơ giới hóa trong sản xuất mía.
Nhiều ý kiến cho rằng, để có thể tạo bước đột phá cho ngành mía đường, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ khuyến khích đồng bộ đối với ngành mía đường nói chung và người trồng mía nói riêng.