Quy hoạch sản xuất và tiêu thụ muối
Được đăng : 03/11/2016
Sau ba năm thực hiện Quyết định 161/QÐ-TTg ngày 5-2-2007 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phát triển muối và bàn biện pháp phát triển sản xuất, tiêu thụ muối, đến nay, diện tích sản xuất muối của cả nước hơn 15.200 ha, đạt mục tiêu tổng thể, nhưng chưa đạt yêu cầu về cơ cấu diện tích sản xuất muối công nghiệp và muối thủ công.
Dự tính, sản lượng muối cả nước năm nay khoảng 1,1 triệu tấn, mới bằng 73,3% mục tiêu đề ra, trong đó, sản lượng muối công nghiệp khoảng 300 nghìn tấn, chỉ đạt 37,5% so mục tiêu. Các cơ sở chế biến muối tinh, muối trộn i-ốt được đầu tư xây dựng nhiều, nhưng chưa hoạt động hết công suất, nên giá thành còn cao, hiệu quả kinh tế thấp và chưa đạt mục tiêu.
Việc tổ chức tiêu thụ muối, điều hành giá cả được quan tâm, bảo đảm hài hòa lợi ích của diêm dân và doanh nghiệp, nhưng vẫn chưa kịp thời. So năm 2009, năm nay giá muối giảm khá nhiều, gây khó khăn cho sản xuất và đời sống của diêm dân. Hiện tại, lượng muối trong dân còn tồn đọng khoảng 525 nghìn tấn. Mới đây, nhờ triển khai thu mua tạm trữ 200 nghìn tấn muối, nên giá muối trên cả nước đã chững lại, không tiếp tục bị rớt giá. Trong khi đó, sáu tháng đầu năm nay, cả nước lại nhập khẩu khoảng 230 nghìn tấn muối với tổng giá trị hơn 11 triệu USD và lượng muối xuất khẩu thì không đáng kể. Ba năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ khoa học kỹ thuật ngành muối chưa được quan tâm đúng mức, cán bộ chuyên môn ngành muối còn thiếu và yếu.
Thời gian tới, sẽ tiếp tục đầu tư phát triển các đồng muối công nghiệp ở khu vực miền trung, nhất là các tỉnh có điều kiện thuận lợi là Ninh Thuận, Bình Thuận và Khánh Hòa. Cùng với đó, chú trọng đưa nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tế sản xuất muối để không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng, góp phần ổn định đời sống diêm dân. Nhiều ý kiến tại hội nghị cũng đã đề cập đến việc dự trữ, chế biến và tiêu thụ muối...
Từ thực tiễn ngành muối trong ba năm qua, Bộ NN và PTNT đã kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ nhiều vấn đề nhằm giảm bớt khó khăn cho bà con diêm dân. Trước hết, phải tăng cường quản lý chặt chẽ việc nhập khẩu muối. Hỗ trợ các hộ diêm dân trong vùng quy hoạch sản xuất muối được vay vốn tín dụng đối với hộ nghèo tại Ngân hàng Chính sách xã hội, được hỗ trợ lãi suất với thời hạn vay là 36 tháng và số vốn được vay từ 40 đến 50 triệu đồng/ ha. Có các chính sách hỗ trợ lâu dài cho diêm dân để đời sống của bà con bớt khó khăn; ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng muối gắn với đầu tư xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, tăng cường đầu tư nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất, chế biến và đa dạng hóa các sản phẩm muối.