00:00 Số lượt truy cập: 3041802

Quy trình GAP, hướng đi tất yếu 

Được đăng : 03/11/2016
Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, nước ta có nhiều tiềm năng sản xuất và xuất khẩu rau, hoa, quả và cây cảnh. Đây chính là cơ sở để Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt Quy hoạch rau quả và hoa, cây cảnh đến năm 2010, tầm nhìn 2020 vào tháng 7/2007. Tuy nhiên, trước thực tế sản xuất còn manh mún, nhiều chuyên gia lo ngại quy hoạch này có thể sẽ dẫm vào “vết xe đổ” của một đề án trước đây nếu không có những giải pháp thiết thực và đồng bộ

Xa vời mục tiêu xuất khẩu, sản xuất nhỏ lẻ, không tập trung, nhà máy thiếu nguyên liệu, đầu tư dàn trải... là những nguyên nhân khiến Đề án rau quả và hoa, cây cảnh giai đoạn 1999-2010 (gọi tắt là Đề án rau quả) với số vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng của Bộ Nông nghiệp và PTNT thất bại. Bài học rút ra từ Đề án này chính là hãy đặt ra những mục tiêu sao cho sát thực tế, không nên chạy theo phong trào.

Xa vời mục tiêu xuất khẩu

Mục tiêu mà Đề án rau quả đặt ra là, đến năm 2010 tiêu thụ nội địa cho cây rau đạt 80 kg/người/năm, kim ngạch xuất khẩu đến năm 2005 đạt 350 triệu USD và 1,1 tỷ USD vào năm 2010.

Không cần chờ tới mốc thời gian quy định, đến năm 2006, sản lượng rau của cả nước đã đạt 9,6 triệu tấn, bình quân 100 kg/người/năm. Như vậy, mục tiêu đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ rau trong nước của Đề án đã hoàn thành.

Trong khi đó, cái đích kim ngạch xuất khẩu đạt 1,1 tỷ USD vào năm 2010 được nhiều người cho là “không tưởng” bởi thực tế, kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2004 mới đạt 60% kế hoạch so với chỉ tiêu đề ra năm 2005 và bằng 20% năm 2010. Đến năm 2006, tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước mới chỉ đạt 280 triệu USD. Để đạt được mục tiêu mà Đề án đặt ra, trong những năm tiếp theo, ngành rau quả phải phấn đấu kim ngạch hàng năm tăng 100 triệu USD, tốc độ tăng bình quân khoảng 50%/năm, trong khi đó, tỷ trọng xuất khẩu của ngành chỉ chiếm 3-5% tổng sản lượng hàng năm, thậm chí một vài năm trở lại đây kim ngạch xuất khẩu có xu hướng giảm.

Sản xuất rau an toàn ở phường Giang Biên
(Long Biên - Hà Nội).


PGS. TS Trần Khắc Phi, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) cho rằng, Đề án rau quả bộc lộ nhiều bất cập như mục tiêu đề ra chưa sát, xác định đối tượng cây trồng chưa chuẩn, tập trung đầu tư quá lớn cho các nhà máy chế biến.

Nhiều ý kiến cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến Đề án rau quả thất bại là do nhiều loại rau được đầu tư, trồng xuất khẩu như măng tây, khoai sọ, đậu tương,... có giá trị thấp. Bên cạnh đó, sản lượng rau bình quân đầu người tuy vượt 40% so với yêu cầu, nhưng người tiêu dùng vẫn chưa thật sự yên tâm về chất lượng. Cho đến nay, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên rau quả vẫn còn là bài toán khó giải của ngành nông nghiệp.

Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT) Nguyễn Trí Ngọc thừa nhận, khi xây dựng Đề án rau quả, do chưa tính đến yếu tố nước ta gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nên nhiều chỉ tiêu đặt ra, nhất là kim ngạch xuất khẩu đã không sát và đổ vỡ là tất yếu.

Sản xuất manh mún, chưa hình thành vùng hàng hoá

Năm 1999, Bộ Nông nghiệp và PTNT ký tờ trình gửi Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển rau quả và hoa, cây cảnh giai đoạn 1999 -2010 với tổng vốn là 16.080 tỷ đồng. Tuy nhiên, Chính phủ chỉ phê duyệt một mục tiêu định lượng là xuất khẩu đến năm 2010 đạt 1,1 tỷ USD. Sau gần 8 năm triển khai, Đề án phải dừng lại vì mục tiêu khó đạt, xa rời thực tế. Tháng 7/2007, Đề án này được thay thế bằng Quy hoạch phát triển rau quả và hoa, cây cảnh đến năm 2010 và tầm nhìn 2020.

Việc nông dân vẫn sản xuất theo kinh nghiệm và phương pháp truyền thống, diện tích manh mún, nhỏ lẻ (bình quân 200-300m2/hộ cho rau và 1.000m2/hộ cho hoa hoặc quả) cũng góp phần khiến Đề án khó thành hiện thực. Trong khi đó, hạ tầng cơ sở yếu, lại thiếu đồng bộ, thường phải sử dụng chung với cây lương thực và cây công nghiệp nên khó đảm bảo chất lượng.

Công tác quy hoạch vùng nguyên liệu còn nhiều bất cập, chưa cụ thể cho từng vùng, địa phương và loại rau quả. Việc xác định quy mô, địa điểm một số cơ sở chế biến chưa phù hợp với khả năng cung cấp nguyên liệu trong điều kiện sản xuất nông nghiệp còn lạc hậu, điểm xuất phát thấp. Thậm chí, một số doanh nghiệp chưa coi trọng phát triển vùng nguyên liệu, đùn đẩy trách nhiệm cho địa phương khiến tình hình sản xuất luôn trong tình trạng bị động, thiếu nguyên liệu.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Huy Ngọ chỉ rõ, Đề án rau quả mới chỉ ưu tiên đầu tư xây dựng nhà máy mà bỏ ngỏ việc phát triển vùng nguyên liệu, áp dụng công nghệ bảo quản sau thu hoạch, lựa chọn giống cây trồng có chất lượng, năng suất cao... Hệ thống quản lý, cung cấp giống cho nông dân chưa hoàn chỉnh, thiếu đồng bộ. Đây là nguyên nhân dẫn tới sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, không hình thành các vùng nông sản hàng hóa tập trung.

Hội chứng nhà máy to, vùng nguyên liệu nhỏ

Nhiều ý kiến cho rằng, thất bại lớn nhất của Đề án rau quả chính là việc không gắn kết được nhà máy chế biến với vùng nguyên liệu. Theo Cục Chế biến, Thương mại nông - lâm - thuỷ sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và PTNT), cả nước hiện có 24 nhà máy và 48 cơ sở chế biến. Tuy nhiên, hầu hết các nhà máy luôn trong tình trạng “đói” nguyên liệu. Nhà máy hoạt động cao nhất mới chỉ đạt 60% công suất, cá biệt có nhà máy gần như chỉ hoạt động 1-2% công suất.

Công ty Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Ninh Bình) có 4 dây chuyền sản xuất với công suất chế biến nước dứa cô đặc là 5.000 tấn, nước quả tự nhiên 1.500 tấn, đông lạnh IQF 1.500 tấn và dứa hộp 10.000 tấn sản phẩm/năm. Hàng năm, diện tích trồng dứa của Công ty lên tới 3.350ha, trong đó có 1.630ha dứa kinh doanh, sản lượng 36.000 - 38.000 tấn/năm. Tuy nhiên, sản lượng trên cũng chỉ đủ cho dây chuyền sản xuất dứa đồ hộp. Nếu chạy đủ công suất, Công ty sẽ thiếu nguyên liệu trầm trọng.

Một trường hợp khác là Công ty Thực phẩm xuất khẩu Kiên Giang. Mặc dù tọa lạc giữa vùng nguyên liệu rộng lớn 9.000ha dứa, song, nhà máy vẫn hoạt động cầm chừng vì đây là vùng cung cấp dứa cho các nhà máy chế biến tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Mặt khác, vùng sản xuất dứa chủ lực của Kiên Giang thường bị lũ lụt nên việc canh tác không ổn định. Bản thân công ty này cũng có một nông trường rộng tới 2.800ha, song, chỉ trồng được 540ha, cho 700 tấn quả/vụ, đáp ứng gần 20% nhu cầu nguyên liệu.

Ngoài dứa, cà chua nguyên liệu cũng không đáp ứng đủ nhu cầu chế biến. Liên tiếp trong nhiều năm liền, Nhà máy Chế biến cà chua Hải Phòng lao đao vì thiếu nguyên liệu sản xuất. Hàng loạt biện pháp đã được triển khai để có vùng nguyên liệu như hỗ trợ giống, ký kết hợp đồng với nông dân..., song đều không đem lại hiệu quả do trục trặc về thời tiết, giống, sâu bệnh, cơ chế thu mua. Vụ đầu tiên (1999 - 2000), nhà máy chỉ sản xuất được 80 tấn sản phẩm (đạt 2,1% công suất), vụ tiếp (2001-2002) thu mua được 1 tấn (đạt 0,03%) và vụ 2003-2004 khoảng 50 tấn (đạt 1,3%). Từ đó đến nay, Nhà máy vẫn trong tình trạng tương tự.

Ông Phạm Quốc Doanh, Phó vụ trưởng Vụ Nông nghiệp (Văn phòng Chính phủ) nhận định, chúng ta chưa có định hướng cho nhà đầu tư nên hầu hết các cơ sở chế biến đều không hiệu quả. Sau một thời gian triển khai, tổng diện tích rau quả đạt 1,27 triệu hecta (đạt 97% kế hoạch so với mục tiêu 1,31 triệu hecta năm 2010), sản lượng gần 13,9 triệu tấn (bằng 70% kế hoạch). Tuy diện tích, sản lượng tăng, song tại khu vực sản xuất nguyên liệu tập trung cho chế biến công nghiệp thì năng suất, chất lượng rau quả còn thấp. Điều này cho thấy “lỗ hổng” lớn trong ngành chế biến rau quả và hoa, cây cảnh là hội chứng nhà máy to, vùng nguyên liệu nhỏ.

Bài học đắt giá của Đề án rau quả sẽ là cơ sở để những nhà quản lý khi đặt bút ký và triển khai quy hoạch mới phải cân nhắc nếu không muốn lặp lại sai lầm