Mặc dù VietGAP đã được ban hành và áp dụng vào thực tế sản xuất từ lâu nhưng cho đến nay nhiều nông dân vẫn chưa biết thông tin về quy trình này.
Ngay tại vùng sản xuất rau Đông Anh (Hà Nội), nơi nông dân tiếp cận nhanh với tiến bộ kỹ thuật và đã có truyền thống sản xuất rau an toàn nhưng vẫn có tới 18,33% số hộ được điều tra cho biết đã nghe nói về VietGAP nhưng chưa hiểu đúng quy trình. Và nếu so sánh điều kiện sản xuất thực tế của các hộ dân ở đây với quy trình VietGAP thì nhiều chỉ tiêu không đạt. Ví như, khâu giống, quy trình VietGAP yêu cầu phải xử lý mầm bệnh thì 100% số hộ được điều tra ở Đông Anh đều chưa làm việc này; tỷ lệ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo hướng dẫn bao bì chỉ đạt 3,33%; 100% sản phẩm sau thu hoạch để dưới đất trong khi quy trình VietGAP nghiêm cấm việc này; không có thói quen ghi chép nhật ký đồng ruộng trong khi theo tiêu chuẩn VietGAP, đây là điều bắt buộc.
Gía bán thấp do khó phân biệt
Không chỉ thiếu thông tin, nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP còn nản khi giá bán nông sản không cao hơn bình thường. Khu đất rộng 12ha của HTX Rau an toàn (RAT) Hòa Bình, xã Yên Nghĩa (Hà Đông - Hà Nội) được làm nhà lưới để ngăn ngừa sâu bệnh, hạn chế ảnh hưởng của thời tiết. Toàn bộ việc tưới tiêu cũng được xây dựng theo quy trình khép kín, nước giếng khoan sâu 60m đã qua xử lý bằng hệ thống lọc tiên tiến. Chị Nguyễn Thị Thơm, xã viên HTX cho biết, 314 hộ dân ở đây được tham gia khoá tập huấn kỹ thuật trồng và giám sát RAT theo tiêu chuẩn VietGAP. Sản phẩm cung cấp cho các trường học trong xã và một số cơ quan, đơn vị trên thành phố. Tuy nhiên, không phải nhà nào cũng bán được với giá thực của RAT.
Theo ông Trình Văn Vĩnh, Phó chủ nhiệm HTX, vùng RAT của HTX hình thành từ đầu năm 2006, với hơn 2ha. Ngay khi bắt tay vào sản xuất đã gặp không ít khó khăn về hạ tầng, đầu ra cho sản phẩm. Đến năm 2008, lãnh đạo địa phương mới đầu tư “mạnh tay”, chỉ đạo quyết tâm xây dựng thành công vùng RAT. Theo đó, HTX được đầu tư trên 1,1 tỷ đồng, xã viên đóng góp 600 triệu đồng để cải tạo hệ thống điện, nước, xây dựng nhà lưới. Cán bộ HTX lo “đầu ra”. Tuy nhiên, số lượng tiêu thụ không được là bao, chỉ chiếm 20% tổng sản lượng rau thu hoạch của bà con.
Tuy nhiên, đến nay HTX Hoà Bình vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận VietGAP dù tất cả xã viên đều đã thực hiện tốt quy trình này. Điều này khiến không ít nông dân nản.
Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT), sau hơn 4 năm thí điểm, mới chỉ có 5% diện tích trồng rau trên cả nước thực hiện được tiêu chuẩn VietGAP. Đây là con số quá nhỏ trong khi tiềm năng sản xuất, xuất khẩu của chúng ta rất lớn và yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm rất bức thiết.
TS. Trần Thị Bá (Đại học Cần Thơ) cho rằng, muốn trồng rau, quả theo tiêu chuẩn VietGAP, nông dân phải thực sự an tâm về đầu ra, bởi chi phí sản xuất cao, đầu tư nhiều (nhà lưới, phân bón...). Nhưng do chưa có các cửa hàng chuyên biệt bán rau an toàn hoặc xuất khẩu với số lượng lớn; do người tiêu dùng còn nghi ngờ nên giá rau an toàn không khác biệt nhiều so với rau thông thường bởi vậy canh tác theo ViệtGAP chưa thu hút được nông dân tham gia.
Khó tại...
TS. Nguyễn Văn Bộ, Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho rằng, nguyên nhân sâu xa của việc còn quá ít diện tích sản xuất áp dụng tiêu chuẩn VietGAP là do chưa tích tụ được ruộng đất, quy mô sản xuất nhỏ, phân tán, chủ yếu là hộ gia đình, quy trình kỹ thuật chưa đồng nhất giữa các địa phương. Nhưng nguyên nhân lớn hơn cả vẫn do nông dân chưa ý thức rõ ràng về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo TS. Phạm Văn Chương (Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Bắc Trung Bộ), vấn đề mấu chốt để sản xuất theo VietGAP còn khó khăn là do các cơ quan chức năng chưa có phương thức phân định rau an toàn với rau thông thường trên thị trường. Việc sử dụng các biện pháp kỹ thuật để phân định và quản lý chất lượng rau gặp khó khăn và thiếu thực tế, do rau quả là mặt hàng thực phẩm tươi sống, nhanh hỏng, được kinh doanh với khối lượng lớn, trên địa bàn rộng với nhiều người tham gia. Nếu đánh giá chất lượng bằng phương pháp cảm quan không bảo đảm độ tin cậy; còn xác định các chỉ tiêu vệ sinh an toàn thực phẩm bằng các phương pháp thí nghiệm thì đòi hỏi thời gian dài, ít nhất mất 2-3 ngày và chi phí quá lớn (1,5 - 3 triệu đồng/mẫu xét nghiệm).
Bên cạnh đó, việc quản lý trồng, chăm sóc và chất lượng rau, quả an toàn có nơi bị buông lỏng, không kiểm soát được khiến người tiêu dùng chưa tin tưởng vào chất lượng. Do còn nhiều vướng mắc từ quá trình triển khai nên quy trình VietGAP cho rau, quả dù đã được ban hành hơn 1 năm nhưng vẫn chưa thu hút được các doanh nghiệp và nông dân cùng tham gia.