Khoảng 2 giờ sáng, có mặt tại chợ đầu mối Yên Thường (Gia Lâm - Hà Nội), chúng tôi được chứng kiến từng đoàn xe thồ, xe cải tiến nối đuôi nhau vào chợ, trên xe chất đầy những thùng chứa rau, củ. Anh Nguyễn Văn Huân, lái buôn lâu năm trong chợ cho biết: “Rau Trung Quốc đấy. Vì đường xa nên chúng tôi phải đóng thùng để khỏi bị giập nát”. Lân la hỏi anh về nguồn gốc những thùng rau này, anh Huân tỏ vẻ e dè: “Chúng tôi chỉ biết lấy lại của những lái buôn khác từ Bắc Ninh chuyển về”.
Theo quan sát của chúng tôi, rau Trung Quốc được đưa về chợ Yên Thường có đủ chủng loại như: bắp cải, cải thảo, ớt xào, khoai tây, cà rốt, hành tây, cà chua, củ cải, gừng... Tại chợ đầu mối Vân Nội (Đông Anh), vốn được biết đến là nơi cung cấp các sản phẩm rau an toàn, tình trạng “vàng thau lẫn lộn” cũng diễn ra khi rau Trung Quốc đã len lỏi vào chợ.
Chị Nguyễn Thị Hải, tiểu thương tại chợ Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng) phàn nàn: “Việc rau ngoại tràn ngập thị trường không chỉ khiến người trồng rau khốn đốn mà còn làm khó người tiêu dùng. Khó nhất là phân biệt bắp cải và cải thảo Trung Quốc. Bắp cải và cải thảo Trung Quốc có hình thức đẹp, nhỏ, thân cao, màu xanh ngắt, lá xoăn và có thể giữ tươi 5 -7 ngày. Trong khi đó, cải bắp ta dáng bẹt, to, thân thấp, màu trắng. Có một điểm dễ nhận biết nữa là, rau Trung Quốc thường được đóng thùng, hoặc bọc ngoài bởi một lớp nylon, thậm chí bên ngoài còn có chữ Trung Quốc. Người mua nên căn cứ vào chi tiết đó khi mua hàng”.
Bà Nguyễn Thị Nhân, nông dân trồng rau ở Yên Thường tiết lộ, có một số đặc điểm rất khác biệt giữa rau ta và rau Trung Quốc mà nếu tinh ý, chỉ bằng mắt thường, các bà nội trợ cũng có thể nhận ra. Ví như: cà chua Trung Quốc quả dài, màu đỏ đồng đều hơn, da trơn láng, bóng; cà chua ta quả nhỏ, chín không đồng đều. Cà rốt Trung Quốc to, hình dáng thuôn dài và có màu đỏ đậm. Khoai tây Trung Quốc rất đều củ, tròn, to, trơn nhẵn, có ít “mắt”, lõi màu trắng hoặc vàng nhạt; còn khoai tây ta da bên trong vàng sậm hơn, củ nhỏ hơn. Su su Trung Quốc thường to hơn của ta, các rãnh củ rất nông, da trơn. Củ cải trắng Trung Quốc vỏ trơn nhẵn, to đẹp, có thể để hơn 10 ngày mà không hỏng.
Nông dân vựa rau ngán ngẩm
Đến cánh đồng Yên Viên, nơi được coi là vựa rau của Hà Nội những ngày này, chúng tôi mới thấm thía nỗi vất vả của bà con nông dân. Bà Nguyễn Thị Thu cho biết: “Gia đình tôi trồng 3 sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2) rau. Trước đây, trung bình mỗi tháng, tôi thu được khoảng 4 triệu đồng nhưng cả tháng nay quần quật từ sáng tới tối mà chỉ được hơn 1 triệu đồng. Đấy là do tôi trực tiếp mang lên chợ bán, chứ nếu chờ lái buôn đến thì họ trả rẻ hơn nhiều”.
Chị Đào Thị Ngạn, lái buôn ở chợ Nguyễn Công Trứ ngán ngẩm cho biết: “Thông thường, người kinh doanh cất rau từ Bắc Ninh, Hưng Yên và các xã ngoại thành rồi lại đem sang các chợ nội thành để bán. Nhưng hơn tháng nay, không hiểu rau Trung Quốc từ đâu tràn về nhiều thế, người buôn và cả người bán đều lãnh đủ”.
Có thể thấy, lượng rau Trung Quốc tràn vào Việt Nam ngày càng nhiều. Trong khi đó, việc kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm mới chỉ quản lý phần ngọn. Thiết nghĩ, để rau ngoại không lấn át rau nội, đảm bảo quyền lợi của người nông dân, rất cần sự phối hợp giữa Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng chính quyền các địa phương trong việc kiểm soát nguồn gốc các loại rau trước khi tiêu thụ trên thị trường. Ngoài ra, Nhà nước cũng cần xem xét lại những chính sách về nhập khẩu, phát triển kinh tế vùng biên mậu liên quan đến vấn đề thực phẩm.