00:00 Số lượt truy cập: 2995965

Rau xanh chết rét, giá cao ngất ngưởng 

Được đăng : 03/11/2016
Khắp miền Bắc đang trải qua một đợt rét đậm, rét hại kéo dài. Đợt rét hiếm gặp trong lịch sử này khiến một lượng lớn hoa màu bị chết rét. Đi kèm với đó, người tiêu dùng phải chấp nhận mua rau xanh với cái giá cao ngất.

 

Hôm qua 13.2 là ngày thứ 31 liên tiếp các tỉnh miền Bắc phải đối mặt với rét đậm, rét hại. Đợt rét hại kéo dài làm những vùng trồng rau quanh Hà Nội rơi vào tình trạng không đủ rau xanh để cung cấp. Nguyên nhân là một phần lớn rau trồng để thu hoạch trong đợt Tết và sau Tết bị hỏng, hoặc tăng trưởng rất chậm.

Tại vùng trồng rau xóm Nét, thôn Trung Oai, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, bác Nghiêm Đình Tá chậm từng bước lội trong dòng nước vừa được xả từ mương dẫn vào ruộng rau cải làn. "Sống gần cả đời người với nghề trồng rau mà tôi chẳng thấy năm nào lại rét đậm kéo dài như cái mùa đông năm nay. Rau trồng đến cả tháng trời, phân bón gốc, làm cỏ liên tục, nước vào ruộng đều đặn... mà chẳng thấy lớn gì cả, nom như con giống mới xuống ruộng", bác Tá nói với nét mặt lộ rõ vẻ âu lo. Được biết gia đình nhà bác Tá trồng 1,3 sào rau cải làn nhưng đã ngoài 3 tháng mà chưa thể cắt rau mang bán (thông thường, với thời tiết như mọi năm, chỉ 40 - 45 ngày là cải làn cho thu hoạch). 

Cách ruộng cải làn không xa, hơn 3 sào súp lơ nhà bác Nguyễn Thị Phẫn cũng trong tình cảnh có trồng mà không có thu hoạch. Thân cây cao quá hai gang tay đo của người lớn, lá nhiều, xanh mượt nhưng tuyệt nhiên không hề có bông lơ. Bác Phẫn buồn rầu: "Bao nhiêu phân tro, thuốc diệt sâu, công làm cỏ... vào hết lá. Nếu thời tiết như mọi năm, chưa đến 3 tháng là có thể cắt lơ đem bán. Trời rét dài quá, đã hết tháng thứ tư rồi mà chẳng thấy trổ lơ. Khéo hết tuần nhổ cây về cho bò ăn lá cũng nên".

Tương tự là 3 sào ớt xanh của gia đình anh Nguyễn Hữu Bảo, Anh cho biết trung bình mỗi vụ, 3 sào ớt nhà anh cho thu hoạch trên 6 tấn quả. Nhưng riêng năm nay, đã gần hết vụ mà anh chưa hái được đến 2 tấn. Nguyên nhân được anh Bảo đưa ra là cây ớt không ra hoa, hoặc có ra nụ hoa nhưng bị gió lạnh thổi táp, xoăn - rụng trắng gốc. Xót xa hơn là những luống ớt cho đậu quả, gần tới ngày cho thu hoạch, đột nhiên cây vàng do thối gốc khiến quả đỏ ửng, héo quắt lại không thể nào mà mang bán được.

Giống cây su hào vốn chịu rét tốt là vậy, nhưng cũng bị ảnh hưởng bởi đợt rét hại. Bằng chứng là thời gian cho thu hoạch kéo dài hơn 2 tháng, chứ không phải một tháng. "Củ thì nhỏ quắt mà vỏ đã vàng xuộm hết cả lại. Như vậy là củ su hào không to được nữa đâu. Củ nào to được thì cũng bị nứt toác làm hai, làm ba thôi", bác Trần Thị Thanh chủ nhân thửa ruộng trồng 2,5 sào xu hào nhận xét. 

"Giời này có rau mà ăn cũng là may lắm rồi. Nhà chị phải huy động cả hai cháu ra đồng giúp bố mẹ phủ ni - lon, rắc trấu thế mà cần vẫn bị táp đen lá, còn thân thì ngắn. Nhiều nhà xuống giống rau muống, rau cải che chắn cả đấy nhưng vẫn bị thối ngọn, vàng gốc... chết hàng loạt", chị Nguyễn Thị Hoa (xã Vân Nội, Đông Anh), người trồng rau tại đây cho biết.

Rau tại những vùng cung cấp về Hà Nội bị hỏng vì thời tiết giá rét kéo dài là nguyên nhân khiến giá rau tại các chợ tăng vùn vụt. Nắm được tình hình, có không ít hộ trồng rau đem thẳng rau ra các chợ Hà Nội bán, mà không qua lái buôn rau, với hy vọng gỡ được chút vốn mua phân, thuốc vì rau kéo dài thời gian sinh trưởng. Trong ngày 13.2 giá một số loại rau bán tại chợ Cầu Giấy như sau: rau muống cằn, lá vàng, to cỡ bàn một bàn tay người lớn được bán với giá 12.000đ/mớ; bó rau cần thân có màu tía vì rét, to như cổ tay - phải mua nhanh, cũng có giá 10.000đ/bó; cải canh bé xíu được bán với giá 3.000đ/mớ... Chị Trần Kim Hiền (phường Kim Mã, quận Ba Đình), một người mua rau than phiền: "Mình phải mua mất hơn 200.000đ mới đủ rau cho nồi lẩu sáu người ăn".