Các đô thị dọc tuyến QL1 như Tân An, Vĩnh Long, Cần Thơ, các thị tứ nhỏ hơn như Cai Lậy, Cái Bè, An Hữu đều bị rầy bu ngay từ chập tối khiến cho mọi hàng quán đều phải đóng cửa. Hành lá, dầu gió, lá cây trứng cá…những vật liệu có khả năng đuổi rầy đều được dân huy động nhưng con người vẫn bất lực.
Theo phản ánh của người dân, đợt rầy di trú lần này nổ ra đầu tiên tại Long An vào khoảng ngày 26 – 27/5, sau đó 2 ngày đến lượt Tiền Giang, tiếp đó là Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh và hiện nay đang là Cần Thơ, Hậu Giang. Người dân gọi là rầy ngoài kế hoạch vì không thấy các cơ quan nhà nước báo động gì về đợt rầy này như các đợt trước đó, bởi từ ngày áp dụng gieo sạ đồng loạt né rầy để chống RN, VL-LXL thì mỗi đợt rầy nâu di trú với số lượng lớn các cơ quan đều cảnh báo để người dân biết đề phòng.
Rầy “ngoài kế hoạch” ở đâu ra? Điều chắc chắn là từ một vùng lúa nào đó vào kỳ thu hoạch làm cho rầy hết chỗ ở phải bay đi tìm chỗ mới. Có phỏng đoán là rầy từ Campuchia "vượt biên" qua nhưng khó có căn cứ, bởi lẽ nếu đúng vậy thì các thị tứ dọc tuyến biên giới phải bị đổ bộ trước mới đúng. Chắc chắn là rầy nội địa. Lần theo báo cáo tiến độ gieo sạ thì nhận định trên càng được củng cố. Theo đó, Long An có khoảng 10.000 ha, Tiền Giang có 40.000 ha, Đồng Tháp có 14.000 ha, Vĩnh Long có 4.000 ha, Trà Vinh có 28.000 ha, Hậu Giang có 3.000 ha…Đây là những trà lúa được gọi là vụ XH có thời điểm thu hoạch trùng với đợt rầy di trú.
Vì sự an toàn của SX lúa gạo của cả ĐBSCL, đảm bảo ANLT thì việc sắp xếp lại thời vụ, bỏ XH để tập trung cho HT và vụ TĐ, cắt cầu nối luân chuyển của RN là việc cần thiết. Tuy nhiên làm sao để sắp xếp, bố trí lại thời vụ theo định hướng trên? Sẽ là rất khó khăn nếu nhà nước không có chính sách cho vùng chuyển đổi, bao gồm việc đầu tư hạ tầng, chuyển giao kỹ thuật để bố trí lại hệ thống canh tác sao cho thu nhập của người dân cao hơn thu nhập từ lúa XH.
Nơi nào làm lúa vụ này? Long An thì phần lớn ở huyện Tân Thạnh, Tiền Giang thì ở các huyện phía bắc QL1, bao gồm Cai Lậy, Cái Bè, Vĩnh Long là Trà Ôn, Vũng Liêm, Trà Vinh là Càn Long, Cầu Kè, Đồng Tháp là Tân Hồng, Tháp Mười…Đặc điểm của những vùng đất này hoặc thường là vùng đất ngập sâu, lũ đến sớm, hoặc là vùng đất cao không chủ động nước. Tổng diện tích vụ XH không lớn và không ổn định, nếu năm nào lũ rút sớm thì diện tích lớn và ngược lại. Theo ghi nhận của Cục Trồng trọt thì diện tích thường biến động trong khoảng 100– 150.000 ha, năng suất biến động trong khoảng 3,5 – 4,2 T/ha.
Sự nguy hiểm của vụ lúa này chính là hơn 1 triệu ha lúa HT chính vụ đang trong thời kỳ đẻ nhánh, làm đòng, là điều kiện lý tưởng cho chúng đẻ trứng để bắt đầu vòng đời mới, lúc ấy buộc người dân phải đổ hàng trăm tấn thuốc trừ sâu ra đồng làm năng suất và hiệu quả đều giảm, sức khỏe người lao động, cộng đồng và môi trường bị đe dọa. Nguy hiểm hơn, lúa XH là cầu nối cho rầy nâu di chuyển từ vụ ĐX sang vụ HT chính vụ, để từ đó nối tiếp sang vụ ĐX. Trong vòng luân chuyển đó không những chúng có thể tích lũy số lượng và bùng phát thành dịch bất kể lúc nào, mà còn rèn luyện cho sức sống quần thể rầy cũng tăng lên làm cho đặc tính kháng của giống nhanh chóng bị mài mòn và biến mất.