00:00 Số lượt truy cập: 3047922

''Rớt mồng tơi'' trở thành tỷ phú! 

Được đăng : 03/11/2016
Từ một nông dân tay trắng, với ý chí và sự cần cù, anh Võ Quan Huy (ở xã Hiệp Hòa, huyện Đức Hòa, Long An) đã tạo được cơ ngơi đồ sộ với khoảng 400 ha đất trang trại trải dài từ Long An sang Bình Dương, Tây Ninh và cả Sóc Trăng. Mọi người gọi anh Huy là "nông dân đời mới", làm giàu từ mô hình trang trại, hàng ngày "cưỡi" xe 4 bánh đi thăm đồng…

Chinh phục đồng hoang

Sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn Hiệp Hòa, Võ Quan Huy chọn nghề nông làm kế sinh nhai. Gia đình đông người nhưng đất ít nên đời sống khó khăn, Huy phải lang thang khắp nơi kiếm sống. Năm 1982, khi nghe vùng Tân Uyên (Bình Dương) chủ trương khuyến khích phát triển kinh tế mới, sẽ trồng 5.000 ha mía cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy đường, Huy là một trong những hộ đầu tiên xung phong nhận 70 ha đất trồng mía.

Những ngày đầu chân ướt chân ráo lên khai thác đất hoang khô cằn, khắc nghiệt, lại thiếu vốn đầu tư nên mấy vụ liền mía chết hàng loạt, lỗ nặng. Nợ nần tùm lum, vợ con khuyên bỏ cuộc về quê làm thuê kiếm sống nhưng anh quyết tâm ở lại chinh phục vùng đất khó.

Đầu tiên, anh tìm hiểu nguyên nhân khiến mía chết nhiều và biết được là do đất cát, nắng nóng, chăm sóc không đúng kỹ thuật… Không ngại khó, anh Huy lấy từng mẫu đất đem đến các viện, trường, nhờ các nhà khoa học xét nghiệm và tư vấn cách làm cho phù hợp.

Nếu như trước đây xuống giống mía vào tháng 2 nắng gắt thì nay anh điều chỉnh thời vụ xuống giống tháng 9, tháng 10 khi còn mưa. Lúc này thời tiết mát dịu, cộng với quy trình chăm sóc hợp lý nên cây mía từng bước thích nghi với vùng đất hoang Tân Uyên.

Năng suất mía tăng dần từ 20 tấn/ha lên 30 tấn/ha rồi 40 tấn/ha và đạt 60 - 70 tấn/ha… khiến nhiều người ngạc nhiên. Cây mía tạo được chỗ đứng đã giúp kinh tế gia đình từng bước ổn định. Có điều kiện canh tác, anh Huy tiếp tục tìm kiếm "đất hoang" để mở rộng quy mô sản xuất. Nghe bạn bè giới thiệu ở huyện Trảng Bàng (Tây Ninh) có chủ trương cho thuê đất trồng mía, anh liền tìm tới dò hỏi và xin thuê 70 ha.

Năm đầu tiên do đất chưa cải tạo hoàn chỉnh nên thất mùa, anh Huy bị lỗ vốn. Rút kinh nghiệm, anh làm đất kỹ lưỡng, cày xới chu đáo và tăng cường bón phân hữu cơ. Đất không phụ người có lòng, năng suất mía tăng lên 60 tấn/ha. Các nhà máy tìm xuống tận ruộng thu mua và hỗ trợ thêm phương pháp sản xuất. Tiền lời thu từ cây mía mỗi năm lên đến hàng trăm triệu đồng.

Chưa chịu dừng lại, anh tìm đến xã Mỹ Bình, huyện Đức Huệ (Long An) khai hoang 240 ha đất bưng để tiếp tục trồng mía. Lúc đầu do thiếu kênh thủy lợi, đất bị nhiễm phèn nên sản xuất không hiệu quả. Thế là anh Huy bỏ tiền túi ra thuê đào kênh, xả phèn, làm đê bao chống lũ, đồng thời đầu tư cơ giới hóa trong việc trồng và chăm sóc mía. Chẳng bao lâu, cây mía bám rễ trên đất Mỹ Bình và được các nhà máy đường thu mua giá cao. Ngoài việc tạo thu nhập cho bản thân mình, anh Huy còn mở ra hướng làm ăn cho nhiều người dân trên vùng đất khó.

Sản xuất đa canh

Thành công với cây mía đã giúp anh Huy từ khó khăn vươn lên khá giả, tuy nhiên anh chưa bằng lòng mà tiếp tục tìm những mô hình có hiệu quả kinh tế cao hơn. Để tránh bài học cay đắng mà nhà nông thường gặp phải là "được mùa - dội chợ - rớt giá", anh Huy mở rộng sang các loại cây trồng khác như cam, quýt, đu đủ, xoài, thanh long, dưa hấu… "Mùa nào, cây đó", trang trại của anh lúc nào cũng có thu hoạch.

Ngoài việc trồng mía, rau màu và cây ăn trái, anh Huy còn đầu tư mua máy xới, máy làm đất phục vụ sản xuất ở trang trại và làm dịch vụ để tăng thêm thu nhập. Năm 2000, trong lần đi đào đất ở vùng Long Phú (Sóc Trăng), thấy người dân nuôi tôm trúng đậm, anh liền đầu tư vốn mua 14 ha đất đào ao nuôi tôm sú. Vụ đầu do chưa hiểu kỹ thuật, không biết cách chăm sóc nên tôm chết la liệt, lỗ gần 1 tỷ đồng. Bao nhiêu tiền dành dụm mấy năm nhưng chỉ 1 vụ đã mất sạch và còn mang nợ.

Không nản chí, anh Huy lặn lội xuống Bạc Liêu, Cà Mau kiếm chuyên gia để học hỏi kinh nghiệm. Anh còn tìm tới Đại học Cần Thơ nhờ các thầy ở Khoa Thủy sản giúp sức… Tỷ lệ thiệt hại giảm dần và sau vụ 3, vụ 4… trở đi là có lời. Tích lũy được bao nhiêu, anh đầu tư hết để mua đất nuôi tôm. Chỉ vài năm trúng mùa, anh có trong tay gần 100 ha nuôi tôm công nghiệp, một con số mà ít nông dân nào có được.

Số tiền thu được từ các mô hình đa canh, anh tiếp tục đầu tư vào sản xuất. Đến nay, anh có khoảng 400ha đất ở nhiều tỉnh khác nhau nhưng hễ nghe nơi nào bán đất là tìm tới mua để mở rộng quy mô. "Tôi là người mê đất và ham làm nên không biết bao nhiêu là đủ. Còn nhiều mô hình cần thử sức nên không thể dừng lại mà phải tiến lên và làm nhiều hơn", anh tâm sự.

Chuyện "Hai Lúa" Võ Quan Huy từ "rớt mồng tơi" trở thành tỷ phú nhờ mô hình trang trại lan đi khắp nơi, nhiều người tìm đến hỏi "bí quyết" làm giàu, anh cười: "Chỉ có lòng quyết tâm, chịu cực, chịu khó. Quan trọng là khi quyết định trồng cây gì, nuôi con gì… phải nắm được nhu cầu thị trường, không nên làm theo phong trào".

Theo anh Huy, có quan điểm cho rằng làm nông nghiệp không giàu là chưa chính xác, mà nguyên nhân là do sản xuất nhỏ lẻ, thiếu tập trung. Anh chứng minh bản thân mình cũng giàu từ nông nghiệp nhưng phải thay đổi quan điểm sản xuất theo hướng "canh tác lớn". Bằng mô hình trang trại đa canh, sản xuất theo hướng hàng hóa, anh Huy là một trong những điển hình tiêu biểu của nông dân miền Tây vượt qua khó khăn để làm giàu trong thời kỳ mới.