00:00 Số lượt truy cập: 3049609

Rửa rau bằng nước cống: Hiểm hoạ phần cho người tiêu dùng! 

Được đăng : 03/11/2016
Thực trạng rửa rau bằng nước cống ở Hà Tây vẫn bị bỏ ngỏ. Các nhà nghiên cứu thì hốt hoảng khi được biết rau rửa bằng nước ở đâu!

 

Trong khi đó ông Trần Đáng, Cục trưởng Cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm hễ cứ nhắc đến vấn đề rau sạch lại kêu trời. Ông Đáng liên tục đưa ra những cảnh báo về sự quay trở lại của dịch tả và những loại bệnh tật khủng khiếp như: ung thư, viêm não, áp- xe gan, giun chui ống mật…liên quan đến sự mất vệ sinh trong ăn uống và vấn đề nhiễm khuẩn trong rau xanh.

Theo nghiên cứu của ngành y tế: rau bị nhiễm khuẩn dù nếu được rửa thông thường (qua 3 lần nước sạch) thì tỷ lệ nhiễm ký sinh trùng vẫn còn tới 51,9% và chỉ thấp hơn một chút khi sử dụng nước rửa chuyên dụng. Đặc biệt, các loại ấu trùng giun vẫn còn đeo bám trên rau đến 76,9% dù rau đã được rửa sạch theo cảm quan bên ngoài.

Còn theo TS Phùng Khắc Cam: Trong nước cống chứa hàng tỷ loại vi khuẩn gây bệnh, trong đó có vi khuẩn tả, thương hàn…các loại ấu trùng gây bệnh thường vào màng ngoài của rau, cố định ở đó rồi tạo thành ấu trùng nang nên khi rửa rất khó tách ấu trùng ra. Chúng chỉ bị tiêu diệt khi được nấu chín.

Tuy nhiên, với những loại rau rửa bằng nước cống, ngoài vấn đề nhiễm khuẩn cực kỳ cao thì khả nặng nhiễm kim loại nặng là rất lớn. Dù có được nấu chín thì kim loại nặng vẫn tồn tại trong rau và sẽ được đưa vào cơ thể người qua đường ăn uống.

Một số kim loại nặng (rất sẵn trong nước thải công nghiệp) vượt quá mức cho phép sẽ gây ngộ độc. Ngoài ra, một số kim loại khác xâm nhập vào cơ thể ảnh hưởng đến thần kinh, tóc, răng, da và có thể gây ung thư thì dù có được đun chín nó vẫn không hề mất đi. Kim loại nặng sẽ tích tụ lại trong cơ thể chờ ngày phát bệnh!

“Bên cạnh đó, trong quá trình tiếp xúc với rau nhiễm khuẩn tay, chân thường đã bị lây nhiễm. Tuy nhiên, không mấy ai để ý đến việc này. Không ai lại nghĩ đến việc, phải đi rửa tay bằng xà phòng sau khi rửa rau hay nhặt rau, người bán (trực tiếp thò tay xuống nước cống) thì càng ít nghĩ đến điều đó hơn. Và thế là những đôi bàn tay nhiễm khuẩn lại tiếp xúc với bát, đĩa, cầm thức ăn đưa cho người khác. Chính vì vậy, dù có ăn chín thì nhiều người vẫn nhiễm giun sán, khuẩn tả như thường”- TS Cam nhận định.