Việc triển khai Dự án Đầu tư, bảo vệ và phát triển rừng 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc gồm Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ trong thời gian qua đã tác động lớn đến nhận thức và tạo động lực để người dân thực hiện mục tiêu phủ xanh Cao nguyên đá. Đây là một trong những dự án quan trọng, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với người dân vùng cao Hà Giang. Vì vậy, ngay khi có Quyết định phê duyệt Dự án Đầu tư, bảo vệ và phát triển rừng tại 4 huyện vùng cao núi đá giai đoạn 2008 - 2015 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chuyên môn chủ động tổ chức hội nghị phổ biến, triển khai thực hiện đến các thôn, bản. Qua đó, từng bước nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa, mục đích, quy mô, đối tượng của dự án cũng như quyền lợi của các hộ gia đình được thụ hưởng dự án. Các văn bản hướng dẫn về phương thức giao, nhận, thủ tục tài chính liên quan đến hỗ trợ gạo được ban hành kịp thời, thực hiện công khai, dân chủ, công bằng, nguồn hỗ trợ lương thực từ Chính phủ đã góp phần XĐGN, ổn định cuộc sống cho nhân dân.
Năm 2008, năm đầu thực hiện, các hộ dân nằm trong vùng dự án đã được hỗ trợ 564 tấn gạo (bình quân mỗi ha rừng khoanh nuôi, bảo vệ được hỗ trợ 10kg/ha/năm) để khoanh nuôi, bảo vệ 56,4 nghìn ha rừng; đã chăm sóc được 1.984 ha rừng trồng các năm, đạt trên 97%; trồng 1.881 ha rừng, đạt trên 95% kế hoạch; vốn thực hiện trên 17,3 tỷ đồng, đạt 99% kế hoạch. Năm 2009, diện tích khoanh nuôi, bảo vệ rừng đạt trên 95 nghìn ha; chăm sóc rừng các năm 2.634 ha, đạt 100% kế hoạch; trồng rừng sản xuất 2.245/2.260 ha, đạt trên 99% kế hoạch. Tổng số gạo cấp hỗ trợ trồng mới, khoanh nuôi, bảo vệ rừng là 1.575 tấn (bình quân 14,8 kg/ha/năm đối với rừng khoanh nuôi bảo vệ, 150kg/ha/năm đối với rừng trồng sản xuất). Tính đến cuối tháng 9 vừa qua, UBND tỉnh đã nhận và cấp phát được 1.149,84 tấn gạo, đạt 73% kế hoạch.
Nhìn chung, qua 2 năm thực hiện, Dự án Đầu tư bảo vệ và phát triển rừng đã mang lại hiệu quả KT-XH thiết thực, người dân vùng Cao nguyên đá đã có thu nhập chính đáng từ hoạt động trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Dự án đã góp phần tăng nguồn vốn bảo vệ, phát triển rừng, nâng cao nhận thức về vai trò, lợi ích của rừng nên các hộ gia đình đã quan tâm, bảo vệ rừng, tình trạng phá rừng làm nương rẫy được hạn chế, diện tích rừng ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng. Phong trào trồng rừng, đặc biệt là trồng rừng sản xuất trên địa bàn các huyện vùng cao phía Bắc được người dân tích cực hưởng ứng. Đến nay, nhiều thôn, bản đã xây dựng hương ước, qui ước về quản lý, bảo vệ rừng, gắn trách nhiệm của người dân với việc phát triển vốn rừng, bảo vệ chủ quyền biên giới.
Nhân lên màu xanh no ấm
4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc có tổng diện tích đất lâm nghiệp gần 140,4 nghìn ha, chiếm 59,8% tổng diện tích tự nhiên. Trong đó, đất có rừng trên 77,3 nghìn ha, chiếm trên 55% diện tích đất lâm nghiệp; rừng tự nhiên trên 70,5 nghìn ha, chiếm trên 91% đất có rừng; rừng trồng trên 6,7 nghìn ha, chiếm gần 9% đất có rừng. Đất chưa có rừng trên 63 nghìn ha, chiếm gần 45% diện tích đất lâm nghiệp. Tổng diện tích có khả năng trồng rừng trên 17 nghìn ha, chiếm 27% diện tích đất chưa có rừng. Rừng tự nhiên tuy chiếm tỷ lệ lớn trong diện tích đất có rừng nhưng chủ yếu là rừng nghèo, rừng phục hồi, trữ lượng gỗ thấp lại liên tục bị đe doạ bởi tình trạng chặt phá rừng làm nương rẫy, khai thác gỗ làm chất đốt.
Trong bối cảnh đó, Dự án Đầu tư, bảo vệ và phát triển rừng 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc được triển khai với hình thức: Ngân sách Nhà nước đầu tư cho trồng, khoanh nuôi, bảo vệ rừng phòng hộ, đặc dụng; đầu tư cây giống, hỗ trợ lương thực cho các hộ trồng rừng sản xuất, quản lý, bảo vệ rừng trong những tháng giáp hạt. Mục tiêu đặt ra là quản lý, bảo vệ 77.301,1 ha; khoanh nuôi, phục hồi 18.871,7 ha; trồng mới 10.489,2 ha rừng; trồng 500 ha rừng phòng hộ môi trường và 4 nghìn ha cây dược liệu. Dự án được triển khai nhằm thu hút các hộ gia đình trên địa bàn tham gia hoạt động sản xuất lâm nghiệp, chuyển hướng từ phát nương làm rẫy sang sản xuất nông - lâm nghiệp kết hợp, từ trồng cây lương thực trên đất lâm nghiệp sang trồng rừng kinh tế, góp phần ổn định dân cư, đảm bảo vững chắc QP - AN khu vực biên giới. Thông qua việc thực hiện dự án sẽ phát triển các tổ hợp HTX trồng, khai thác, chế biến lâm sản vừa và nhỏ, đẩy mạnh ứng dụng KHKT trong lĩnh vực xây dựng, phát triển rừng, chế biến lâm sản.
Dự án được triển khai với hình thức hỗ trợ thiết thực, linh hoạt và các giải pháp đồng bộ nên đã thu hút các thành phần kinh tế tham gia phát triển sản xuất lâm nghiệp; đào tạo được đội ngũ cán bộ kỹ thuật lâm nghiệp và quản lý lâm nghiệp là người địa phương. Qua đó, từng bước đưa công nghệ sản xuất, quản lý tiên tiến vào thực tiễn trồng, phát triển rừng ở địa phương, thực hiện tốt mục tiêu CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn miền núi. Trong vòng 8 năm thực hiện trồng, khoanh nuôi, bảo vệ rừng với sự hỗ trợ của Chính phủ, sẽ nâng độ che phủ rừng của vùng dự án từ gần 33% năm 2008 lên gần 47% năm 2015; phát huy chức năng phòng hộ, góp phần điều hoà, cung cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân, cải thiện môi trường sinh thái, giảm nhẹ thiên tai lũ lụt; xây dựng các khu rừng sản xuất tập trung, cung cấp nguyên liệu cho chế biến lâm sản, sản xuất hàng hoá từ lâm sản ngoài gỗ xuất khẩu và cung cấp gỗ gia dụng, chất đốt cho nhân dân. Lấy việc phát triển lâm nghiệp làm nền tảng để từng bước ổn định đời sống nhân dân thông qua thu nhập từ trồng rừng, khoanh nuôi, bảo vệ rừng và sản xuất kinh doanh lâm sản ngoài gỗ, góp phần thúc đẩy nền kinh tế các huyện trong vùng tăng trưởng bền vững.