Đã nhiều cuộc họp, nhiều đơn thư của người dân gởi các cấp chính quyền nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Đã đến tuổi “gần đất xa trời” nhưng vợ chồng ông Trần Các (89 tuổi) và bà Bùi Thị Chát (87 tuổi, là hai người cao tuổi nhất trong tổ) vẫn hàng ngày hàng giờ trông cho có nước để làm lúa. Nhưng chờ “mờ mắt, khòm lưng” mà nước không thấy đâu; chính quyền hứa hỗ trợ gạo cũng biệt tăm.
Hai vợ chồng già ông Trần Các có hơn 2.000m2 đất sản xuất lúa đã bỏ hoang từ năm 2005, vụ hè thu vừa qua vì thấy đất bỏ hoang hóa cỏ mọc um tùm nên ông thuê người dọn dẹp và trồng lúa để có cái ăn nhưng đất lâu ngày bỏ hoang bạc màu trồng lúa không lên, cỏ còn tốt hơn lúa.
Có đất mà không trồng được lúa vì không có nước, vợ chồng ông không biết làm gì để sống ngoài tiền trợ cấp cho người già theo Nghị định 67 của Chính phủ được 240 ngàn đồng mỗi tháng cho hai người. Ông bảo: “Có ruộng mà mấy năm nay phải ăn gạo đong từng ngày, thiệt khổ hết sức. Chúng tôi kêu đã mấy năm nay mà không thấy ai đến giải quyết để chúng tôi có cái ăn”.
Tổ 20, phường Chánh Lộ có 216 hộ với gần 600 khẩu, hầu như sống bằng nông nghiệp với diện tích 18,3ha đất ruộng lúa và hoa màu. Trước đây có kênh thủy lợi Thạch Nham tưới tắm cho đồng ruộng tốt tươi nên dù nghèo nhưng người dân cũng có hột lúa hột gạo ăn.
Thế nhưng, khi dự án khu tái định cư ĐH Phạm Văn Đồng (gọi là khu C) xây dựng đã đổ đất lấp luôn con kênh dẫn nước vào đồng ruộng khiến hàng trăm hộ dân ở đây phải bỏ hoang đất đai. Từ đó đến nay người dân ở đây đã 4 lần gởi đơn lên các cấp chính quyền và nhiều lần tiếp xúc cử tri bà con cũng kiến nghị yêu cầu giải quyết nhưng đến nay vẫn không thấy cơ quan nào đứng ra giải quyết cho dân.
Vì thấy đất bỏ hoang lâu ngày nên một số hộ dân có điều kiện khoan giếng mua máy bơm về bơm nước sản xuất. Tuy nhiên theo ông tổ trưởng Phạm Ngọc thì trong hơn 10 giếng khoan trong tổ để phục vụ sản xuất nông nghiệp thì chỉ có hai giếng sử dụng được còn cả chục giếng khoan xuống nhưng trúng đá bàn không có nước. Hơn nữa, nước giếng khoan phục vụ nông nghiệp không có hiệu quả kinh tế bằng nước của kênh thủy lợi nên cuối cùng người dân vẫn bỏ hoang đất.
Ông Phạm Quận, một trong những hộ dân trong tổ cho biết: Không những lấp kênh tưới nước của người dân mà khi thi công san lấp mặt bằng khu C này, xe tải chở đất đá của dự án còn cày nát con đường 800m từ quốc lộ 1 vào trong tổ, trời nắng thì bụi mịt mù, trời mưa thì bùn tới đầu gối.
Tổ trưởng tổ 20 Phạm Ngọc nói: Khi thi công làm hư đường, đại diện ban dự án có hứa sau này sẽ sửa đường lại cho dân đi, nhưng khi thi công xong mặt bằng thì “trốn” luôn. Dân kêu quá phường mới đứng ra giải quyết bằng cách cho dân tạm ứng tiền để sửa lại con đường.
Gần đây nhất là ngày 20/8, người dân tiếp tục gửi đơn lên các cấp chính quyền tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu được giải quyết vấn đề con kênh dẫn nước cho ruộng đồng. Hai vợ chồng già Phạm Địch (78 tuổi) và Lê Thị Hạnh (73 tuổi) là một trong những người ký đơn gửi lên chính quyền, không giấu vẻ bức xúc: “Hai vợ chồng già tôi có hơn 2000m2 đất để sản xuất lúa nhưng mấy năm nay không có hột lúa trong nhà, hiện phải chạy gạo ăn hàng ngày, ai kêu gì làm đó không thì đói. Ai đời già gần 80 tuổi vẫn còn đi làm thuê để kiếm miếng ăn hàng ngày”.
Hiểu nỗi khổ của dân, lãnh đạo phường Chánh Lộ, cũng bất bình: “Trước đây dự án cũng có ngăn mương nước nhưng đã khắc phục, tuy nhiên từ vụ đông xuân 2007-2008 đến nay mương nước này bị lấp hẳn. Qua nhiều cuộc họp, phường kiến nghị lên TP và tỉnh, tỉnh có văn bản chỉ đạo cho TP giải quyết, TP đã giao cho Ban đền bù lập phương án để hỗ trợ 3 vụ lúa cho dân. Hiện đã lập đầy đủ thủ tục hồ sơ xác định diện tích mỗi hộ để hỗ trợ nhưng đến nay cũng không thấy gì”.
Ngày 5/6/2009, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Xuân Huế có văn bản số 1448/UBND-VX gửi các Sở Tài chính, Tài nguyên môi trường, BQL các dự án đầu tư và xây dựng, Trường ĐH Phạm Văn Đồng và UBND TP Quảng Ngãi về việc hỗ trợ cho các hộ có đất nông nghiệp không canh tác được do bị ảnh hưởng dự án trường ĐH Phạm Văn Đồng.
Theo đó, UBND TP Quảng Ngãi có trách nhiệm xác định cụ thể diện tích đất nông nghiệp không sản xuất được do bị ảnh hưởng dự án trường ĐH Phạm Văn Đồng của từng hộ gia đình và cá nhân đang sử dụng hợp pháp trên cơ sở đó tiến hành lập và phê duyệt phương án hỗ trợ chi tiết để làm cơ sở chi trả tiền hỗ trợ.
Đầu tháng 7/2009, Ban đền bù giải tỏa của TP Quảng Ngãi có họp dân và thông báo kê khai diện tích đất đã bỏ hoang để có hướng giải quyết nhưng đến nay vẫn không thấy nhúc nhích, người dân vẫn dài cổ ngóng chờ.