Lịch sử SX 2 vụ lúa ĐX và HT ở ĐBSCL được mở ra từ 1973, khi giống lúa Thần nông ngắn ngày IR36 xâm nhập đồng ruộng VN. Kể từ đó diện tích, năng suất và sản lượng lúa tăng lên không ngừng, 2 vụ rồi 2 vụ ăn chắc, rồi 3 vụ.
Thế nhưng với lời kêu gọi giảm áp lực cho vụ HT của Bộ NN-PTNT, hội nghị ngày 25/9 tại Đồng Tháp vừa qua có thể coi là một cột mốc đánh dấu SX lúa ĐBSCL bắt đầu một vòng xoắn ốc mới.
Một năm lúa thắng lợi kỷ lục
Báo cáo của Cục Trồng trọt cho biết SX lúa cả năm 2009, ĐBSCL đạt năng suất bình quân 5,38 tấn/ha, sản lượng đạt 20,6 triệu tấn (1973 sản lượng mới đạt 7 triệu tấn), mức cao kỷ lục từ trước tới nay. Thế nhưng năm 2009 cũng là năm vất vả kỷ lục của cả cán bộ lẫn nông dân vì phải tiến hành trong hoàn cảnh áp lực rấy nâu và dịch VL, LXL tiếp tục căng thẳng. Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền các cấp mà thời gian xuống giống vụ ĐX 2008-2009 được thu gọn hơn, xuống giống tập trung hơn và kết quả cũng khả quan hơn với năng suất bình quân 6,29 tấn/ha.
Tuy nhiên điều gian nan hơn vẫn là làm sao để cắt được cầu nối dịch bệnh từ vụ ĐX sang vụ HT, trong lúc tập quán và điều kiện canh tác một số nơi lại thích hợp cho việc gieo sạ vụ HT sớm (còn gọi là vụ XH). Diện tích lúa XH giảm được từ 150.000 ha xuống 110.000 ha là một thắng lợi bước đầu quan trọng và là tiền đề cho việc tăng thêm 41.200 ha lúa vụ HT (trong tổng số 1.766.000 ha) giúp cho vụ HT này trở thành kỷ lục cả trên 3 mặt diện tích năng suất và sản lượng.
Tiếp theo là vụ TĐ, mặc dù diện tích xuống giống chỉ đạt 400.000/478.000 ha (so với kế hoạch) và diện tích vụ mùa chỉ đạt 450.000/460.000 ha (so với năm trước) nhưng việc giảm sản lượng của 2 vụ này là không đáng kể. Chung cuộc năm 2009 vẫn là năm thắng lợi trên cả 3 mặt diện tích, năng suất và sản lượng. Cộng với lượng lúa gạo tiểu ngạch từ Campuchia, khả năng năm 2009 này, VN có thể XK được 6 triệu tấn gạo, năm cao nhất trong 20 năm liên tục XK gạo
Một vụ HT phập phồng, bất an
Gian nan của vụ HT hình như được thiên nhiên cảnh báo trước. Ngoài áp lực cao của RN gây cháy rầy cục bộ một số nơi thì việc nước nội đồng chậm rút 1 tháng đã khiến cho người nông dân phải tăng chi phí bơm tát mà còn là làm cho lịch thời vụ chậm lại 1 tháng. Và từ đó ảnh hưởng dây chuyền sang vụ TĐ. Thật là không thể tưởng tượng được có đến hơn nửa triệu ha lúa HT phải thu hoạch trong mưa bão.
Thu hoạch đã đông ken do việc phải xuống giống né rầy đồng loạt, máy gặt đập lại không thể hoạt động vì mưa, máy sấy lại càng hiếm. Lúa ướt chất từ ruộng, tràn ra đường, bò vào phòng khách, phòng bếp từng nhà nhưng vẫn xuống cấp, mọc mầm, ẩm vàng. Chi phí tăng, giá lại giảm khiến cho hàng vạn hộ nông dân phải méo mặt.
Tháng 14/7/20095 tại Hậu Giang, Bộ NN-PTNT đã chủ trì cuộc họp với các tỉnh ĐBSCL và đưa ra giá thành sản xuất lúa vụ HT là 2.800 đ/kg. Thế nhưng chỉ 2 tuần sau thì định mức đó đã lạc hậu. Giá sàn 3.800 đ/kg liên tục bị đánh thủng ở nhiều nơi. Việc chỉ đạo của Chính phủ mua tạm trữ 400.000 tấn gạo không đến được nhiều với nông dân như mong muốn cũng có nghĩa chưa cứu được cơn khủng hoảng tồi tệ của giá lúa. Giá lúa thấp, chi phí cao là nguyên nhân khiến nông dân không mặn mà với cây lúa nên diện tích vụ TĐ đã giảm gần 100.000 ha là vậy.
Giảm áp lực cho vụ HT
So với các nước khác thì nhược điểm lớn nhất của nghề trồng lúa ở ĐBSCL nói riêng và VN nói chung là không biết trước được điều gì sẽ xảy ra, ngoài các lý do không thể dự báo được như thời tiết thì giá lúa sẽ như thế nào, dễ bán hay khó bán…không chỉ người dân mà cán bộ cũng mù mờ. Trong các vụ lúa thì bấp bênh nhất là vụ HT mà tháng 7 và tháng 8 luôn là cao điểm tập trung của sự bấp bênh đó. Giảm áp lực cho vụ HT bằng cách nào?
Thực tế cho thấy vẫn còn nhiều diện tích vụ HT có năng suất chỉ xấp xỉ 4 tấn/ha mà với năng suất đó thì người trồng lúa không có lời, bởi vậy cần chuyển những diện tích đó sang mô hình canh tác khác. Ở Đồng Tháp và một số nơi khác đã có mô hình khá hiệu quả: Trồng lúa vụ ĐX – Nuôi tôm – Trồng lúa vụ TĐ. Cũng theo mô hình tôm lúa, vùng duyên hải Nam bộ đang có một tiềm năng rất lớn về việc trồng lúa đặc sản kết hợp nuôi tôm sú. Lúa đặc sản như Tài Nguyên, Một bụi, ST…ở đây đang được bán với giá cao gấp 1,5 lúa thường. Nếu tổ chức tốt thì nửa triệu ha duyên hải sẽ tăng thêm được 1 triệu tấn lúa đặc sản, qua đó sẽ giảm áp lực cho vụ HT.
Người Nam bộ xưa thường có câu: "Người nghèo ăn cơm đỏ, người có ăn cơm trắng". Thời thế đang thay đổi, người giàu có đang tìm đến gạo đỏ nhiều sắt, nhiều đạm và đấy cũng là lợi thế của các vùng nước ngập sâu ở ĐTM, Tứ giác Long Xuyên với giống lúa huyết rồng đã được khẳng định
+ Theo Hiệp hội Lương thực VN đến thời điểm hiện tại, các DN đã ký hợp đồng XK 6,3 triệu tấn gạo (kể cả một số hợp đồng giao năm 2010), năm 2009 có khả năng XK được 6 triệu tấn (dự báo của Mỹ thì năm 2009 VN XK 5,7 triệu tấn). Đến ngày 23/9/2009, VN đã XK được 4,8 triệu tấn trị giá 2 tỷ USD, tăng 38% về lượng và tăng 7% về giá so với cùng kỳ. + VN là nước duy nhất trên thế giới có mức tăng trưởng XK gạo trong năm 2009. Dự kiến năm 2010, giao dịch gạo sẽ sôi động lại và đạt mức tổng giao dịch 31 triệu tấn, cao hơn 2,5 triệu tấn so với năm 2009. + Năm 2010, dự báo giá gạo vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao so với hiện nay bởi Ấn Độ, nước XK gạo thứ 3 thế giới đang bị hạn nặng và sẽ tiếp tục lệnh cấm xuất, Paskitan trong tình trạng tương tự, Trung Quốc chưa có biến chuyển rõ ràng. Tuy nhiên xu hướng tiêu dùng thế giới ngày càng nghiêng sang gạo chất lượng cao.