Anh nông dân ăn chịu hàng trăm gói mì
Người thanh niên ấy là Trịnh Văn Phú (34 tuổi, ngụ ấp Giồng Cát, xã Lương An Trà, Tri Tôn, An Giang). 12 năm trước, Phú lập nghiệp bằng nghề mua bán vật tư nông nghiệp. Có bao nhiêu vốn liếng anh đổ hết vào mua phân, mua thuốc trừ sâu về bán chịu cho bà con nông dân, tới mùa lấy lúa trừ nợ. Xui rủi năm đó xứ Lương An Trà bị thất mùa, bà con còn không có gạo ăn, lấy đâu ra tiền trả nợ phân, thuốc cho anh? Thế là số tiền mang theo hơn 40 triệu đồng đã "vỗ cánh bay xa" không hẹn ngày gặp lại! Trịnh Văn Phú trở thành kẻ "trắng tay". Hằng ngày, anh phải khiêng máy đi bơm nước mướn mới có tiền đong gạo. Chiếc máy bơm nặng hơn trăm kg thường phải hai người khiêng, nhưng do không có tiền mướn nhân công, Phú phải tự xoay xở một mình, đến nỗi đau cả xương sống. Làm cực vậy mà cũng chẳng đủ ăn. Máy móc trục trặc hoặc khi mùa màng nhàn rỗi, anh bị đói dài dài. Thấy anh đói quá, người chủ quán "cóc" ở vàm kinh thương tình cho ăn... chịu mì gói. Phú ngậm ngùi: "Tôi phải ăn mì thay cơm hết ngày này qua tháng nọ, ăn thiếu cỡ mấy trăm gói mì mà tình thế cũng chẳng khá hơn. Khi đó, tôi thèm được ăn một bữa cơm, dù chỉ với cá kho quẹt nhưng cũng không có được".
Đói quá, nhiều lần anh định "quy cố hương", về với cha mẹ cho đỡ khổ. Nhưng chẳng lẽ trở về quê với một bộ dạng "tơi tả" này sao? Lòng tự trọng đã cột chân anh ở lại. Một lần khi bơm nước mướn, anh nghe ông chủ có ý định sang miếng ruộng với giá rẻ để về quê. Nghe cho biết vậy thôi, chớ lúc đó anh chẳng có đồng xu dính túi, nào dám mơ tưởng? Nhưng sự đời ai mà biết được. Mấy hôm sau có người ở xứ xa đến hỏi mua đất, do lúc đó đất ở đây làm ruộng đã bắt đầu trúng. Anh trở thành kẻ "làm mối" cho hai người. Bên bán cho một ít, bên mua cho một ít, khiến cuộc sống của anh đã bắt đầu bớt khổ. Đến năm 2000, anh đã có trong tay 100 triệu đồng và bắt đầu cuộc hành trình "làm lại cuộc đời" !
Cải tạo đất hoang thành ruộng
|
Trời không phụ lòng người. Năm đó, lúa trúng bể bồ. Phú trả dứt nợ và trở thành chủ sở hữu thật sự miếng đất rộng đến 200 công (20 ha). Có đất rộng, anh bắt đầu sắm máy cày, máy suốt; xây dựng nhà kho, lò sấy... Mần 200 công ruộng thấy... chưa đã, Phú mua thêm đất rồi dùng máy cày khẩn hoang, biến thành đất thuộc. Phú kể: "Hồi đó, dân nghèo được cấp đất không có tiền đầu tư cải tạo trồng lúa nên cứ để cỏ dại mọc um tùm. Nhiều người kêu bán lại với giá chỉ 3-4 triệu đồng/công. Tôi mua mỗi lần vài chục công, dùng máy cày nhà san, ủi, cải tạo đất hoang thành đất trồng lúa, ai cần thì nhượng lại, coi như "lấy công làm lời". Đất làm ruộng trúng, dân các nơi đổ về mua nhiều nên tôi kiếm lời cũng bộn"!
Sắm ô tô
Sau những việc đồng áng, thú vui duy nhất của Phú là "cưỡi" ô tô và... "trầm" quán cà phê ! Phú nói, lúc uống cà phê tôi "làm" được nhiều thứ lắm. Chẳng hạn tính xem lúa bị vàng lá là do bệnh gì, năm trước mình dùng thuốc gì và dùng với liều lượng thế nào thì cho hiệu quả tốt nhất? Hay chuyện ông A có miếng đất rộng cả trăm công, đã bỏ hoang mấy năm, nay kêu cho mướn với giá rẻ mình có nên mướn không?... Sau những buổi "trầm" quán cà phê như thế, Phú đã quyết định mướn hơn 300 công đất hoang mần ruộng. Anh tính: "Đất người ta cho mướn chỉ 70 - 100 ngàn đồng/công. Mình có máy nhà, chỉ tốn tiền dầu và nhân công khoảng 1 triệu đồng/công là có thể trồng được lúa. Người ta cho mình làm được 4 năm, tính ra mỗi công làm được khoảng 4 tấn lúa, cũng có lời khá khá. Hoặc nếu không thích làm, cho mướn lại cũng kiếm hơn tỉ bạc".
Vài năm trở lại đây, vừa đất mua, vừa đất mướn, mỗi năm Phú mần gần 600 công ruộng, thu hoạch khoảng 30.000 giạ lúa. Hiện anh đã sắm được 6 chiếc máy cày, có chiếc giá đến hơn 200 triệu đồng. Anh đang đầu tư xây dựng nhà kho để chứa lúa, chứa phân. Theo anh, nhà kho có nhiều cái lợi: trước hết, nhà kho được dùng để chứa phân lúc phân có giá rẻ và đến khi thu hoạch thì chứa lúa, tránh bị ép giá. "Vụ thu hoạch vừa rồi, do không có kho chứa, tôi bán lúa giá chỉ có 4.200 đồng/kg. Nay giá lúa lên đến 6.200 đồng/kg, coi như lỗ đứt bảy, tám trăm triệu bạc" - Phú nói.
Tuy nhiên, có một điều mà Phú rất ngại nói ra - đó là chuyện anh sắm ô tô đi mần ruộng. Nhiều người cả quyết: chuyện những người nông dân trồng cây công nghiệp như cà phê, cao su... sắm ô tô đã là chuyện thường, nhưng mần ruộng mà sắm được ô tô như anh là chuyện xưa nay hiếm! Anh tâm sự rằng anh rất ngại nói chuyện này, bởi làm ruộng có dư tiền, anh sắm ô tô cho tiện việc đi lại, học hỏi kinh nghiệm sản xuất và tìm cơ hội làm ăn, chớ chẳng phải muốn nổi tiếng gì cả. Anh nói: "Chiếc ô tô trước đây tôi mới bán rồi. Hiện tôi đang đặt mua chiếc xe khác, giá 27.000 USD, nhưng người ta nói vài tháng nữa mới giao xe. Xứ này đâu chỉ tôi sắm được ô tô. Anh Vũ Trọng Bá (mần gần 1.000 công ruộng - PV) đã có xe từ lâu. Rồi ông Sáu Đức (mần hơn 700 công ruộng), ông Nguyễn Thanh Tâm (mần hơn 600 công ruộng)... cũng rục rịch sắm ô tô rồi đó !".
Trước khi chia tay, Phú cứ nhắc đi nhắc lại hoài câu này: "Mong Nhà nước thấy rằng tụi tôi là dân mần ruộng thứ thiệt, mần cỡ mấy ngàn công còn được chớ nói gì chỉ có mấy trăm công? Nếu chỉ giới hạn cho mần ruộng được 30 công, 60 công thì sức người, sức máy dư thừa rất lãng phí".