00:00 Số lượt truy cập: 2997566

Sản phẩm nấm: Bán lo thừa, mua kêu thiếu 

Được đăng : 03/11/2016

Lo ngại trước tình trạng rau xanh có lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư quá cao, ngày càng có nhiều người sử dụng nấm trong bữa ăn gia đình. Tuy nhiên, nấm tươi tại các chợ không nhiều và được bán với giá cao gấp 2-3 lần giá gốc. Ngược lại, không ít nông dân do chưa tìm được kênh tiêu thụ ổn định nên sản xuất nấm cầm chừng. Nghịch lý này khiến nghề trồng nấm phát triển chưa tương xứng với tiềm năng.


Mấy tuần trước, khi thị trường rau xanh khan hiếm và đắt đỏ, tôi chọn mua nấm sò thay rau. Cứ ngỡ năm nay nhiều địa phương mở rộng nghề trồng nấm và nấm sò được mùa nên tìm mua chắc không khó. Vậy nhưng mỗi lần mua sản phẩm này, tôi thường phải đi lòng vòng qua nhiều chợ ở thành phố Bắc Giang mới gặp người bán nấm sò trên những chiếc xe đạp thồ. Nấm không ngon, mầm gầy và hơi héo nhưng vẫn có giá từ 25-30 nghìn đồng/kg. Thỉnh thoảng, một số quầy rau xanh ở chợ Hà Vị có bày bán thêm rổ nấm sò tươi ngon, giá lên tới 40 nghìn đồng/kg mà vẫn đông người mua (trong khi giá bán tại nơi sản xuất chỉ phổ biến ở mức 12-14 nghìn đồng/kg). Tìm mua nấm sò đã khó nhưng với nấm rơm và nấm mỡ còn khó hơn do thời vụ thu hoạch hai loại nấm rất ngắn. Khách hàng thường phải đến đặt trước tại các hộ trồng nấm mới có. Ở một số xã thuộc huyện Yên Dũng vào thời kỳ cao điểm thu hoạch nấm rơm cũng thấy hầu như người làm nấm chỉ bán nấm tươi trực tiếp cho một số đầu mối tiêu thụ ở Hà Nội chứ không có sản phẩm bán lẻ. Theo ông Nguyễn Huy Trà, thôn Tân Ninh, xã Tư Mại (Yên Dũng), năm nay, hầu hết các loại nấm đều được giá. Mỗi tấn nguyên liệu nấm rơm sau 1 tháng cho thu lãi từ 700.000-1.000.000 đồng. Vợ chồng ông Trà đã bỏ công việc gánh gạch thuê để ở nhà làm nấm. Ở Tư Mại, nhiều hộ khá giả đã dùng bếp ga, thừa rơm rạ nên họ cho gia đình ông Trà mỗi vụ hàng chục tấn. Vậy nhưng vụ đông này, ông Trà cũng chỉ dám cấy giống nấm mỡ cho 7 tấn nguyên liệu. Một số hộ khác có nhân lực, mặt bằng cũng chỉ làm khoảng 10 tấn nguyên liệu/đợt cho dù tỉnh và huyện Yên Dũng có chính sách hỗ trợ. Đặt câu hỏi trồng nấm có lợi như vậy sao gia đình chưa mở rộng quy mô sản xuất, ông Trà cho biết: "Dù hiện nay bán nấm khá dễ nhưng chúng tôi vẫn lo thừa sản phẩm bởi phải phụ thuộc hoàn toàn vào đầu mối tiêu thụ ở Hà Nội. Nếu đang thu hoạch mà họ dừng thu mua thì biết bán cho ai. Bán lẻ ở các chợ tuy được giá khá cao nhưng mất nhiều thời gian, lượng tiêu thụ hằng ngày bấp bênh. Trên địa bàn tỉnh chưa có những đầu mối tiêu thụ nấm tươi ổn định"…

Nhận thấy tiềm năng to lớn của nghề trồng nấm, từ năm 2007, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án sản xuất nấm giai đoạn 2007-2010. Tổng kinh phí thực hiện 43,715 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ hơn 6 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của nhân dân. Đây là đề án có quy mô, mức hỗ trợ lớn nhất từ trước tới nay về phát triển nghề trồng nấm trên địa bàn tỉnh. Vùng quy hoạch trồng nấm bao gồm các huyện: Yên Dũng, Lạng Giang, Tân Yên, Việt Yên, Lục Nam, nơi có nhiều rơm rạ và các sản phẩm phụ khác từ nông nghiệp. Kinh phí hỗ trợ tập trung cho các mô hình sản xuất lớn. Tuy nhiên, sau hơn một năm triển khai cho thấy tiến độ thực hiện đề án chậm. Nghề trồng nấm chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Hiện vùng trồng nấm mới hình thành rõ nét nhất tại huyện Yên Dũng. Tại các huyện còn lại trong vùng quy hoạch, mô hình sản xuất nấm mới xuất hiện lẻ tẻ, quy mô nhỏ. Nhưng ngay như tại Yên Dũng, dù huyện có chính sách hỗ trợ bổ sung với kinh phí từ ngân sách tỉnh song trong vụ nấm mỡ năm nay, lượng nguyên liệu được ủ mới đạt gần 750 tấn, bằng 50% kế hoạch. Trên địa bàn toàn tỉnh, lượng nguyên liệu làm nấm rơm, mỡ, mọc nhĩ trong năm khoảng 1.500 tấn, đạt hơn 60% kế hoạch.

So với những năm trước, hiện nghề trồng nấm có thêm nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển. Nấm được sử dụng ngày càng rộng rãi và được coi như một loại rau sạch. Nghề trồng nấm đã tạo ra nhiều việc làm, tận dụng thời gian nông nhàn và mang lại nguồn thu đáng kể cho nông dân. Tuy nhiên, do sự lỏng lẻo trong khâu tiêu thụ, thiếu phương tiện sơ chế nên những sản phẩm nấm tươi giàu dinh dưỡng chưa đến được với đông đảo người tiêu dùng có nhu cầu. Và phía người trồng nấm, vào mỗi vụ thu hoạch vẫn nơm nớp nỗi lo thừa sản phẩm. Trung tâm Giống nấm Bắc Giang tuy có thu mua nhưng trả giá thấp hơn các đầu mối tiêu thụ ở tỉnh ngoài bởi đơn vị cũng chưa trực tiếp chế biến mà phải bán sản phẩm lại cho một nhà máy khác. Để nghề trồng nấm phát triển, người trồng nấm mong muốn được tiếp cận với các tiến bộ kỹ thuật mới về bảo quản, sơ chế nấm tươi đồng thời sẵn sàng "bắt tay" liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trong và ngoài tỉnh để có mạng lưới tiêu thụ nấm hợp lý.