00:00 Số lượt truy cập: 3083582

Sản xuất Polyme trương nước - hình thức canh tác mới 

Được đăng : 03/11/2016
Vừa qua, dự án “Sản xuất polyme trương nước ứng dụng trong nông nghiệp” do Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt thực hiện (thạc sỹ Lê Hải làm chủ nhiệm dự án) đã được Hội đồng Khoa học tỉnh Lâm Đồng nghiệm thu với kết quả khá khả quan.

Theo các nhà khoa học nông nghiệp, sự thành công của dự án này hứa hẹn mở ra một cách thức canh tác mới trong sản xuất nông nghiệp không chỉ riêng cho tỉnh Lâm Đồng.

Nhóm tác giả cho biết: Cùng với nhiều biện pháp khác, đặc biệt là thuỷ lợi, thì vấn đề giữ ẩm cho đất thông qua hình thức sản phẩm polyme, từ năm 2005, đã được ngành chức năng tỉnh Lâm Đồng khuyến khích người canh tác áp dụng một cách rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp. Thực tế cho thấy, trong những năm gần đây, tình trạng hạn hán thường xuyên xảy ra trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã làm cho nhiều hộ nông dân bị thiệt hại nặng nề trong sản xuất nông nghiệp.

Đặc biệt là ở vùng cà phê, trong đó có một số vùng cà phê trọng điểm (như Di Linh, Bảo Lâm), chuyện thiếu nước tưới cho cây trồng trong mùa khô đã trở thành một vấn đề hết sức nan giải mà bản thân người nông dân khó có thể tự giải quyết được. Bởi vậy, cùng với những ứng dụng khoa học khác, sản phẩm polyme của nhóm tác giả nói trên đã góp một phần vào việc giải quyết khâu kỹ thuật canh tác nông nghiệp cho người dân bằng cách nghiên cứu để tạo nên một sản phẩm mới – polyme trương nước. Theo đó, sản phẩm polyme là vật liệu có thể lưu giữ trong đất một phần lượng nước dư thừa trong mùa mưa; sau đó, lượng nước này được ly giải từ từ để cung cấp cho cây trồng khi mùa khô đến; giúp người nông dân tiết kiệm được một phần nước tưới trong mùa khô và nhờ vậy, tiết kiệm được chi phí tưới tiêu.

Theo số liệu của Sở Nông nghiệp-PTNT Lâm Đồng, hiện nay, tại hai huyện Đơn Dương, Đức Trọng và TP Đà Lạt có đến 40% diện tích rau và hoa được trồng trong nhà kính có che phủ bằng polyme. Không chỉ đối với hai loại cây trồng rau và hoa mà hiện nay, cũng theo báo cáo của Sở NN-PTNT, nhà nông ở tỉnh này cũng đã sử dụng polyme cho nhiều công đoạn và cho nhiều loại cây trồng khác, kể cả cây công nghiệp dài ngày.

Tại huyện Di Linh, từ thành công của việc thử nghiệm ứng dụng polyme trên cây cà phê vào năm 2005 của đề tài nói trên, nhiều hộ dân trong vùng đã tự mua sản phẩm polyme về để phủ gốc cà phê nhằm giữ nước. Từ kết quả đối chứng, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đưa ra các số liệu: Nếu không đảm bảo tưới tiêu thì năng suất cây trồng giảm khoảng 30 - 40%; nếu có sử dụng polyme thì lượng nước tưới tiêu sẽ được tiết kiệm khoảng 30%, đồng thời tăng cường khả năng chống sự xâm nhập của dịch hại trên cây trồng, năng suất và chất lượng cây trồng cũng tăng khoảng 20%... Riêng với cây chè, nhóm tác giả nói trên đã tiến hành thử nghiệm tại thị xã Bảo Lộc và kết quả mang lại là: năng suất tăng từ 20 - 25%; sau mùa khô, cây chè phục hồi nhanh và cho nhiều búp; đó là chưa nói đến khả năng cải tạo đất, chống rửa trôi…

Từ kết quả của đề tài, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đã thống nhất việc cần khuyến khích người dân nên sử dụng sản phẩm polyme một cách rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là đối với những vùng có điều kiện về thuỷ lợi không được thuận tiện. Hơn thế, hẳn trong tương lai không xa, sản phẩm polyme được sử dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp không chỉ đối với riêng địa phương Lâm Đồng mà còn được phổ biến ở phạm vi cả nước.