Nghề phơi sấy cá phân làm nguyên liệu cho các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi ở xã Đất Mũi (Cà Mau) đã có từ lâu. Không thể phủ nhận mặt tích cực của các lò sấy trong việc tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương, tạo đầu ra cho sản phẩm của ngư dân. Tuy nhiên, các chủ lò phơi sấy do thiếu ý thức đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, làm ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của nhiều hộ dân, nhất là các em học sinh. Người dân đã nhiều lần phản ảnh nhưng tình trạng ô nhiễm trên vẫn chưa được khắc phục.
Phơi cá lấn hết cả đường lộ
CHUNG SỐNG VỚI Ô NHIỄM
Cá phân gồm các loại tôm cá tạp nhỏ, thuộc hàng "phế liệu", đang trong giai đoạn phân hủy và không còn giá trị sử dụng làm thực phẩm cho con người. Vì là mặt hàng thủy sản trong giai đoạn phân hủy, nên trong quá trình phơi sấy, chế biến, cá phân bốc lên mùi không dễ chịu chút nào, nhất là khi các cơ sở sản xuất phơi trên sân đất trong khu dân cư đông đúc và không che đậy, bảo quản kỹ lưỡng. Người dân quanh các lò phơi sấy mỗi mùa khổ một kiểu. Những ngày nắng, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, lan theo gió, cách đó hàng trăm mét vẫn nghe mùi hôi. Còn lúc mưa, nước thải từ cá đang phân hủy lại tràn sang sân và vách nhà. Ruồi nhặng lúc nhúc và đen đặc ngày ngày đe dọa sức khỏe của người dân sống gần nơi sản xuất. Chị A, ở Ấp Mũi, nhà sát vách lò sấy của ông Tư Cương, cho biết: "Cả nhà tôi đều bị bệnh về mũi và đường hô hấp. Ăn uống gì cũng phải lua cho nhanh, chậm là ruồi bu đen cả chén bát và thức ăn".
Điển hình là cơ sở của ông Trương Minh Xuyên, ở ấp Kênh Đào, xã Đất Mũi, có hơn 20 năm sản xuất cá phân, số lượng cá thành phẩm lên đến hàng chục tấn/tháng. Với phương pháp sản xuất thủ công là phơi trên mặt sân, không sử dụng máy sấy, nếu trời mưa liên tục vài ngày thì cá sẽ bị hư, không thể bán được và số cá hôi thối ấy được ông "xử lý" bằng cách đổ xuống sông trước nhà. Cơ sở của ông hoạt động bao lâu là hàng mấy năm bà con xung quanh phải chung sống với ô nhiễm và bệnh tật. Đáng nói hơn hết là sức khỏe thầy cô và hàng trăm học sinh trường THCS xã Đất Mũi bị đe dọa nghiêm trọng vì trường cách nơi sản xuất của ông Xuyên và các hộ làm cá khô chỉ vài chục mét. Tuy nhà trường đã nhiều lần kiến nghị các cấp, các ngành địa phương nên có biện pháp di dời cơ sở sản xuất của ông Xuyên nhưng chưa được giải quyết.
Lò sấy của ông Nguyễn Văn Cương ở Ấp Mũi, xã Đất Mũi là một cơ sở sản xuất cá phân có quy mô lớn với gần chục lao động và mỗi tháng cung cấp cho thị trường hơn 30 tấn cá phân thành phẩm. Hoạt động của cơ sở theo kiểu nửa thủ công nửa công nghiệp, khi nắng, phơi trên sân và con đường trước nhà, mưa thì mới dùng máy sấy. Hôm chúng tôi đến, cá phân được phơi trải dài kín hàng trăm mét đường, người đi đường phải đi trên lớp cá hôi thối. Sản xuất với quy mô lớn, sân phơi lại trải dài nên mức độ ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống sinh hoạt của người dân của cơ sở này, là rất lớn. Ông N.V.B ở gần nơi sản xuất cá phân này, cho biết: "Nhừng ngày nắng thì dân sống xung quanh đỡ khổ chứ mưa xong nắng lại thì mùi hôi thối xộc lên không chịu nổi. Ra khỏi nhà là không muốn quay lại nữa, quần áo dù treo trong tủ kín vẫn bị khẳm mùi, đi đám tiệc phải giặt lại mới dám mặc".
Ngoài các cơ sở thu mua, chế biến, ngư dân cũng góp phần cho sự ô nhiễm lan tỏa rộng hơn khi họ đem cá phân đánh bắt được tự phơi trên đường lộ, sân nhà.
CHỦ CƠ SỞ VÀ CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG NÓI GÌ ?
Các chủ cơ sở sản xuất cá phân chạy theo lợi nhuận, bất chấp sức khỏe của người dân là thực trạng đã và đang xảy ra trên địa bàn xã Đất Mũi trong nhiều năm qua. Thế nhưng, khi chúng tôi hỏi về cách khắc phục ô nhiễm, đa số các chủ lò phơi sấy đều không đưa ra một câu trả lời nào mang tính thiết thực. Họ cho rằng nếu không có các cơ sở chế biến thì cá phân của ngư dân không nơi tiêu thụ và phải đổ xuống biển. Thậm chí có chủ cơ sở còn nói: "Tôi mua cho họ thì họ phải thông cảm cho tôi chớ. Mà chịu đựng mùi này một thời gian là quen thôi, tôi chịu được thì họ chắc cũng chịu được". Còn ông Nguyễn Văn Cương, chủ lò sấy Tư Cương hứa hẹn sẽ gắn ống khói để giảm bớt ô nhiễm do khói và mùi hôi phả vào nhà người dân. Tuy nhiên một số hộ dân xung quanh cho biết ông đã hẹn nhiều lần nhưng cả nửa năm nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì chứng tỏ sẽ thực hiện lời hứa.
Ông Võ Thanh Hùng, Chủ tịch UBND xã Đất Mũi, cho biết: "Hiện nay, trên địa bàn xã có hàng chục cơ sở sản xuất cá phân gây ô nhiễm môi trường. Xã đã có nhiều biện pháp chỉ đạo như xây dựng khu quy hoạch, tiến hành đưa các hộ sản xuất ra khỏi khu dân cư nhằm cải thiện tình hình ô nhiễm trong thời gian sớm nhất".
Bao giờ người dân xung quanh các lò phơi sấy, giáo viên và học sinh trường THCS xã Đất Mũi mới được sống trong môi trường trong lành để có đủ sức khỏe tập trung vào học tập, lao động? Câu trả lời xin nhường cho các cấp, các ngành chức năng ở xã Đất Mũi
Trong thời gian bài báo này thực hiện, chúng tôi nhận được đơn yêu cầu của một số hộ dân ngụ tại ấp Kinh Đào Đông, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, phản ảnh việc gây ô nhiễm môi trường do lò sấy cá phân của ông Lê Thanh Liêm làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh… Vấn đề này, chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin trong những số báo tiếp sau.