Sau gần 10 năm chuyển dịch cơ cấu sản xuất, công nghệ nuôi tôm ở Cà Mau vẫn giậm chân tại chỗ, chưa thoát khỏi cái bóng của chính mình. Vùng chuyển dịch cơ cấu sản xuất ở Cà Mau cứ luẩn quẩn với điệp khúc độc canh con tôm, độc canh cây lúa.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế không chỉ đơn thuần là chuyển từ trồng lúa sang nuôi tôm mà phải làm sao đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Đó là áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, mô hình sản xuất phù hợp làm tăng tỷ trọng và hiệu quả sản phẩm hàng hóa cho tiêu dùng và xuất khẩu, nâng cao đời sống nhân dân.
Quan trọng hơn, vấn đề bảo vệ môi trường, giữ ổn định vùng sinh thái, duy trì và phát triển tính đa dạng sinh học cần phải đặt lên hàng đầu trong quá trình chuyển dịch cơ cấu sản xuất ở Cà Mau.
Mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến năng suất cao kết hợp với trồng lúa của nông dân U Minh.
Khẳng định một hướng đi
Năm 2008 vừa qua, mô hình sản xuất lúa - tôm thật sự là bước đột phá mới trên đồng đất Cà Mau, đạt cả 3 mặt về quy mô, diện tích, năng suất và sản lượng.
Ông Võ Văn Mỹ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phấn khởi cho biết, kết thúc vụ mùa 2008, tổng diện tích gieo cấy một vụ lúa trên đất nuôi tôm 43.415 ha, đạt 166,98% kế hoạch, tăng 11.685 ha so năm 2007. Tuy nhiên, điều đáng phấn khởi hơn cả là trình độ sản xuất lúa - tôm của nông dân Cà Mau bước sang một trang mới, khẳng định tính hiệu quả của mô hình này.
Những năm trước đây, nông dân Cà Mau mất hàng tỷ đồng mỗi năm do diện tích lúa trên đất nuôi tôm bị thiệt hại quá lớn. Kỹ sư Nguyễn Trần Thức, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, Khuyến ngư, nhớ lại: "Năm 2004, Cà Mau sản xuất 43.000 ha lúa - tôm, nhưng do quy trình sản xuất của người dân còn hạn chế nên hiệu quả không cao. Cuối vụ chỉ thu hoạch được khoảng 19.000 ha, thiệt hại trắng hơn 23.000 ha".
Sang năm 2005, diện tích lúa - tôm sụt giảm xuống còn hơn 30.000 ha, nhưng đến cuối vụ chỉ thu hoạch được khoảng 16.000 ha, thiệt hại gần 50% diện tích. Sang năm 2008, hiệu quả sản xuất đạt khá cao, trong tổng số 43.415 ha lúa - tôm, thiệt hại chỉ có 1.144 ha, chiếm 2,63%. Năng suất lúa - tôm bình quân đạt 3,5 tấn/ha, cao nhất từ trước đến nay, với tổng sản lượng đạt 148.137 tấn.
Kết quả này phản ánh trình độ sản xuất của nông dân nâng lên một bước đáng kể. Ngày càng có nhiều nông dân quan tâm hơn việc thực hiện mô hình sản xuất lúa - tôm trên đồng đất Cà Mau.
Sức bật một mô hình
Thực tế cho thấy, mô hình sản xuất lúa - tôm là lý tưởng nhất đối với vùng chuyển dịch của Cà Mau hiện nay. Một số hộ dân có kinh nghiệm sản xuất lúa - tôm ở Cà Mau cho rằng hiệu quả mô hình sản xuất này cao gấp nhiều lần so với sản xuất độc canh con tôm.
Ông Nguyễn Văn Hướng ở ấp Cái Rắn B, xã Phú Hưng, huyện Cái Nước, cho biết, những năm đầu sản xuất lúa - tôm thất bại. Từ năm 2005 đến nay, nhờ áp dụng đúng quy trình sản xuất mới, tháo rửa mặn kịp thời, tuân thủ lịch thời vụ, tích cực chăm sóc đồng ruộng nên mô hình sản xuất lúa - tôm của ông đạt hiệu quả rất cao.
Vụ mùa năm 2008, gia đình ông sản xuất 20 công lúa trên đất nuôi tôm, cuối vụ thu hoạch được 520 giạ. Với giá bán 3.500 đồng/kg, ông thu được 35 triệu đồng.
Sau khi trừ các khoản chi phí lúa giống, phân bón, tiền dầu bơm tát nước hết 5 triệu đồng, ông còn lãi 30 triệu đồng. Trước khi sản xuất lúa, hầu như năm nào tôm nuôi cũng bị dịch bệnh, rủi ro rất cao.
Sau khi thực hiện thành công vụ lúa trên đất nuôi tôm, năng suất cả tôm và lúa đều đạt rất cao, bình quân thu nhập 100 triệu đồng/năm. Riêng từ đầu năm 2009 đến nay, tôm nuôi gia đình ông cho thu nhập hơn 70 triệu.
Theo khảo sát của Trung tâm Khuyến nông, Khuyến ngư Cà Mau, nhiều nơi nông dân áp dụng kỹ thuật canh tác lúa trên đất nuôi tôm khá độc đáo, có tính sáng tạo và đạt hiệu quả cao. Điển hình như phương pháp bơm bùn, tận dụng lớp cặn bã dưới vuông tôm lên bờ bao, sân vườn, bờ liếp để gieo mạ, sau đó nhổ mạ cấy xuống mặt ruộng vuông tôm; hay phương pháp nuôi tôm cắt vụ, xổ nước khô mặt ruộng, phơi đất nứt chân chim, tận dụng những đám mưa đầu mùa rửa phèn mặn mặt ruộng, bắt đầu gieo sạ lúa đạt hiệu quả rất cao. Đây được xem là một kinh nghiệm hay cần được nhân rộng.
Theo kỹ sư Nguyễn Trần Thức, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, Khuyến ngư Cà Mau, năm 2008 vừa qua, nhiều nơi nông dân mạnh dạn đầu tư thâm canh, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật canh tác và đưa các giống lúa mới vào sản xuất trên đất nuôi tôm cho hiệu quả khá cao như giống OM 4900, B-TE1.
Cá biệt, có một số hộ như: ông Phạm Quốc Sử ở ấp 6, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, ông Trần Văn Lung ở ấp Tắc Thủ, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, ông Quách Thanh Nhã; Nguyễn Thống Nhất ở ấp 3, xã An Xuyên sản xuất giống lúa OM 4900, OM 2717, AS 996 đạt năng suất 5-6 tấn/ ha; hay như hộ ông Nguyễn Văn Vinh, ấp 1, xã Thới Bình, huyện Thới Bình, ông Lê Quốc Phong, ấp Công Nghiệp, xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời, ông Nguyễn Văn Mui, ấp Thạnh Phú, xã Phú Hưng, huyện Cái Nước sản xuất giống lúa lai B-TE 1 đạt năng suất 7-8 tấn/ha trên diện tích lúa - tôm...
Xét về hiệu quả kinh tế, mô hình sản xuất lúa trên đất nuôi tôm chi phí sản xuất thấp nhất so với sản xuất lúa hè thu, hay lúa mùa, nhưng lợi nhuận cao hơn. Theo kết quả khảo sát của Trung tâm Khuyến nông, Khuyến ngư cho thấy, tổng thu nhập bình quân sản xuất lúa trên đất nuôi tôm năm 2008 là 3.500 kg lúa/ha. Với giá lúa 3.500 đồng/kg, nông dân thu được 12 triệu 250 ngàn đồng, sau khi trừ chi phí các khoản cho sản xuất là 4 triệu 195 ngàn đồng/ha, thì vẫn còn lãi hơn 8 triệu đồng/ha.
Sự trở lại của cây lúa trên đất nuôi tôm đã minh chứng cho tính hiệu quả của mô hình sản xuất này trên đồng đất Cà Mau./.