Cùng với đề án của tỉnh, năm 2009, Bộ Khoa học và Công nghệ giao cho Trung tâm Giống nấm Bắc Giang chủ trì thực hiện Dự án "Xây dựng mô hình sản xuất giống nấm và nấm hàng hoá có năng suất, chất lượng cao và bảo quản, chế biến nấm tại tỉnh Bắc Giang". Các đề án và dự án đã tạo cơ sở ban đầu để phát triển sản xuất nấm hàng hoá trên địa bàn tỉnh.
Đến thời điểm này, nghề nấm đã có mặt ở hầu hết các huyện và thành phố với hơn 500 hộ gia đình và trang trại sản xuất. Hằng năm có khoảng 4.500 tấn nguyên liệu (mùn cưa, rơm rạ, bông phế thải...) được đưa vào sản xuất, tạo ra khoảng 2.000 tấn nấm tươi, giá trị thu được 25-30 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 2.500 lao động thường xuyên và lao động nông nhàn. Trang trại của ông Đỗ Vinh Thúy, xã Nghĩa Hưng (Lạng Giang) đã đầu tư 4.000 m2 lán trại và nhà xưởng, sử dụng hơn 150 tấn nguyên liệu, thu được khoảng 80 tấn nấm tươi, doanh thu đạt 1,6 tỷ đồng, lợi nhuận 400-500 triệu đồng mỗi năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 10-15 lao động có thu nhập khá. Các trang trại của ông Lê Duy Soạn ở xã Hoàng Lương (Hiệp Hòa), ông Nguyễn Danh Thuyết ở xã Ninh Sơn (Việt Yên), ông Nguyễn Văn Tuấn ở xã Trí Yên (Yên Dũng) đều có quy mô sản xuất hơn 100 tấn nguyên liệu, thu được khoảng 40 tấn nấm tươi, doanh thu 800 triệu đồng, lợi nhuận 200-300 triệu đồng mỗi năm. Tổ hợp tác sản xuất nấm thôn Tân Văn 2, xã Tân Dĩnh (Lạng Giang) có quy mô sản xuất 300-400 tấn nguyên liệu, thu được 150-200 tấn nấm tươi, doanh thu khoảng 3,5-4 tỷ đồng, lợi nhuận 1-1,2 tỷ đồng mỗi năm. Sản phẩm nấm đa dạng như nấm rơm, nấm mỡ, nấm sò, nấm mộc nhĩ, nấm linh chi và một số loại nấm cao cấp (trân châu, đầu khỉ...). Bên cạnh đó, nhờ sử dụng hàng nghìn tấn phế thải sau thu hoạch và chế biến nông - lâm sản như rơm rạ, mùn cưa, bông phế thải… mỗi năm, nghề nấm góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường; tạo nguồn phân hữu cơ có giá trị cao phục vụ trở lại cho sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành nông nghiệp, sản xuất nấm trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn ở quy mô nhỏ là chính. Trình độ kỹ thuật và kinh nghiệm tổ chức sản xuất của người dân còn thiếu dẫn đến năng suất chưa cao và hiệu quả kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế sẵn có. Lượng nguyên liệu đưa vào sản xuất hàng năm mới chiếm khoảng 1% so với nguồn hiện có của tỉnh; sản lượng nấm mới đáp ứng được một phần nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh và một số tỉnh, thành phố lân cận, chưa tạo thành sản phẩm hàng hoá lớn đáp ứng nhu cầu chế biến và xuất khẩu. Mức độ đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật của các mô hình thấp, thiếu đồng bộ; thậm chí chỉ làm lán trại tạm nên sản xuất chủ yếu theo hướng tận dụng, sản xuất thụ động, hiệu quả không cao. Người sản xuất còn lúng túng trong việc xử lý các tình huống phát sinh trong quá trình sản xuất, nhất là đối với sự thay đổi bất lợi của điều kiện thời tiết khí hậu, dịch bệnh nên năng suất cũng như chất lượng chưa ổn định và không đồng đều. Sản xuất chưa gắn kết chặt chẽ với việc nắm bắt các thông tin về thị trường, chưa chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm. Nguyên nhân là do sản xuất nấm vẫn bị coi là nghề phụ, người dân và một số cấp chính quyền chưa thấy được lợi ích lớn về kinh tế, xã hội, môi trường và những tiềm năng, triển vọng phát triển của nghề này. Vì vậy chưa đầu tư tương xứng để đưa nghề nấm trở thành nghề sản xuất hàng hoá, ổn định, bền vững tại địa phương.
Theo ông Nguyễn Danh Thắng, Giám đốc Trung tâm Giống nấm Bắc Giang, nếu mỗi năm chỉ sử dụng hết khoảng 5% lượng rơm rạ trên địa bàn tỉnh (tương đương với 25-30 nghìn tấn) để sản xuất nấm thì có thể thu khoảng 6.000 tấn nấm tươi với doanh thu đạt 120-150 tỷ đồng. Kỹ thuật nuôi trồng không phức tạp, nguồn nguyên liệu và lao động sẵn có, vốn đầu tư ban đầu thấp là những lợi thế của nghề sản xuất nấm. Theo đó, thu nhập từ nghề sản xuất nấm mang lại khá cao so với một số loại cây trồng, vật nuôi khác.
Sự chuyển hướng mạnh mẽ của người tiêu dùng sang các sản phẩm nấm do giá trị dinh dưỡng, giá trị dược liệu cao, an toàn vệ sinh thực phẩm cho thấy thị trường tiêu thụ nấm rất rộng lớn, mở ra cơ hội cho nghề sản xuất nấm trên địa bàn tỉnh. Được biết, ngành nông nghiệp hiện đang trình UBND tỉnh đề án sản xuất nấm hàng hoá giai đoạn 2011-2015 với mục tiêu phát triển sản xuất ổn định và bền vững, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tạo thêm nhiều việc làm và tăng thu nhập cho lao động nông thôn gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Theo đó, đến năm 2015, toàn tỉnh có 1.500- 2.000 hộ nông dân sản xuất nấm theo quy mô hộ gia đình và trang trại. Tổng lượng nguyên liệu đưa vào sản xuất là 30.000- 35.000 tấn, sản lượng nấm tươi ước đạt 13.000-15.000 tấn, tạo việc làm cho khoảng 3.000 lao động thường xuyên và hàng nghìn lao động nông nhàn khác.
Để đạt được các mục tiêu này, ngành nông nghiệp cần có quy hoạch vùng sản xuất và tỉnh có sự quan tâm đầu tư tương xứng. Đối với các huyện đang có các cơ sở sản xuất nấm hiệu quả cần hỗ trợ nhân rộng mô hình theo hướng quy mô lớn, tập trung như trang trại, tổ hợp tác hay hợp tác xã nhằm phát triển thành vùng sản xuất hàng hoá; gắn sản xuất với đa dạng hoá các dịch vụ nghề nấm, dịch vụ tiêu thụ sản phẩm, quảng bá và xây dựng thương hiệu nấm của tỉnh. Đối với các huyện còn lại, cần lựa chọn và tập trung xây dựng các mô hình điểm, từng bước nhân rộng và phát triển các mô hình tiếp theo. Cũng cần tạo điều kiện thuận lợi cho người sản xuất được thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất và hướng dẫn thực hiện các chính sách về đất nông nghiệp để đầu tư sản xuất nấm quy mô lớn. Tăng cường quảng bá vùng nguyên liệu nấm của tỉnh; tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, tổ chức, cá nhân chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm; giải quyết tốt mối liên kết "bốn nhà". Nếu thực hiện được các yêu cầu này, đây sẽ là một hướng quan trọng để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.