Diễn ra từ ngày 30-10 đến 4-11-2008 tại TP.Hồ Chí Minh, Hội chợ Nông nghiệp quốc tế (Agroviet 2008) năm nay được đánh giá là hơn hẳn các năm trước về quy mô và chất lượng, là dịp cho ngành nông nghiệp Việt Nam có cơ hội "trình diễn" các sản phẩm và thành tựu của mình. Hơn thế nữa, hội chợ cũng muốn tạo một "vòng tròn khép" trong sản xuất nông nghiệp bằng cách mời tham dự rất nhiều đơn vị chuyên nghiên cứu chế tạo giống và kỹ thuật canh tác mới; giới thiệu các sáng chế phục vụ nông nghiệp cùng các dịch vụ giúp nông dân tiếp cận thị trường, thiết lập chuỗi cung ứng và tiêu thụ nông sản theo xu thế hội nhập.
* Để "làm nông" chuyên nghiệp
Với việc triển lãm những mô hình sản xuất nông nghiệp áp dụng những công nghệ tiên tiến tạo ra các sản phẩm nông nghiệp sạch, giống cây trồng có năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao, Agroviet năm nay cho thấy quan điểm mới trong sản xuất nông nghiệp thời hội nhập. Đó là sự "lui bước" của cách sản xuất truyền thống, tự cung tự cấp, phụ thuộc nhiều vào thời tiết để nhường chỗ cho những mô hình sản xuất nông nghiệp mới, chỉn chu và chọn lọc ngay từ cây giống, con giống, ứng dụng kỹ thuật để rút ngắn thời gian canh tác, giảm sâu bệnh, nâng cao chất lượng sản phẩm và nhất là đáp ứng được tiêu chuẩn khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm của thị trường quốc tế.
Khác với các năm trước, Agroviet năm nay rất chú trọng trưng bày mảng nghiên cứu, phát triển và ứng dụng những kỹ thuật mới để nâng cao năng suất trong sản xuất nông nghiệp. Thay vì vẫn sử dụng các kinh nghiệm "cây nhà lá vườn" trong canh tác với năng suất không cao, người làm nông chuyên nghiệp có thể tìm kiếm những giống cây trồng, vật nuôi mới được lai tạo tốt hơn, loại bỏ các khuyết điểm cũ. Nhiều phương pháp gieo trồng và canh tác tiến bộ cũng được nhiều người tham quan hội chợ quan tâm: trồng rau bằng kỹ thuật thủy canh và màng dinh dưỡng, canh tác trên giá thể không đất; công nghệ nuôi cấy mô cho rau, hoa lan, cây cảnh, cây ăn trái; cách làm meo và sản xuất một số loại nấm quý như: linh chi, bào ngư... Ngoài ra, còn có những sản phẩm khác phục vụ sản xuất: máy xịt rầy nâu, muỗi, côn trùng; máy sấy đứng có thể sấy được nông sản ngay sau thu hoạch; thiết bị chuồng trại tự động; máy bơm ứng dụng ở các vùng đất khó như: đồi núi, vùng hạn... Đặc biệt, người nông dân còn có thể tìm thấy ở đây những dịch vụ cần thiết khác: dịch vụ tư vấn giám định nông sản xuất khẩu, dịch vụ kết nối cung - cầu, kết nối nông dân với nhà khoa học, tư vấn kỹ thuật miễn phí, tiếp cận và tìm hiểu thông tin thị trường nông sản thế giới... Tất cả nhằm một mục đích là giúp người nông dân từng bước tiếp cận được với kỹ thuật cao trong sản xuất, những ứng dụng mới, các yêu cầu mới của thị trường để người nông dân bớt lạc hậu trên đường đua tiến đến một nền nông nghiệp chất lượng cao. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lương Lê Phương nói: "Việt Nam đã gia nhập WTO, giá cả nông sản luôn phụ thuộc vào thị trường thế giới, vì thế muốn nông sản làm ra đủ sức cạnh tranh và bán được thì nông dân phải thay đổi lối canh tác nhỏ lẻ, truyền thống, từng bước hướng đến sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa để nông sản làm ra đảm bảo chất lượng và số lượng đáp ứng được các đơn hàng lớn".
* Sản xuất nông nghiệp theo hướng hội nhập
Hiện nay, nông nghiệp Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng tuy đã có những bước tiến bộ như đưa một số giống mới vào canh tác đẩy cao năng suất; áp dụng tiến bộ khoa học giảm chi phí đầu vào và trong quá trình canh tác nông dân đã chú trọng đến chất lượng, song những quy trình này chưa được nông dân thực hiện đồng bộ và làm đồng loạt. Nông sản làm ra vẫn chưa đảm bảo về số lượng và chất lượng, vì thế thời gian qua nông sản nước ta đã bỏ lỡ nhiều cơ hội lớn xâm nhập vào thị trường thế giới, đặc biệt là mặt hàng rau, củ, quả.
Hội chợ Nông nghiệp quốc tế 2008 được coi là một trong những chương trình xúc tiến thương mại lớn của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT) nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân, ngư dân giới thiệu và tìm hiểu những công nghệ - mô hình sản xuất hiệu quả. Hội chợ cũng là nơi nông dân có thể tìm đến các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp có chất lượng, gặp gỡ và xúc tiến thương mại với các đối tác trong và ngoài nước, trao đổi kỹ thuật và tìm kiếm đơn vị cùng hợp tác sản xuất. Theo Ban tổ chức, đây là hội chợ tổ chức một cách quy mô nhất từ trước đến nay với gần 200 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, làng nghề... khắp cả nước tới tham dự và trên 500 gian hàng trưng bày ở khu vực triển lãm, thu hút gần 10 Sở NN-PTNT của các tỉnh, thành như: TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Thái Nguyên, Tiền Giang, An Giang... Năm nay còn có 2 ngành mới tham dự là khai thác - chế biến thủy sản và thủ công mỹ nghệ.
Đồng Nai hiện có gần 400 ngàn hécta cây trồng mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 600 ngàn tấn nông sản, nhưng chủ yếu tiêu thụ trong nước. Lý do dẫn đến nông sản của Đồng Nai chưa vươn ra được thị trường thế giới là vì đa số nông dân còn sản xuất nhỏ lẻ, chưa theo một quy trình chung nên sản phẩm làm ra chưa đồng bộ và khi cần số lượng lớn lại không đáp ứng được. Ví như bưởi Tân Triều đã có thương hiệu và được nhiều khách hàng biết đến, hiện có gần 700 hécta và mỗi năm thu trên 5 ngàn tấn nhưng khi đối tác nước ngoài đặt hàng với số lượng lớn thì lại không đáp ứng được vì đa số nông dân sản xuất nhỏ lẻ, chưa liên kết lại với nhau nên không đảm bảo về số lượng cũng như chất lượng. Không riêng gì trái bưởi mà ngay trái sầu riêng, chôm chôm, quýt cũng rơi vào tình trạng trên. Ông Nguyễn Văn Giàu, Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Nai cho biết năng suất một số cây trồng trên địa bàn tỉnh hiện không thua kém gì các nước có nền nông nghiệp phát triển như Thái Lan, Hàn Quốc... Thế nhưng nông dân vẫn còn thói quen sản xuất manh mún, do vậy chưa thể đưa cơ giới hóa vào trong sản xuất để giảm chi phí đầu vào khiến nông sản làm ra luôn có giá thành cao và thua "đối thủ" ngay trên sân nhà.
Theo một số chuyên gia kinh tế thì tình hình khủng hoảng kinh tế toàn cầu chưa có dấu hiệu dừng lại và khả năng còn kéo dài, vì thế để giảm thiệt hại do suy thoái kinh tế thì hơn lúc nào hết nông dân phải sản xuất theo hướng hàng hóa. An toàn vệ sinh thực phẩm phải là vấn đề sống còn nhằm nâng cao sức cạnh tranh và hội nhập cho nông sản. Muốn làm được những điều này, nông dân phải liên kết hợp tác làm ăn để được hỗ trợ về kỹ thuật, giống, đồng thời sản xuất theo một quy trình thống nhất để nông sản làm ra có số lượng lớn, đảm bảo chất lượng và đáp ứng được các đơn đặt hàng lớn. Bên cạnh đó, nông dân phải tiến lên chuyên nghiệp, kịp thời nắm bắt những thông tin về thị trường trong và ngoài nước, các dự báo nhu cầu tiêu thụ nông sản của thế giới nhằm có hướng sản xuất phù hợp . Đó chính là những yêu cầu cần phải có của sản xuất nông nghiệp thời hội nhập.