00:00 Số lượt truy cập: 3081760

Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP: Bưởi Năm Roi sẽ không còn “vị đắng” 

Được đăng : 03/11/2016
Từng được coi là cây “xóa đói giảm nghèo”, thậm chí “cây làm giàu” nhưng đây là năm thứ hai, nông dân Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gặp phải vụ bưởi Năm Roi “được mùa rớt giá”. Nhà vườn chán nản bỏ vườn cây không chăm sóc khiến chất lượng quả sụt giảm, trong khi doanh nghiệp xuất khẩu tìm mỏi mắt mà không có đủ sản phẩm đạt chất lượng.

HTX bưởi Năm Roi Mỹ Hòa chỉ thu mua được một lượng bưởi nhỏ trong dân. Ảnh: Văn Mười.

Câu chuyện không còn mới này đã diễn ra nhiều lần với nhiều loại nông sản. Nhiều bài học đã được rút ra nhưng điều cần làm, sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam (VietGAP) hoặc chất lượng toàn cầu GlobalGAP lại chưa được chú ý.

Chỉ 30% đủ tiêu chuẩn xuất khẩu

Đây không phải là năm đầu tiên vùng chuyên canh bưởi Năm Roi ở ĐBSCL rơi vào cảnh trúng mùa rớt giá. Năm 2008, các nhà vườn đã lao đao do giá bưởi xuống thấp. Bước vào vụ thu hoạch năm 2009, nhà vườn khấp khởi mừng thầm vì bưởi trúng mùa nhưng gần một tháng qua, đi khắp các vùng chuyên canh bưởi Năm Roi, nơi nào cũng thấy bưởi lúc lỉu trên cành, chất đầy trong nhà ngoài sân nhưng người mua thì thưa thớt.

Hiện giá bưởi đã xuống thấp kỷ lục, chỉ khoảng 2.000 - 3.000 đồng/kg, trong khi đó giá phải đạt 5.000 đồng/kg thì nhà vườn mới hòa vốn. Ông Lê Văn Hoà, chủ vườn bưởi ở cù lao Bình Hoà Phước (Long Hồ - Vĩnh Long) than thở: “Năm nay trúng mùa nên 5.000m2 bưởi của gia đình tôi cho 10 tấn trái. Đầu tháng 10, thương lái trả 5.000 đồng/kg tôi không bán, bây giờ chỉ còn 2.000 - 3.000 đồng/kg mà cũng chẳng có người mua”.

Từ cây “xóa đói giảm nghèo”, nông dân ĐBSCL bây giờ bỏ mặc vườn bưởi Năm Roi không chăm sóc. ông Trần Văn Long ở Mỏ Cày (Bến Tre) cho biết, chưa năm nào giá bưởi lại xuống thấp như năm nay. Thậm chí ngay ở xã Mỹ Hòa (Bình Minh - Vĩnh Long), vùng chuyên canh bưởi Năm Roi nổi tiếng đất “chín rồng”, dù đã thành lập hợp tác xã sản xuất, tiêu thụ bưởi Năm Roi nhưng cũng không cứu nổi nhà vườn. Hợp tác xã chỉ có khả năng bao tiêu cho 24ha bưởi sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng toàn cầu Global GAP với giá 4.500 đồng/kg bưởi xô, 7.000 đồng/kg bưởi loại một.

Nghịch lý là trong khi bưởi rụng đầy vườn thì các doanh nghiệp lại tìm mỏi mắt không đủ hàng đạt chất lượng xuất khẩu. Theo thống kê, khu vực ĐBSCL có khoảng 13.000ha bưởi, sản lượng trên 150.000 tấn/năm. Tuy nhiên, chỉ khoảng 30% sản lượng bưởi đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Có phải chỉ lỗi của nông dân?

Nhiều ý kiến cho rằng, ở những vùng chuyên canh bưởi, nếu có hệ thống kho lạnh tạm trữ thì có thể giảm được thiệt hại cho nông dân khi bước vào vụ thu hoạch rộ. Ngay tại HTX bưởi Năm Roi Mỹ Hòa, dù nhu cầu vốn xây dựng kho lạnh là có thực nhưng HTX khó có thể vay vốn theo chủ trương hỗ trợ lãi suất của Chính phủ. Ông Trần Văn Sang, Chủ nhiệm HTX cho biết: “Nếu có kho lạnh dự trữ thì khi vào mùa sẽ bao tiêu cho nhà vườn với giá 5.000-7.000 đồng/kg. Khi đó nông dân trồng bưởi sẽ có lợi nhuận ổn định và HTX cũng có nguồn hàng xuất khẩu liên tục”.

Được biết, UBND huyện Bình Minh cũng đang hoàn tất thủ tục để hỗ trợ HTX bưởi Năm Roi thuê đất. Sau khi hoàn tất thủ tục, HTX sẽ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, khi đó ngân hàng sẽ giải ngân cho vay khoảng 2 tỉ đồng để xây dựng kho lạnh. Hy vọng lúc đó tình trạng bưởi rớt giá khi vào mùa thu hoạch rộ sẽ được khắc phục.

Trước tình trạng bưởi Năm Roi rớt giá trầm trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Phạm Văn Đấu đã chỉ đạo các cơ quan chức năng trong tỉnh phải hỗ trợ nhà vườn và Hợp tác xã Mỹ Hoà. Theo đó, Sở Nông nghiệp và PTNT phải hỗ trợ người dân cải tạo vườn tược, xây dựng thương hiệu, mở rộng diện tích bưởi Năm Roi theo tiêu chuẩn Global GAP; Sở Công Thương tăng cường tìm thị trường tiêu thụ nội địa; giúp HTX Mỹ Hoà chào hàng, quảng bá sản phẩm, tìm thị trường xuất khẩu.

Tất cả những giải pháp trên dường như mới chỉ là tình thế. Vấn đề đặt ra là vai trò của ngành chức năng trong việc định hướng sản xuất cho nông dân là không rõ ràng, bỏ mặc bà con tự xoay xở với những diễn biến bất thường của thị trường. Chỉ khi nào mối liên kết “4 nhà” thực sự bền chặt, trên cơ sở lợi ích chung thì có lẽ “vị đắng” của những vụ bưởi mới hết.