00:00 Số lượt truy cập: 3077556

Sản xuất vụ mùa: Chú trọng khâu phòng bệnh 

Được đăng : 03/11/2016

Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp, mặc dù khi cây lúa được gieo cấy xong, thời tiết có mưa đều, thuận lợi cho các trà lúa sinh trưởng và phát triển, song đây cũng là điều kiện cho một số loại sâu bệnh dịch hại phát sinh.


 Đến thời điểm này, các đối tượng sâu đục thân hai chấm, sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh khô vằn, lùn xoắn lá và lùn sọc đen đã xuất hiện và gây hại trên một số diện tích lúa. Đây là nỗi lo lớn trong sản xuất vụ mùa.


Nông dân Yên Hưng chăm sóc lúa mùa muộn.

Tính đến ngày 15-8, toàn tỉnh thực hiện gieo trồng vụ mùa đạt 33.398ha, bằng 96,6% so với cùng kỳ, trong đó diện tích lúa (27.392ha) giảm 2,3% so với cùng kỳ, diện tích ngô (1.296ha) giảm 12,2% so với cùng kỳ. Các loại cây trồng khác như khoai lang, đậu tương, lạc, rau xanh đang được người nông dân tiếp tục gieo trồng.

Hiện nay, các trà lúa mùa sớm tại 2 huyện Yên Hưng và Đông Triều, một số diện tích đã bắt đầu trỗ bông, dự kiến sẽ cho thu hoạch vào thời điểm cuối tháng 9, đầu tháng 10. Lúa mùa trung đang ở giai đoạn cuối đẻ nhánh đứng cái, mùa muộn đang vào giai đoạn hồi xanh đẻ nhánh. Năm nay, khi bước vào đầu vụ, mặc dù thời tiết nắng nóng kéo dài song các địa phương đều chủ động đảm bảo cung cấp đủ nước cho bà con nông dân sản xuất, gieo cấy hết diện tích, đảm bảo khung thời vụ. Cùng với đó, thời tiết sau khi lúa được gieo cấy có mưa đều, thuận lợi cho cây lúa sinh trưởng phát triển. Thời điểm này đến bất kể xứ đồng nào chúng tôi cũng đều bắt gặp các hộ nông dân ra đồng thăm lúa, kiểm tra tình hình sâu bệnh. Bà Lương Thị Thái, xóm 1, xã Yên Giang (Yên Hưng) đang vãi đạm chăm sóc diện tích lúa mùa sớm của gia đình cho biết: “Thời gian đầu khi mới cấy, lúa phát triển tốt, nhưng đến thời điểm này, qua thăm đồng tôi thấy lác đác xuất hiện ổ trứng sâu đục thân 2 chấm và sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu. Cũng tại thửa ruộng này, vụ xuân vừa rồi lúa đã nhiễm bệnh lùn sọc đen, lùn xoắn lá. Hy vọng trong vụ mùa, loại dịch bệnh này sẽ không xuất hiện. Ngay khi phát hiện sâu đục thân, sâu cuốn lá nhỏ và rầy nâu, gia đình đã tập trung phun thuốc phòng trừ để hạn chế sự lây lan của bệnh”. Để chủ động phòng chống dịch bệnh, bên cạnh các biện pháp kỹ thuật từ khâu ngâm, ủ giống, vệ sinh đồng ruộng, phun thuốc, ngành Nông nghiệp cũng như các địa phương đã chỉ đạo bà con nông dân thực hiện chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống theo hướng giảm dần diện tích trà lúa mùa sớm, tăng diện tích mùa trung và mùa muộn; sử dụng các giống lúa xác nhận, giống lúa nguyên chủng để tăng độ đồng đều về năng suất; hạn chế tới mức thấp nhất việc sử dụng giống lúa không rõ nguồn gốc, giống lưu vụ không qua chọn lọc.

Ông Đinh Đức Thành, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Hưng cho biết: “Bước vào sản xuất vụ mùa năm nay huyện đã chỉ đạo rất quyết liệt; các ngành, đoàn thể cùng vào cuộc với các hộ nông dân để đẩy mạnh sản xuất. Thực hiện chỉ đạo của huyện, cơ quan chuyên môn, các xã đã gieo cấy hết diện tích, diện tích cấy lúa mùa trung, mùa muộn tăng cao.  Đây cũng là một trong những biện pháp để phòng trừ sâu bệnh, nhất là đối tượng rầy nâu, rầy lưng trắng - môi giới truyền bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và lùn sọc đen”.

Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, tình hình dịch bệnh trên cây trồng vụ mùa năm nay đang có những diễn biến phức tạp. Các loại sâu đục thân 2 chấm ở lứa 4 đang vũ hoá rộ từ mùng 6 đến 15-8, sâu non sẽ nở rộ và gây bạc bông trên trà lúa mùa sớm trong khoảng thời gian từ nay đến cuối tháng 8; rầy lứa 6 mật độ phổ biến từ 70 đến 150 con/m2, có nơi tới 500 con và cục bộ 800 con/m2. Với điều kiện thời tiết mưa nắng thất thường như hiện nay sẽ hết sức thuận lợi cho rầy lưng trắng mang vi rút lùn sọc đen phát triển, gây hại và di trú rộng sau bão và bùng phát gây hại lớn trên cây lúa vụ mùa. Ngoài các loại rầy, sâu đục thân thì hiện sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 đang xuất hiện và gây bạc lá trên diện tích lúa ở nhiều địa phương. Dự kiến sâu cuốn lá nhỏ lứa 7 trưởng thành vũ hoá rộ trong khoảng thời gian từ 28-8 đến 5-9, và sẽ gây hại trên phần lớn diện tích lúa mùa trung giai đoạn đòng già - trỗ bông. Tính đến cuối tháng 7, sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 đã gây hại trên diện tích hơn 1.000ha lúa tại các huyện Yên Hưng và Đông Triều với tổng diện tích lên tới 3.000ha. Đặc biệt, qua kết quả giám định của ngành chức năng, đã có 9/25 mẫu lúa tại 8 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh cho kết quả dương tính với vi rút lùn sọc đen và 1 mẫu dương tính với vi rút gây bệnh lùn xoắn lá. Những loại bệnh này có khả năng lây lan nhanh, ảnh hưởng nghiêm trọng tới năng suất, sản lượng lúa.

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết và dịch hại trong vụ mùa 2010, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương chỉ đạo phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 ở những địa phương đã phát sinh, đặc biệt trên lúa mùa sớm ở Đông Triều và Yên Hưng; tăng cường theo dõi, giám sát phát hiện sâu bệnh để hướng dẫn nông dân phòng trừ kịp thời. Chi cục Bảo vệ thực vật tích cực kiểm tra, giám sát theo dõi lượng rầy lưng trắng, kiểm tra phát hiện tỷ lệ lúa bị nhiễm lùn sọc đen, diễn biến tình hình sâu cuốn lá nhỏ và các dịch bệnh khác, kịp thời hướng dẫn các địa phương cách phòng trừ. Đối với trà lúa mùa sớm đang trong giai đoạn trỗ thoát cần tập trung hướng dẫn phun trừ nhắc lại sâu đục thân 2 chấm lứa 4, kết hợp với phun trừ bệnh đạo ôn và bệnh khô vằn. Đối với trà lúa mùa trung vụ chỉ đạo bón phân bổ sung nuôi đòng ở những diện tích gieo cấy muộn, theo dõi sát tình hình sâu bệnh để có thông báo hướng dẫn hộ nông dân phòng trừ kịp thời. Năm nay diện tích cấy trà lúa này lớn nên cần phải đặc biệt lưu ý các đối tượng sâu bệnh như sâu đục thân 2 chấm lứa 7 sẽ gây hại từ giữa tháng 9, thời điểm lúa mùa trung vụ đang trỗ tập trung. Đối với trà mùa muộn diện tích năm nay không lớn song đây lại là trà lúa nhiều năm trước bị sâu bệnh cuối vụ tập trung gây hại nặng, nhiều diện tích không cho thu hoạch vì vậy cần tập trung chăm bón kịp thời, làm tốt công tác phòng trừ sâu bệnh hại từ 2 trà lúa sớm và trung vụ để hạn chế được sâu bệnh trên trà mùa muộn.

Thời gian từ nay đến khi thu hoạch lúa còn khá dài. Vì vậy các địa phương cần tập trung chỉ đạo, hướng dẫn hộ nông dân thực hiện tốt các phương án phòng trừ sâu bệnh, đặc biệt đối với công tác trừ rầy - môi giới truyền bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và lùn sọc đen; thực hiện việc chăm sóc lúa để tăng khả năng chống chịu sâu bệnh. Cơ quan chuyên môn cần tuyên truyền, tập huấn để người dân có những hiểu biết cụ thể về dịch bệnh, chỉ đạo dập dịch kịp thời.